Khách hàng muốn gì, chứ không phải mình...
Không hiểu thị trường hoặc hiểu rất nông cạn là lý do khiến nhiều bạn trẻ ngã gục không bao lâu sau khi khởi sự tưng bừng. Bà Phạm Lan Khanh, CEO FreelancerViet.vn, người nổi tiếng về câu chuyện đi gọi vốn bị từ chối hơn…100 lần, kể về bước khởi đầu của mình cách đây nhiều năm: “Trước khi FreelancerViet.vn ra đời năm 2013 thì nền tảng kết nối người làm việc tự do với doanh nghiệp đã có trên thế giới hơn 10 năm. Nhưng tại Việt Nam thì vẫn chưa có gì, thậm chí ít người biết “freelancer” là gì? Rất tự tin và khao khát, tôi lập tức khởi nghiệp với mô hình này và tin chắc sẽ thành công nhanh chóng, với một nền tảng tương tự những trang web nổi tiếng. Và rồi… thất bại, nhanh như khi bắt đầu. Tìm hiểu kỹ, tôi nhận ra, ở Việt Nam, người dùng không thích trả tiền cho “cò”, trong khi điều này rất bình thường trên thế giới, khi một người làm việc tự do được doanh nghiệp chọn qua nền tảng có thu phí giao dịch”.
Theo bà Khanh, bài học đau thương của bà là không am hiểu nhu cầu thị trường. Và bà phải “đập đi xây lại” theo một mô hình mới, thu phí trước, thay vì đợi “hợp đồng hoàn tất sẽ thanh toán”. Dự án FreelancerViet.vn sau đó đã phát triển ổn định và từng nhận giải “Founder of the Year” của Viet Nam Rice Bowl Startup Awards, năm 2017. “Không phải mô hình nào thành công trên thế giới cũng thành công tương tự khi áp dụng ở Việt Nam. Bạn trẻ khởi nghiệp phải hiểu ngành, am tường thói quen và phương thức”, bà Khanh kết luận.
![]() |
Các vị khách mời chia sẻ tại buổi thảo luận.
“Cách để tôi vượt qua nỗi đau là tận dụng hoạt động cộng đồng. Tôi xây dựng một cộng đồng “freelancer” trên mạng xã hội và định kỳ hai tháng tổ chức các sự kiện một lần, nhằm chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm… giúp kỹ năng làm việc... Sau khoảng 2 năm thì cộng đồng “freelancer” phát triển rất mạnh và rất gắn bó”.
Yếu tố sản phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng với một “startup”. Không phải nhà khởi nghiệp muốn gì mà là người tiêu dùng cần gì? Bà Phạm Lan Khanh đưa ra lời khuyên: “Đa số “startup” hiện nay làm về công nghệ và không phải ai cũng hiểu cần phải có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Để tạo sản phẩm tốt, đáp ứng người tiêu dùng thì phải hiểu người tiêu dùng muốn gì. Muốn hiểu được thì bắt buộc các “startup” phải nghiên cứu thị trường, mặc dù làm nhỏ thôi nhưng giúp các “startup” hiểu được những mong muốn của khách hàng. Khách bỏ tiền lần đầu đã khó, thuyết phục họ quay lại lần sau và sau nữa càng khó”.
Làm sao để không “ngã”?
Theo các chuyên gia, các “startup” thường quan tâm đến phương pháp, định hướng, mà quên đi tầm quan trọng của nhân sự. Đây chính là một cảnh báo để người trẻ không “ngã đau”. TS Bùi Quang Tín, CEO Bizlight cho rằng, doanh nghiệp “startup” phải đặt ra mục tiêu cụ thể khi quyết định tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cho doanh nghiệp khởi nghiệp để đảm bảo kết quả thu về hiệu quả. Ông ví dụ: Các tập đoàn lớn có thể trả 500 triệu đồng/tháng cho một CEO xuất sắc nhưng chỉ 6 triệu đồng/tháng cho nhân viên bình thường. Sự chênh lệch đó là minh chứng cho chất lượng nhân sự. Nhưng trả lương cao, người giỏi chưa chắc tới mà phải là sự phù hợp với vị trí lẫn công việc, môi trường và thời điểm của “startup”. Không hiếm “startup” tiềm năng, đi đúng hướng nhưng “mất đột ngột và đáng tiếc”, chỉ vì nhân sự không tìm được tiếng nói chung, ngay lúc nhìn thấy tia sáng phía trước...
Khởi nghiệp là một chặng đường dài và khó. Dù rằng, mỗi vấp ngã đều để lại một bài học hữu ích nhưng biết cách đi để không ngã mới là con đường lý tưởng.