Sự độc đáo của nghệ thuật Origami là tác phẩm từ khi bắt đầu đến hoàn thành chỉ sử dụng kỹ thuật gấp giấy để tạo hình mà tối kỵ sử dụng keo dán hoặc dao, kéo cho việc cắt gọt. Oramagi lan truyền ra khắp thế giới và trở thành cảm hứng cho nhiều môn nghệ thuật khác nhau. Oragami được ứng dụng vào kiến trúc, thiết kế và trở thành một trường phái, một “cuộc cách mạng thiết kế”.
Đó cũng là ý tưởng ban đầu để Đặng Văn Dũng và Trần Thế Anh hình thành nên dự án “Origamu-inspired kinetic shading device”, ứng dụng nghệ thuật Oragami để thực hiện giải pháp che nắng cho công trình.
Dũng cho biết: “tại TP. HCM, bức xạ mặt trời cao tác động xấu đến các công trình xây dựng. “Từ thực tế đó, tụi mình nghĩ đến các giải pháp có thể bảo vệ trước bức xạ đó mà vẫn giữ được “hồn cốt” của công trình. Giải pháp được tụi mình chọn là kiến trúc động. Có rất nhiều lựa chọn cho giải pháp này được tụi mình thử nghiệm, cái nào không khả thi thì bỏ. Sau cùng, tụi mình chọn giải pháp sử dụng các chuyển động từ nghệ thuật gấp giấy Oragami. Để khắc phục bức xạ, nhiều công trình tại TP. HCM phải tốn rất nhiều chi phí để xây dựng giải pháp che nắng.
Giải pháp mà Dũng và Thế Anh thực hiện là tạo hình bề mặt bên ngoài được cố định bởi một bộ khung. Bộ khung này được cấu tạo bởi các bánh răng, thanh răng có thể di chuyển giúp cho bề mặt bên ngoài chuyển động tạo hình thu nhỏ hoặc mở rộng. Tất cả được thực hiện bởi vi mạch xử lý được lập trình để thiết lập các thông số đầu vào, đầu ra. Ngoài ra còn một cảm biến cường độ ánh sáng.
Từ dữ liệu đã lập trình sẽ xuất thông tin ra lệnh cho mô-tơ mở các góc trên khung và tương tác với cường độ ánh sáng ngoài trời. Nếu ánh sáng nhiều, khung sẽ mở to, ánh sáng yếu sẽ co lại. Bề mặt trang trí bên ngoài ứng dụng nghệ thuật gấp giấy Oragami sẽ mở ra hoặc co lại theo ánh sáng để che bớt bức xạ đồng thời tạo hình trang trí đẹp mắt cho công trình.
Thiết kế module che nắng cho công trình của hai bạn được thử nghiệm ứng dụng cho mặt kính bị nắng ở khối LV tại cơ sở 3 của chính trường ĐH Văn Lang tại Quận Bình Thạnh.
ThS Lê Thành Luân – một trong hai giảng viên hướng dẫn cho Dũng và Thế Anh cho biết: “Với thiết kế vỏ bao che như dự án của Dũng và Thế Anh thì kỹ thuật cực kỳ khó. Trên thế giới đã có nhiều công trình thực hiện được nhưng rất ít. Trước khi hình thành một công trình thực tế, điều quan trọng nhất là tạo được một công trình mẫu có thể hoạt động như ý tưởng của người thiết kế. Dự án của hai bạn đã làm được yếu tố đầu tiền này và đó chính là điều đáng ghi nhận. Khả năng ứng dụng của dự án là khả thi”.
Theo Dũng, “Origamu-inspired kinetic shading device” là sản phẩm che nắng công trình, nhưng có thể áp dụng dùng làm các thiết bị che nắng trên sân trường, background sân khấu, giúp công trình giảm thiểu tác động xấu của thời tiết.
Dự án của Dũng và Thế Anh đã giành được giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo sinh viên Văn Lang năm 2020”. “Nhìn chung, dự án vẫn còn nhiều điểm phải hoàn thiện, điều đó sẽ giúp tụi mình có thêm động lực và sáng tạo để ý tưởng này có thể ứng dụng thực tế”, Dũng cho biết.