Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Đại học RMIT Giáo sư Alec Cameron vào ngày 7/4/2022 ở Hà Nội. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Đại học RMIT Giáo sư Alec Cameron cùng Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie vào ngày 7/4/2022 ở Hà Nội.
Theo Vietnam+, Thủ tướng đánh giá quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia đang phát triển tốt đẹp, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục-đào tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Đại học RMIT là nhà đầu tư lớn của Australia vào Việt Nam đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về giáo dục hiện nay. Thủ tướng cũng chúc mừng Đại học RMIT có hơn 20 năm hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Việt Nam, trở thành biểu tượng sinh động cho hợp tác giáo dục-đào tạo và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Giáo sư Cameron cam kết RMIT sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và chia sẻ về kế hoạch phát triển sắp tới của Đại học RMIT nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Giáo sư Cameron cho biết: “Là một trường đại học, RMIT luôn hướng tới cộng đồng nơi trường hoạt động. Nhà trường tin tưởng vào những mối quan hệ sâu sắc thúc đẩy hội nhập, kết nối và trao đổi kiến thức. Đây là trọng tâm trong mọi hoạt động của RMIT tại Việt Nam. Khởi nguồn từ quan hệ đối tác, nhà trường tiếp tục tập trung hỗ trợ câu chuyện phát triển vượt bậc của đất nước, qua các phương thức thực hành và thực tế”.
Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan (thứ hai từ phải trong hình) tiếp Phó chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Đại học RMIT Giáo sư Alec Cameron (thứ hai từ trái trong hình) vào ngày 5/4/2022. |
Cam kết tăng cường hợp tác còn được củng cố qua các phiên họp với lãnh đạo cấp cao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hà Nội, trong những ngày qua.
Giáo sư Cameron cho biết nhà trường đang xem xét đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới đẳng cấp quốc tế và vào mở rộng các ngành học trong lĩnh vực STEM và chuyển đổi số, thiết kế và sáng tạo, cũng như vào phát triển bền vững.
Qua các cuộc họp, Giáo sư Alec Cameron luôn lặp lại mong muốn thiết tha của nhà trường trong việc mở rộng hợp tác nhằm thúc đẩy kết nối quan trọng giữa giáo dục và ngành nghề.
Ông nhận thấy “nhu cầu lao động của Việt Nam đang thay đổi hết sức nhanh chóng khi quy mô tự động hoá mở rộng, và tính kết nối của Việt Nam với môi trường quốc tế đang tạo ra nhiều cơ hội có thể được hiện thực hóa nếu có đầy đủ các kỹ năng cần thiết”.
“Nhà trường có thể hợp tác cùng Việt Nam để đưa kiến thức và kinh nghiệm vào quá trình chuẩn bị cho những yêu cầu thay đổi này, cũng như mở rộng chân trời cơ hội cho đất nước. Chúng tôi có thể thực hiện điều này theo nhiều cách khác nhau tuỳ vào nhu cầu của lực lượng lao động – từ các chứng chỉ để bổ túc kỹ năng đến bằng cấp và chứng nhận mới trong các ngành nghề có nhu cầu cao nhất”, Giáo sư Cameron nói.
“Là một trường đại học về công nghệ, thiết kế và doanh thương, vị trí đặc biệt của chúng tôi là giải quyết nhu cầu đa dạng của sự phát triển, của đổi mới sáng tạo và của thương mại hoá”.