Trong thời gian qua, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Thương mại luôn gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế thường xuyên tổ chức các chương trình tọa đàm hướng nghiệp, các chương trình tham quan trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và các khóa đào tạo kỹ năng. Qua các chương trình này, sinh viên của Khoa được học hỏi về chuyên môn, rèn luyện về kỹ năng, tìm hiểu các yêu cầu của nhà tuyển dụng với với ứng viên… từ đó, các bạn sinh viên có thể xây dựng lộ trình bồi dưỡng bản thân, cập nhật những kiến thức kỹ năng còn thiếu trong thời gian học tập tại trường, từ đó vững vàng tham gia vào thị trường lao động.
Với những nỗ lực đổi mới đào tạo trong thời gian qua, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Thương mại ghi nhận những phản hồi tích cực từ xã hội và những kết quả tốt từ sinh viên sau tốt nghiệp. Theo khảo sát việc làm dành cho sinh viên đã tốt nghiệp năm 2020 thì tỷ lệ có có việc làm đạt 94%. Trong số đó, 89% sinh viên có việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp. Sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế; Bên cạnh có, sinh viên của Khoa cũng đảm nhận rất nhiều vị trí khác nhau ở các công ty và tập đoàn kinh tế, kinh doanh trong và ngoài nước trong các ngành như ngoại giao, hậu cần, vận tải quốc tế, hàng không, xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường/marketing quốc tế, quản trị chuỗi cung ứng, tư vấn đầu tư quốc tế/xúc tiến thương mại, thanh toán quốc tế ở các ngân hàng, hải quan…
Thông tin chi tiết về các hoạt động hợp tác doanh nghiệp của Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Thương mại trong năm 2021.
Năm 2021 chứng kiến sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó có hoạt động đào tạo tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Thương mại. Giữa các đợt ảnh hưởng của đại dịch, Khoa kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Thương mại đã tổ chức an toàn và thành công chuỗi Chương trình thực tế doanh nghiệp 2021.
Chuỗi chương trình thực tế doanh nghiệp 2021 dành cho sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế gồm 3 nhóm sự kiện: (1) các tọa đàm chuyên môn; (2) các chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và (3) các khóa đào tạo kỹ năng cho sinh viên.
Tọa đàm “Kinh nghiệm phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng tre công nghiệp tại công ty BWG” đã cung cấp cho các bạn sinh viên bức tranh toàn cảnh về ngành sản xuất, xuất khẩu tre công nghiệp. Cây tre, một loại cây phổ biến ở Việt Nam, có thể tạo rất nhiều sản phẩm đa dạng. Bên cạnh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì ván tre công nghiệp là một sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Công ty CP BWG Mai Châu là đơn vị hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ tre. Diễn giả Nguyễn Trọng Nghĩa – Founder của công ty BWG - đã có những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu cho sản phẩm tre công nghiệp.
Tọa đàm “Hoạt động kinh doanh quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thực tế tại công ty Manna Việt”. Tại buổi Tọa đàm, diễn giả Anvar Sadath - Tổng giám đốc Công Ty TNHH Manna Việt - đã phác họa bức tranh toàn cảnh, hoạt động kinh doanh quốc tế trong bối cảnh COVID-19, tại một số nước và khu vực trên thế giới. Diễn giả Anvar Sadath cũng đã chia sẻ về các hoạt động thực tiễn của Manna, khi doanh nghiệp của ông tìm ra cơ hội trong khủng hoảng COVID-19, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước, mà còn xuất khẩu, cũng như năng động chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh.
Tọa đàm “Thực trạng phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTAs thế hệ mới” được tổ chức với các chuyên gia đến từ Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương. Tại buổi tọa đàm, diễn giả Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - đã trao đổi với các sinh viên về thực trạng phòng vệ thương mại ở Việt Nam, các tình huống cụ thể mà Việt Nam đã gặp. Xuyên suốt quá trình trao đổi, diễn giả Phạm Châu Giang đã đặt và trả lời nhiều câu hỏi giao lưu của sinh viên, với những chia sẻ thông qua những vụ điều tra cụ thể của mình đã thúc đẩy sự ham học hỏi từ các sinh viên tham gia buổi tọa đàm. Trong phần trình bày của mình, diễn giả Nguyễn Việt Hà - Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại - đã nhiệt tình chia sẻ thông tin, kiến thức về các biện pháp PVTM, các quy trình, thủ tục pháp lý khi tham gia vào các vụ điều tra PVTM, cũng như những điểm cần lưu ý riêng ở mỗi FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là trong Hiệp định thương mại tự do EVFTA – Hiệp định quan trọng được các sinh viên khoa KT&KDQT đặc biệt quan tâm.
