Hành trình gần 3 thập kỷ ‘dạy làm người’ của nhà giáo U70

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Suốt 27 năm 6 tháng qua, lớp học đặc biệt của cô Phạm Thị Huyền (1954) đã trở thành “ngôi nhà thứ hai” của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hành trình ấy bắt đầu từ niềm đam mê nghề giáo và tâm niệm “dạy làm người” đáng trân quý.

Trung thành với “nghề cao quý nhất”

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô Phạm Thị Huyền bắt đầu sự nghiệp giảng dạy cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Cao Lan vào buổi sáng và chiều. Bên cạnh việc dạy chính khóa, cô vẫn tình nguyện mở lớp bổ túc văn hóa miễn phí vào buổi trưa cho học sinh lớn tuổi không có điều kiện đến trường tại xã Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Năm 1997, sau nhiều năm dạy học ở Tuyên Quang, cô Phạm Thị Huyền theo gia đình lên Hà Nội sinh sống. Rời xa bục giảng, cô cảm thấy “buồn và trống rỗng”. Nỗi nhớ nghề càng trỗi dậy khi cô thấy những đứa trẻ “xóm bụi” lang thang, nghịch ngợm ngoài đường trong giờ đi học.

Không đành lòng, người giáo viên ấy đi đến quyết định bán bộ bàn ghế gỗ trong nhà được 500 nghìn đồng, mua về ba bộ bàn ghế học sinh. Năm 1998, lớp học đặc biệt ra đời ngay tại nhà cô với 6 học trò đầu tiên. “Toàn những em quá tuổi, có em 11 tuổi chưa biết chữ, nhưng các em thông minh lắm. Chỉ 3 tháng, nhiều em đã đọc thông viết thạo hết chương trình lớp 1”, cô Huyền tự hào nói.

Hành trình gần 3 thập kỷ ‘dạy làm người’ của nhà giáo U70 ảnh 1

Cô giáo Phạm Thị Huyền cùng học sinh trong buổi tổng kết lớp. (Ảnh: NVCC)

Những ngày đầu, lớp học vô cùng chật chội. Nhưng niềm vui khi thấy các em biết chữ đã thôi thúc cô tiếp tục. Dần dần, việc làm của cô Huyền đã lan “tiếng thơm” rộng rãi. Nữ giáo viên được chính quyền phường Thanh Xuân Nam tạo điều kiện cho mượn một phòng hội họp tại nhà G5 của tổ dân phố số 6 để tổ chức lớp học. Bàn ghế, bảng viết cũng được cô đi kêu gọi từ các trường học để thay mới. Lớp học giờ đây khang trang và rộng rãi hơn rất nhiều.

Lớp học không chỉ có con chữ

Không đơn thuần là lớp học “xóa mù chữ”, cô Huyền gọi đây là lớp học “linh hoạt”. Bởi lẽ, lớp không chỉ có trẻ em hoàn cảnh khó khăn mà còn chào đón cả các bạn chậm phát triển, tự kỷ, mắc hội chứng Down... những trường hợp không thể theo học tại trường chính quy.

Cô Huyền xây dựng một phương pháp dạy độc đáo cho lớp học “ghép” nhiều trình độ này. Cô thường đến lớp từ 7 giờ sáng và dạy cho từng em một. Em nào nhanh có thể học 1 năm 2 lớp, em nào chậm thì 2 - 3 năm một lớp. Ngoài văn hóa, cô còn dạy các em kỹ năng sống.

Điều khiến lớp học của cô Huyền trở nên đặc biệt chính là những bài học về cuộc sống. “Mùng 3 tháng 3 thì cô trò cùng nặn bánh trôi, ngày lễ thì tổ chức liên hoan, nấu bún cho các con ăn. Tôi làm cho các con thấy vui, thấy lớp học là nhà thì chúng mới thích đi học”, cô cười hiền hậu.

Cô dạy các em nữ cách nấu một bữa ăn đủ chất chỉ với chi phí tiết kiệm. Ngày 20/11, thay vì nhận hoa, cô lại mua hoa về, bày giấy, ruy-băng ra chỉ các em cách bó hoa nghệ thuật. “Cô dạy để sau này các con chỉ cần mua 100 nghìn tiền hoa là có thể tự tay làm một bó hoa đẹp tuyệt vời tặng mẹ, tặng bạn, thay vì phải mua bó hoa 400-500 nghìn ngoài tiệm”, cô giải thích.

