Tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi số
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên số
HCEM chú trọng đầu tư, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giảng viên (cử cán bộ, giáo viên đi học tập tại nước ngoài, đào tạo chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp…). Đội ngũ này phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại đi kèm với nâng cao năng lực “số” của mỗi cá nhân phù hợp, hiệu quả.
NGƯT, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội. |
Đây chính là đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo trong nhà trường.
Chuyển đổi số hệ thống quản lý và đào tạo
- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành các hoạt động giáo dục, đào tạo. Xây dựng cổng thông tin điện tử nội bộ, hệ thống tuyển sinh trực tuyến, số hóa các hoạt động điều hành là một trong những giải pháp đã mang lại hiệu quả cao trong thời gian vừa qua tại HCEM.
- Đổi mới và hiện đại hóa phương pháp đào tạo. Mô phỏng hóa và số hóa bài giảng một cách hiệu quả và phù hợp. Tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên thông qua các kênh giáo dục trực tuyến. Khuyến khích chia sẻ thông tin và kiến thức ngoài giờ học giữa thầy và trò.
Cập nhật chương trình đào tạo, chuyển dịch các chương trình đào tạo truyền thống sang đào tạo trên môi trường số
- Thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo thông qua các hoạt động gắn kết với các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực công nghiệp điển hình (tự động hóa, cơ khí, chế tạo, sản xuất…). Hằng năm, nhà trường tổ chức Hội nghị đào tạo – Hợp tác doanh nghiệp nhằm mở rộng và củng cố mối quan hệ truyền thống giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác. Các doanh nghiệp sẽ giúp nhà trường cập nhật tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, tiêu chuẩn công nghệ mới, các yêu cầu và kỹ năng mới. Từ đó, nhà trường có cơ sở để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo hàng năm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.
- Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng mở, mềm dẻo thích hợp với các cấp và trình độ đào tạo; áp dụng một số chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới để đào tạo các nghề trọng điểm.
- Thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt theo định hướng "ứng dụng", thường xuyên được cập nhật, "chuẩn đầu ra" các chương trình đào tạo được công khai và đảm bảo đánh giá định lượng được. Nâng cao số lượng các chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế. Việc xây dựng các chương trình đào tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và điển hình trong lĩnh vực nghề nghiệp để kịp thời cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp và công nghệ mới. Mở rộng quan hệ hợp tác liên kết đào tạo với các quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến. Học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý giáo dục mở và tiên tiến. Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và chương trình đào tạo tiến tới công nhận bằng cấp hoặc đào tạo bằng kép.
- Từng bước xây dựng các chương trình đào tạo trên môi trường số, xây dựng nguồn học liệu số của từng ngành nghề nhằm đáp ứng hiệu quả xu thế chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Hợp tác hiệu quả hơn với doanh nghiệp
- Tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để tận dụng các nguồn lực trong quá trình đào tạo; tạo điều kiện để sinh viên học tập kinh nghiệm, thực tập, thực hành và đạt các kỹ năng mềm trong môi trường làm việc thực tế chứ không chỉ có kiến thức lý thuyết tại trường. Nghiên cứu các mô hình hợp tác với doanh nghiệp của nhiều nước có hệ thống GDNN phát triển và thu hút đầu tư, tăng cường nguồn lực để áp dụng các mô hình đó trong điều kiện cụ thể của từng trường.
- Việc gắn kết với doanh nghiệp thực tế mang lại lợi ích rất lớn đối với nhà trường. Các doanh nghiệp có thể giúp cho nhà trường cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, cập nhật công nghệ mới đồng thời, giúp cho nhà trường hiểu rõ các tiêu chí tuyển dụng của từng doanh nghiệp và lý do tại sao họ đưa ra tiêu chuẩn đó. Các yếu tố này là cơ sở để nhà trường hiểu rõ vị trí của mình trong bối cảnh chung và phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo theo từng năm, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, đưa vào các nội dung đào tạo mới qua đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của doanh nghiệp.
- Mặt khác, các doanh nghiệp có thể giúp nâng cao trình độ giáo viên và sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp trong đó bao gồm một yếu tố quan trọng là doanh nghiệp tham gia vào việc đánh giá kỹ năng của giáo viên và học sinh. Hình thức hợp tác này sẽ nâng cao chất lượng nguồn lực của nhà trường.