Tọa đàm “Tác động của COVID-19 đến hoạt động giao nhận vận chuyển hàng hóa quốc tế” với các diễn giả đến từ công ty Fedex Logistics. Những chia sẻ của diễn giả Đỗ Phương Anh (Station Manager) và diễn giả Bùi Bách (Account Manager) về nhiều câu chuyện thực tế và thú vịdiễn ra tại một công ty logistics hàng đầu thế giới như FedEx trong đại dịch COVID-19 đã truyền ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, thái độ tích cực và tinh thần ham học hỏi trong công việc cho các bạn sinh viên.
Chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế công ty CP May xuất khẩu Thái Bình. Chuyến đi giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về hoạt động sản xuất, gia công, xuất khẩu hàng dệt may, một mặt hàng có thể mạnh của Việt Nam. Các cán bộ lãnh đạo công ty CP May xuất khẩu Thái Bình đã có những chia sẻ đầy thực tế về hoạt động quản lý nhập nguyên vật liệu, quản lý sản xuất và xuất khẩu các thành phẩm theo các hợp đồng gia đông; Những kinh nghiệm trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu và kinh nghiệm thanh lý hợp đồng gia công. Đây là những thông tin bổ ích, bổ sung thực tế cho các bạn sinh viên sau khi được học các kiến thức về kinh doanh quốc tế trên lớp..
Chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế Cảng Tân Vũ, Hải Phòng và công ty T&M Forwarding. Qua chuyến đi, các bạn sinh viên được chứng kiến những chuyến tàu container đầy hàng hóa ra vào cảng. Các chuyên gia từ Cảng Tân Vũ, Hải Phòng đã giới thiệu cho các bạn sinh viên quy trình quản lý tàu container ra vào cảng, quản lý các bãi container hàng xuất nhập khẩu. Các bạn sinh viên cũng được tham quan khu vực kho hàng hóa hiện đại của công ty công ty T&M Forwarding, khu vực kiểm tra container của Hải quan và hơn hết là những chia sẻ của các cô chú, anh chị về những câu chuyện nghề đầy thử thách nhưng cũng nhiều thú vị.
Chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế Công ty BWG Mai Châu, Hòa Bình. Các chuyên gia từ công ty BWG đã chia sẻ cho các bạn sinh viên khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế về các công đoạn sản xuất và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm từ tre để xuất khẩu, từ khâu thu mua, chế biến, hoàn thiện và xuất khẩu. Qua chuyến đi, các bạn sinh viên được hiểu thêm về những giá trị mà công ty BWG đem đến cho cộng đồng từ việc phát triển bề vững cây tre; Tích cực sử dụng nguồn lao động nữ tại địa phương, không ngừng nghiên cứu định hướng đầu tư phát triển công nghệ trong quá trình sản xuất, hướng đến đảm bảo lợi ích cũng như cải thiện môi trường.
Chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại trụ sở Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương. Tại chương trình, Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và các cán bộ của Cục đã giới thiệu chung về cơ cấu tổ chức của Cơ quan điều tra về PVTM, chức năng, nhiệm vụ, các quy trình tác nghiệp và xu hướng sử dụng các công cụ PVTM trong thời gian tới trên thế giới và tại Việt Nam. Bà Phạm Châu Giang cũng cung cấp cho các sinh viên ngành thương mại phương pháp xem xét, đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, tình trạng sử dụng các công cụ PVTM của một số nước trên thế giới và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19. Từ đó các sinh viên có nhận thức rõ hơn về chính sách thương mại của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và đúc rút kinh nghiệm định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Khóa đào tạo “Kỹ năng làm việc nhóm” do Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và Học viện Viettel tổ chức tại trụ sở Học viện Viettel, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Khóa học được thiết kế trên cơ sở kết hợp lý thuyết và thực hành, qua đó giúp các sinh viên hoàn thiện tốt các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời đại số. Xuyên suốt khóa học, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chuyên viên đào tạo của Học viện Viettel đã giúp các bạn sinh viên được trải nghiệm và rút ra những bài học cho mình để có thể làm việc nhóm hiệu quả hơn. Các bạn sinh viên cũng nhận được những chia sẻ từ bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo cán bộ quản lý Học viện Viettel về sự cần thiết của Kỹ năng làm việc nhóm trong thực tế công việc. Kết thúc chương trình, các bạn sinh viên đều đánh giá cao những lợi ích thiết thực thu nhận từ khóa học.