Vừa qua, Viện Nghiên cứu Lâm sàng về Xã hội, Tâm lý & Giáo dục CRISP-E tổ chức buổi Hội thảo báo cáo kết quả cho dự án “Tiếp cận nhu cầu sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ở Tanzania và Việt Nam thông qua đồng sáng tạo các giải pháp kỹ thuật số và phi kỹ thuật số” tại Khánh Hòa. Kết thúc quá trình triển khai gần 3 năm của dự án với Chương trình Khuyến khích Sức khỏe tâm thần của học sinh.
Buổi Hội thảo có sự tham gia của Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh đến từ các trường tham gia dự án cùng đại diện từ các tổ chức giáo dục và chăm sóc sức khỏe, Sở GD - ĐT Khánh Hòa, Sở GD - ĐT Nghệ An, Sở Y Tế Khánh Hòa, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa và Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa.
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày một số kết quả chính và những tác động tích cực mà dự án đem lại: Hiểu biết về sức khỏe tâm thần của học sinh, cán bộ trường học và phụ huynh có sự sự cải thiện rõ rệt sau khi chương trình kết thúc; Hơn 50% học sinh tham gia phỏng vấn báo cáo đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần chính thức; Một số các hành vi tiêu cực như kỳ thị, miệt thị ngoại hình, tự gây hại cho bản thân hay bạo lực học đường đều có xu hướng giảm bớt dưới tác động của chương trình.
Trong chương trình, Ban Tổ chức đã dành buổi sinh hoạt trong Câu lạc bộ Tâm lý với chủ đề Tổng quan về Sức khỏe tâm thần được điều phối bởi đại diện nhóm học sinh đến từ các trường tham gia dự án.
Trong phần trao đổi và kết nối, các bạn học sinh, thầy cô và đại diện đến từ các đơn vị ban ngành đã có cơ hội để chia sẻ trải nghiệm của bản thân cũng như thảo luận về kế hoạch mở rộng chương trình trong tương lai. Theo đánh giá của các bên liên quan, chương trình có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh và cần được mở rộng thêm tại các trường trên địa bàn hai tỉnh và trên nhiều tỉnh thành khác.
Đại diện học sinh tham gia dự án đã chia sẻ: “Được tham gia vào dự án là một trong những vinh dự lớn nhất của chúng em. Dự án giúp em mở mang thêm kiến thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần, từ đó có thêm hiểu biết để tự giải đáp được các thắc mắc cũng như tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình”.
Dự án “Tiếp cận nhu cầu sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ở Tanzania và Việt Nam thông qua đồng sáng tạo các giải pháp kỹ thuật số và phi kỹ thuật số” được tài trợ bởi Quỹ Botnar (Thụy Sỹ) và điều phối chung bởi Viện phát triển hải ngoại ODI (Anh Quốc). Viện Nghiên cứu Lâm sàng về Xã hội, Tâm lý & Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) và Trung tâm Đào tạo Sức khỏe Quốc tế Tanzania (Tanzania) là hai đơn vị điều phối của dự án tại địa phương.
Tại Việt Nam, dự án được triển khai ở 8 trường Trung học trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Khánh Hòa, với tổng số gần 250 học sinh tham gia và gần 100 đối tượng hưởng lợi gián tiếp. Trong khuôn khổ dự án, một chương trình Khuyến khích Sức khỏe tâm thần và Sự lành mạnh của học sinh tại trường học được triển khai dưới hình thức Câu lạc bộ Tâm lý, với nhiều hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao hiểu biết của học sinh trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.