- Bên cạnh các yếu tố liên quan đến chuyên môn và tiêu chuẩn nghề nghiệp, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nguồn tài chính cần thiết giúp nhà trường phát triển môi trường giáo dục, mở rộng các hoạt động giáo dục bên cạnh các hoạt động truyền thống.
- Sau tất cả, sinh viên nhà trường là người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gắn kết hai bên này. Các sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn cập nhật từ doanh nghiệp và có cơ hội tìm kiếm việc làm với tỷ lệ thành công cao sau khi tốt nghiệp.
Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đào tạo mới
- Nhà trường đầu tư mạnh mẽ, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, máy móc thiết bị tại nhà trường. Mua sắm các máy móc thiết bị mới, đáp ứng tiêu chuẩn 4.0 như các trung tâm gia công phay CNC, trung tâm gia công tiện CNC, in 3D, robot công nghiệp, các hệ thống cơ điện tử 4.0 của FESTO…
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động trên lớp và ngoại khóa, kích thích tính sáng tạo của học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo như tổ chức thi kỹ năng nghề cấp cơ sở, thi thiết kế các phần mềm, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên...
- Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu chuyển đổi số trong nhà trường đặc biệt để ứng dụng và việc đào tạo trực tuyến, quản lý và vận hành nội bộ trên môi trường số.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (các xu hướng, mô hình, phương pháp, ứng dụng mới trong đào tạo...), chuyển giao công nghệ trong đào tạo và quản lý đào tạo, các giải pháp CNTT để thực hiện quá trình đào tạo trong nhà trường. Liên kết hợp tác với Hiệp hội nghề nghiệp hoặc hiệp hội công nghệ trên thế giới.
Sản phẩm đầu ra: Sinh viên có tay nghề cao, có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực của xu thế chuyển đổi số
- Sinh viên tốt nghiệp, được các doanh nghiệp tuyển dụng và đánh giá tích cực là niềm tự hào của nhà trường. Để đạt được thành tích đó, nhà trường đã chú trọng đào tạo phát triển kỹ năng thực hành ở trình độ cao, rèn luyện tác phong công nghiệp song song với việc đào tạo ngoại ngữ, tin học và trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên. Đa dạng hóa nội dung đào tạo theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp. Chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo; đảm bảo chuẩn hoá “đầu vào”, “đầu ra”; tự kiểm định chất lượng đào tạo và chịu sự đánh giá định kỳ của các cơ quan kiểm định chất lượng của Nhà nước hoặc do Nhà nước chỉ định. Đổi mới quản lý quá trình dạy và học, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả dạy học trên cơ sở chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, có sự tham gia của doanh nghiệp hoặc đại diện sử dụng lao động.
- Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động cả ở cấp độ vĩ mô và cấp cơ sở để đảm bảo cho các hoạt động đào tạo của nhà trường hướng tới việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao của doanh nghiệp. Tạo cơ chế để doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xác định danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề, tiếp nhận sinh viên làm việc, định hướng nghề nghiệp và định hướng tiêu chuẩn tuyển dụng… Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với “sản phẩm” đào tạo của nhà trường nhằm điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp hơn theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.
- Đổi mới phương pháp đào tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo. Kết hợp đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp. Hướng tới việc trợ giúp, giám sát sinh viên tự học và chuẩn bị bài ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào chỉ với các thiết bị thông minh kết nối Internet. Phần đào tạo trực tiếp tập trung phát triển các kỹ năng, năng lực thực hiện nghề nghiệp cũng như các phẩm chất cá nhân khác như: kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Những ngành học mà HCEM sẽ đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam
Hầu hết các ngành nghề kỹ thuật do HCEM đào tạo đều sẽ đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tại Việt Nam, cụ thể như: Cơ Điện tử; Điện Công nghiệp; Điện tử Công nghiệp; Lắp đặt điện; Kỹ thuật Máy lạnh và điều hòa không khí; Công nghệ Ô tô; Cắt gọt kim loại; Hàn; Công nghệ Web; Quản trị Mạng máy tính; Thiết kế Đồ họa.