Sáng 9/6, Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc đã công bố bảng xếp hạng QS World 2022. Trong bảng xếp hạng lần này, Việt Nam có bốn đơn vị đại học được xem xét. Trong đó, có hai đại diện được xếp top 801 - 1000 là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM.
Với ĐHQG TP. HCM, tiêu chí về danh tiếng với đồng cấp học thuật của đại học này đứng vị trí 398 toàn cầu, tăng ba bậc so với năm 2021. Và đây cũng là tiêu chí có điểm số cao nhất và cũng vượt trội hơn so với các trường của Việt Nam ở xếp hạng.
Với ĐHQG TP. HCM, tiêu chí về danh tiếng với đồng cấp học thuật của đại học này đứng vị trí 398 toàn cầu, tăng ba bậc so với năm 2021. |
Ngoài ra, Việt Nam còn có trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp nhóm 1001 - 1200 và trường ĐH Bách khoa Hà Nội xếp nhóm 1201+.
Theo công bố này, bảng xếp hạng này với 1.300 trường của 93 quốc gia, tăng 10% so với năm ngoái và trở thành bảng xếp hạng lớn nhất từ trướng tới nay của QS.
Kết quả, Mỹ tiếp tục là quốc gia có đến 5 trường vào top 10 (cũng là 5 trường lọt top 10 vào năm ngoái) gồm: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trường ĐH Stanford ĐH Harvard, Viện Công nghệ California và ĐH Chicago.
Trong đó, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trở thành trường đại học tốt nhất trên thế giới trong 10 năm liên tiếp và là trường đạt điểm tuyệt đối trong các đánh giá về nghiên cứu cũng như đánh giá của nhà tuyển dụng.
Vương quốc Anh có bốn đại diện lọt vào top 10 là trường ĐH Oxford, trường ĐH Cambridge, trường ĐH Hoàng Gia London và trường ĐH London.
Lần này, châu Á có 305 trường được tham gia xếp hạng tại bảng xếp hạng đại học thế giới QS. Riêng Đông Nam Á có 60 trường, trong đó, trường đại học xếp hạng cao nhất khu vực là ĐH Quốc gia Singapore khi đứng ở vị trí thứ 11 trên toàn thế giới.
QS World xếp hạng các trường đại học theo sáu tiêu chí, gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), và sinh viên quốc tế (5%).
Bảng xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).