Nhóm bao gồm ba thành viên: Hồ Quốc Đăng Khánh (nhóm trưởng), cùng với hai thành viên là Ngô Nguyễn Phát Đạt và Đào Nguyễn Ngọc Trâm. Nhóm dự án vừa lọt vào Top 6 dự án tranh tài ở Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai, năm 2021.
Ý tưởng thực hiện dự án đến từ mong muốn nâng cao giá trị sử dụng của gỗ, tạo ra sản phẩm mới và bền vững cho ngành gỗ nói riêng và ngành công nghệ vật liệu nói chung. Bên cạnh đó, nhóm còn muốn đổi mới quan điểm sử dụng gỗ truyền thống từ trực tiếp tạo ra sản phẩm gia dụng thông thường thành dùng gỗ rừng trồng mọc nhanh để tạo ra vật liệu thay thế phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Hồ Quốc Đăng Khánh cho biết: “Cụ thể, nhóm muốn tạo ra vật liệu gỗ trong suốt, có thể thay thế các vật liệu thấu quang như: Kính, nhựa trong suốt... dùng trong xây dựng, kiến trúc, cũng như tạo ra sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng nguyên liệu hóa thạch”.
Tấm thấu quang cấu trúc gỗ là vật liệu có thể thay thế được nhựa trong suốt, kính, khi thực hiện các chi tiết trong xây dựng và nội thất. Sản phẩm có nhiều đặc tính ưu việt, như nhẹ, bền, cách nhiệt, không vỡ, có thể phân huỷ tự nhiên hoặc dễ tiêu hủy... Vật liệu tấm thấu quang cấu trúc gỗ có cấu tạo khoảng 60% gỗ tự nhiên và phần còn lại là chất truyền sáng, cho phép 80 - 90% ánh sáng có thể truyền qua. Ngoài ra, ánh sáng truyền qua gỗ trong suốt bị tán xạ một phần làm cho phía bề mặt nhận ánh sáng không bị chiếu rọi trực tiếp, tương tự hiệu ứng của kính mờ… Tính năng sản phẩm kết hợp ưu điểm của gỗ và bổ sung tính chất truyền sáng.
Nhóm điều chế sản phẩm trong phòng thí nghiệm. |
Đăng Khánh cho biết thêm, nhóm bắt đầu nghiên cứu từ tháng 3/2021, bằng việc kết hợp nghiên cứu tài liệu nước ngoài và tài liệu chuyên ngành. Chỉ sau hai tháng, nhóm đã tạo ra phiên bản đầu tiên của tấm thấu quang cấu trúc gỗ.
Nói về những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện dự án, Đăng Khánh chia sẻ: “Điều khó khăn nhất mà nhóm gặp phải là vấn đề kinh phí. Do kinh phí của nhóm còn hạn hẹp nên không thể đầu tư trọn vẹn cho máy móc sản xuất”. Theo Đăng Khánh, để vượt qua trở ngại, nhóm đã bắt tay vào chế tạo ra từng thiết bị hỗ trợ cho quy trình sản xuất. Thông qua việc tự thực hiện hầu hết các công đoạn, nhóm nắm chắc hơn về nguyên lý thiết kế hệ thống thiết bị sản xuất quy mô lớn phục vụ trong tương lai.
Đăng Khánh nhận định: “Việc được lọt vào Top 6 dự án tranh tài ở Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai, năm 2021 đã phần nào chứng minh tính khả thi của sản phẩm và mục tiêu của dự án”.
Việc dự thi là bước đầu trong kế hoạch dài hạn của nhóm - ứng dụng công nghệ chế biến lâm sản kết hợp với công nghệ hóa học để tạo ra vật liệu tái tạo (renewable materials) hoặc vật liệu có nguồn gốc sinh học (biomaterials) thay thế cho các vật liệu nguồn gốc hóa thạch thông thường. “Trong tương lai, nhóm tiếp tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, nhóm sẽ xây dựng quy trình công nghệ và đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao cho các doanh nghiệp có nhu cầu”, Đăng Khánh cho biết.