Bán cả vàng cưới để có tiền xoay xở lớp học
Vốn mồ côi cha và đã trải qua những năm tháng tuổi thơ cơ cực, anh Khải càng thấu hiểu sâu sắc cuộc đời của những đứa trẻ nghèo phải làm công việc nhặt ve chai, đi bán vé số dạo ngoài đường. Lúc bấy giờ, anh đã cùng các bạn Đoàn viên phường Hiệp Thành, quận 12 mượn văn phòng khu phố để mở lớp tình thương và vận động được 10 em đến học.
Đến năm 2013, vì bận rộn với lịch học chuyên ngành và các tour du lịch mà anh Khải phải đóng cửa lớp. Hai năm sau, anh tình cờ gặp lại học trò cũ và biết được nhiều em vẫn phải lam lũ kiếm sống và không thể cắp sách đến trường. Vì động lòng thương cảm, anh quyết định “tái sinh “ lớp học và đặt tên lớp là Ngọc Việt . “Việt là tên đệm nằm trong nghệ danh của tôi khi còn làm MC đám cưới, Ngọc tức là ngọc quý. Bản thân tôi xem những đứa trẻ như viên ngọc sáng của mình”, anh giải thích lý do lấy tên gọi như vậy.
Lớp học tình thương Ngọc Việt do anh Bình sáng lập luôn đầy ắp tiếng cười. |
Anh kể thêm: “Lúc mở lại lớp, tôi đã lấy khoảng sân trước nhà làm nơi dạy học và tự bỏ tiền túi mua dụng cụ học tập cho các em. Khi đó, tôi trải bạt trên nền đất xi măng cho các em có chỗ ngồi, lấy ghế đẩu thay cho bàn học để kê tập và lợp tôn cũ để làm mái. Nhưng khổ nỗi trời mưa tầm tã làm mái bị dột và ướt hết tập vở các em, thương lắm. Lớp tạm bợ như vậy nhưng may sao vẫn duy trì được”.
Đến tháng 1/2018, khi lớp học ngày càng đông, anh quyết định “trùng tu” lớp học. Ngặt nỗi, chi phí đầu tư cho nguyên vật liệu lại vượt quá khả năng tài chính, bản thân anh đã đi vay nợ cả bạn bè, người thân nhưng vẫn không xuể. Cuối cùng, anh bàn tính với vợ và cả hai đã cùng bán vàng cưới để đủ tiền xoay xở. “Dù biết là sẽ rất buồn nhưng vì học sinh, chúng tôi sẵn lòng làm thế. Tiền còn có thể kiếm lại chứ bọn trẻ thì không thể đợi được”, anh bộc bạch.
Gian hàng 0 đồng ở lớp học tình thương Ngọc Việt. |
Mong không ai “đứt gánh giữa đường”
Hiện tại, lớp tình thương Ngọc Việt có 46 em học sinh từ 8-17 tuổi và đều là con của những người lao động nghèo di cư đến TP. HCM sinh sống. Lớp học giờ đây đã khang trang hơn xưa và có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, chính tay anh Khải và các bé đã trang trí lên tường nhà những nhân vật hoạt hình bắt mắt để không gian lớp học trở nên sinh động hơn.
Anh Huỳnh Quang Khải hạnh phúc và luôn hết mình với lớp học tình thương Ngọc Việt do mình sáng lập. |
Anh Khải chia sẻ: “Ở lớp tôi, 90% em không có điều kiện nhập học ở trường chính quy, 5% em không có giấy tờ tùy thân, 5% em mắc bệnh thiểu năng, chậm phát triển. Riêng với những học sinh chậm phát triển, tôi càng phải kiên nhẫn hơn vì các em có trí nhớ kém và khó tiếp thu bài, có khi mất 2 ngày mới lĩnh hội được kiến thức mà những em khác chỉ cần một ngày để dung nạp”.
Tuy vậy, anh không hề nề hà vì bản thân luôn xem học sinh là con ruột của mình. Trước đây, anh vốn làm việc cho công ty nhưng vì muốn có thời gian để đứng lớp, anh đã chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch tự do để linh động lịch trình đi tour. Đồng thời, anh Khải còn kiếm thêm thu nhập từ việc bán bánh mì chả cá mỗi sáng. Anh cũng thường xuyên được các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ vì muốn chung tay cải thiện lớp học cũng như bữa ăn của các em.
Những chuyến đi thiện nguyện để giúp các em hiểu hơn những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn giống mình, từ đó không ngừng vươn lên trong cuộc sống. |
Tại lớp tình thương Ngọc Việt, các em sẽ được học 2 môn toán và tiếng Việt ở mức độ cơ bản. Đều đặn 6 buổi/tuần, tiết học bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 21h. Đặc biệt, mỗi năm, anh Khải sẽ đứng ra tổ chức những buổi đi chơi xa và những hoạt động thiện nguyện ở vùng cao để các em vừa có cơ hội mở mang tầm mắt, vừa nuôi dưỡng được lòng trắc ẩn với những mảnh đời đồng cảnh ngộ. Đồng thời, anh sẽ dành ra một buổi trong tuần để chia sẻ cho các em những bài học về cuộc sống. Nhờ vậy, anh đã hiểu hơn về tâm tư tình cảm của các em và có nhiều trường hợp khiến anh không khỏi xót xa. “Nhiều phụ huynh chỉ cần con họ biết mặt chữ thôi là đủ nên luôn muốn chúng ra ngoài mưu sinh từ sớm. Tôi đã khuyên bảo nếu không học hành tử tế thì sau này khó có công việc ổn định để nuôi sống bản thân. Họ biết vậy nhưng không phải ai cũng nghe theo”, anh bùi ngùi.
Tuy nhiên, anh cho biết mình vẫn sẽ theo đuổi công việc “gõ đầu trẻ” đến cùng để không một ai phải “đứt gánh giữa đường” như thế. Điều hạnh phúc với anh Khải chính là nhiều học trò cũ giờ đây đã lập gia đình và thành tài. “Tôi mong con trai tôi sau này sẽ tự hào về những gì bố nó đã làm”, anh thổ lộ.