Hành trình gần 3 thập kỷ ‘dạy làm người’ của nhà giáo U70 ảnh 2

Không khí trung thu được chính tay cô trò chuẩn bị trong lớp học đặc biệt. (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên tận tụy không bao giờ muốn học sinh của mình phải chịu thiệt thòi. Khi nghe tin có bảo tàng miễn phí vé, cô Huyền nhanh chóng nhờ xe của doanh nghiệp và con trai đưa các em đi tham quan. Vào mọi dịp lễ Tết, cô cũng chủ động liên hệ với những nhà hảo tâm và đơn vị tài trợ để học sinh có những món quà như bạn bè. Thậm chí, dù đã có một chút thù lao để duy trì lớp học, nhiều khi cô vẫn không ngần ngại bỏ tiền túi ra để tổ chức các hoạt động cho học trò của mình.

Với gần 30 năm kinh nghiệm và những khóa tập huấn từ các tổ chức quốc tế, cô hiểu tâm lý và cách dạy phù hợp với từng đứa trẻ. Cô tâm niệm: “Mỗi một chuyến đò qua sông an toàn là tôi sung sướng, hạnh phúc rồi. Tôi không cần học sinh phải tặng hoa, tặng kẹo, chỉ cần các con nên người, xã hội văn minh là được”.

Những “chuyến đò” cập bến thành công

Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô Huyền là được thấy học trò của mình trưởng thành. Cô kể về nữ học trò người Nùng ở Hà Giang, 16 tuổi trốn khỏi một cuộc tảo hôn, xuống Hà Nội không biết tiếng Kinh. Cô đã nhận dạy chữ, xin cho trò một công việc tại chỗ làm của con dâu mình. Ngày cưới, chính cô Huyền cũng là người đứng ra làm chủ hôn cho nhà gái. Giờ đây, học sinh ấy đã là chủ một tiệm làm đẹp, có gia đình riêng và luôn nhận cô Huyền là “mẹ”.

Sau gần 3 thập kỷ vững tay chèo những “chuyến đò” đặc biệt, cô Huyền muốn truyền động lực cho lớp trẻ ngành sư phạm: “Thứ nhất phải yêu ngành giáo dục, đây là nghề cao quý. Thứ hai, phải có tình thương với học trò, phải kiên nhẫn, không được nóng vội. Và thứ ba, phải luôn học hỏi không ngừng”.

Hành trình gần 3 thập kỷ ‘dạy làm người’ của nhà giáo U70 ảnh 3

Đối với cô Huyền, niềm vui lớn nhất không phải là những tấm bằng khen, mà là “khi mình dạy dỗ, các em biết chữ, ngoan ngoãn, trưởng thành và có một công việc để nuôi sống bản thân”. (Ảnh: Hồng Hoa)

Hiện tại, cô Phạm Thị Huyền vẫn đang đồng hành và truyền lại kinh nghiệm cho một cô giáo đã về hưu để có thể tiếp quản lớp học trong tương lai. Cô muốn “chuyến đò” này sẽ còn tiếp tục ngay cả khi cô không còn đủ sức chèo lái, để những đứa trẻ yếu thế vẫn luôn có một nơi tìm về, học chữ và học làm người.

MỚI - NÓNG
Thời tiết những ngày thi tốt nghiệp THPT ở TP. HCM như thế nào?
Thời tiết những ngày thi tốt nghiệp THPT ở TP. HCM như thế nào?
SVVN - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong các ngày thi tốt nghiệp THPT từ 25 đến 28/6, TP. HCM sẽ duy trì mức nhiệt cao vào buổi trưa (31–33°C). Phụ huynh nên chú ý chăm sóc sức khỏe cho thí sinh bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ, vệ sinh, uống đủ nước tránh tình trạng say nắng.

Có thể bạn quan tâm

Kể chuyện nghề báo theo cách của sinh viên

Kể chuyện nghề báo theo cách của sinh viên

SVVN - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), nhiều ấn phẩm sáng tạo, ứng dụng công nghệ số đã được thực hiện bởi sinh viên năm thứ hai, ngành Báo chí, khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).
Thủ khoa tổ hợp C00: ‘Thi THPT không cần làm siêu nhân, chỉ cần là chính mình’

Thủ khoa tổ hợp C00: ‘Thi THPT không cần làm siêu nhân, chỉ cần là chính mình’

SVVN - 'Không có từ ‘khó’ trong từ điển của bản thân', đó là kim chỉ nam giúp mình, Trần Thị Thảo, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và trở thành thủ khoa trường ĐH Luật (ĐHQG Hà Nội). Với mình, hành trình đó không dễ dàng, nhưng đủ đẹp để gửi lại đôi lời đến các sĩ tử đang sắp bước vào trận chiến lớn nhất tuổi học trò'...