Profile tác giả:
- Bút danh: Nam Kha
- Hiện đang làm việc trong lĩnh vực báo chí – truyền thông, graphic designer tại TP.HCM
- Là tác giả của nhiều đầu sách kĩ năng dành cho giới trẻ: Tuyệt đỉnh bí kíp teen truyền, Bắn tim bí kíp chuẩn teen, Sống xanh không khó, Tuổi dậy thì ti tỉ chuyện… và mới nhất là cuốn sách Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có nhiều lối ra.
- Theo dõi các bài viết truyền cảm hứng của tác giả tại trang fanpage: https://www.facebook.com/goichumangve/
Tác giả Nam Kha
Chào Nam Kha, từ đâu bạn có ý tưởng viết cuốn sách Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có nhiều lối ra?
Chào các bạn độc giả! Ý tưởng viết cuốn sách này đến với mình trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội lần 1. Khi đó, công việc của mình cũng như bạn bè, người thân bỗng bị chững lại một cách đột ngột. Nhiều người lên mạng xã hội chia sẻ về việc bị giảm giờ làm, bị cắt lương, thậm chí bị mất luôn công việc hiện tại dù đã có nhiều kinh nghiệm hoặc đang giữ chức vụ quan trọng. Tranh thủ thời gian nghỉ ở nhà để chống dịch, mình đã tìm thêm thông tin, liên kết các dữ liệu và viết cuốn sách này để chia sẻ kinh nghiệm, gợi ý cho mọi người sớm tìm được việc làm, cải thiện thu nhập trong cơn đại dịch Covid-19.
Vậy trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, theo bạn, đâu là hướng đi tốt nhất cho mỗi cá nhân?
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, việc thực hiện giãn cách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho một hình thái kinh tế mới bùng nổ và trở thành xu hướng mới: nền kinh tế nằm nhà (homebody economy). Chỉ với smartphone có kết nối internet trong tay, chúng ta có thể dễ dàng tìm được cơ hội và cải thiện thu nhập bằng cách tham gia vào các công việc mới như: trở thành KOL/Influencers, vlogger… Những công việc mang tính “truyền thống” trước đây như: viết báo, viết sách, thiết kế đồ họa… cũng được đổi mới theo hình thức làm việc từ xa nên bạn có thể bắt tay vào làm ngay dù đang ở bất cứ đâu.
Nhưng mỗi công việc đều có những yêu cầu riêng, làm sao để biết mình có thật sự phù hợp với nó hay không?
Không chỉ có những bạn sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường mà ngay cả những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm cũng thường tự đặt câu hỏi này cho bản thân trước khi bắt đầu công việc mới. Nhất là trong lúc cuộc sống còn nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, việc xác định rõ yêu cầu công việc và năng lực bản thân càng trở nên cấp thiết hơn, giúp chúng ta hạn chế rủi ro, vững bước trên con đường sự nghiệp và chạm đến thành công.
Để chia sẻ với nỗi lo lắng đó của các bạn độc giả, mình có dành hẳn một chương trong sách gợi ý hướng nghiệp qua bài trắc nghiệm giúp bạn biết mình phù hợp với loại công việc nào, phân tích đặc điểm và yêu cầu của từng loại hình công việc phổ biến trong nền kinh tế nằm nhà để bạn tham khảo và từ đó đưa ra lựa chọn cho riêng mình.
Có ý kiến cho rằng tuổi của Nam Kha còn khá trẻ và bạn không phải là chuyên gia kinh tế thì làm sao có thể tư vấn cho người khác được?
Lúc bắt đầu viết sách, mình cũng tự đặt ra nhiều câu hỏi tương tự cho bản thân rằng: mình là ai?, mình có đủ uy tín để tư vấn cho người khác không?, liệu độc giả có ủng hộ điều mình chia sẻ hay không?… Nhưng những câu hỏi đó dần được tháo gỡ nhờ vào sự giúp đỡ của những người anh, người chị mình quen biết.
May mắn là trong quá trình làm báo, mình đã được nghe rất nhiều câu chuyện thực tế từ các “tiền bối” ở nhiều ngành nghề, những bạn trẻ khởi nghiệp… cộng với thế mạnh tổng hợp, phân tích dữ liệu và viết lách đã giúp mình hoàn thành cuốn sách một cách trọn vẹn. Chính vì thế mà khi đọc sách, bạn sẽ ít thấy bóng dáng của tác giả xuất hiện, thay vào đó là những người đi trước có nhiều kinh nghiệm hơn chia sẻ trải nghiệm, bài học đúc kết từ thực tế của họ.
Lỡ có ai đó phản pháo những điều bạn viết trong sách thì sao nhỉ?
Mình cũng đã dự trù tình huống này nên chắc sẽ không buồn lâu đâu, vì mười độc giả có cả trăm ý khác nhau mà mình thì không có siêu năng lực điều khiển suy nghĩ của người khác. Với lại ngay từ trang đầu tiên, mình đã khẳng định những nội dung trong cuốn sách này không phải là chân lí hay công thức đảm bảo đem đến thành công 100%. Chúng chỉ đơn giản là lời gợi ý giống như chiếc la bàn định hướng, còn việc bạn có về đến đích hay không, vượt qua thử thách thế nào phải do mỗi người tự thân vận động bằng chính năng lực của mình.
Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, bạn muốn nhắn gửi điều gì đến độc giả không?
Điều mình muốn nhắn nhủ nhất là dù tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước nhưng ngày mai không hề xám xịt. Và bạn vẫn nắm trong tay toàn quyền tự quyết số phận của mình, miễn là bạn dám đối diện với thử thách và không ngại xắn tay áo lên hành động thì chắc chắn sẽ gặt hái được thành công như mong muốn.
Cảm ơn Nam Kha!
Có lẽ chưa bao giờ cuộc sống của chúng ta lại trở nên bất định như thời điểm này, khi mà thế giới đang phải chống chọi với nhiều biến cố lớn: dịch bệnh COVID đã giết chết hàng trăm nghìn người, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Thậm chí kể cả khi không có dịch bệnh, cuộc sống của chúng ta đôi lúc như một trò chơi tàu lượn mạo hiểm thử thách chúng ta bằng những khoảnh khắc lên xuống bất ngờ đến thót tim.
Cuốn sách “Giữa muôn trùng nguy khó vẫn có nhiều lối ra” là liều thuốc cho tinh thần và cũng là những giải pháp thực tiễn giúp bạn có thể áp dụng vào ngay cuộc sống, công việc của mình. Bạn sẽ tìm được những góc nhìn, hướng đi mới tích cực hơn, hiệu quả hơn với thái độ lạc quan hơn. Sách do NXB Công Thương và thương hiệu sách 1980 Books phát hành.
Ảnh: NVCC