Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng

SVVN - Giới thiết kế nội thất chuyên lẫn không chuyên tại Việt Nam đều biết đến giải thưởng Hoa Mai – Cuộc thi thiết kế mẫu nội ngoại thất gỗ tại TP. HCM, là sân chơi hiếm hoi cho riêng chất liệu gỗ đã duy trì được gần 20 năm. Rất nhiều gương mặt trưởng thành từ giải thưởng này giờ đã là các nhà thiết kế giỏi nghề hoặc nắm giữ vị trí chủ chốt ở bộ phận thiết kế của nhiều doanh nghiệp. Ở mùa giải năm nay, có hai câu chuyện thú vị về sự sáng tạo, đều đến từ các trường đại học.

Lần đầu đi thi, giành luôn giải

Theo Ban Tổ chức giải Hoa Mai, Lương Vũ Anh – Vũ Thành Nam – Nguyễn Khánh Linh (Khoa Tạo dáng công nghiệp – ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) là trường hợp hiếm hoi khi ngay lần đầu dự thi đã xuất sắc giành luôn giải Nhất bảng Triển vọng, trị giá 30 triệu đồng. Tác phẩm “Bèo” đã chinh phục hoàn toàn Ban giám khảo vì sự sáng tạo và kỹ lưỡng, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, tính ứng dụng và thương mại hóa cao. “Bèo” gồm sofa dài và ghế đơn với ngôn ngữ thiết kế của hiện đại, tối giản, có thể ứng dụng trên đa dạng sản phẩm và kết hợp được vật liệu cùng kỹ thuật của thủ công truyền thống. Yếu tố xanh được chú trọng triệt để.  

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 1Các tác giả Vũ Thành Nam, Nguyễn Khánh Linh, Lương Vũ Anh.

Trong một chuyến đi đến Thanh Hóa, cả nhóm có dịp làm quen với rất nhiều vật liệu thủ công mỹ nghệ: bèo, cói, mây, tre. Tất cả tạo cho nhóm cảm giác thích thú vì tính thân thiện với môi trường, hoàn toàn tự nhiên. Các loại này hoàn toàn có thể kết hợp với nhiều loại vật liệu khác: gỗ, đá, kim loại v..v để tạo nên sản phẩm nội thất đẹp, đó cũng là sự phát triển của các xu hướng thiết kế hiện đại, thân thiện và tự nhiên.

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 2Sản phẩm thân thiện với môi trường nhờ các vật liệu tự nhiên.

Theo Khánh Linh, khác với nhiều ngành khác, các cuộc thi giành riêng cho lĩnh vực thiết kế trên chất liệu gỗ cho sinh viên chuyên ngành thiết kế nội thất tại Việt Nam rất hiếm. Nhiều sinh viên muốn thử sức nhưng không có sân chơi, hoặc phải gửi ra các cuộc thi ở nước ngoài. Vì vậy khi biết về Hoa Mai, cả nhóm quyết định gửi bài, vừa thử sức vừa học hỏi.

“Bèo” là sáng tạo của cả nhóm. Để dung hòa được ý tưởng của nhau, cả nhóm trước tiên xây dựng các nghiên cứu về thói quen của người tiêu dùng, xu hướng thị trường nội thất. Mỗi bảng sẽ có những tiêu chí khác nhau, từ kết quả có được của mỗi người, sẽ tiến hành chọn từng yếu tố đồng thuận  nhất để làm căn cứ cho thiết kế sản phẩm và chỉnh sửa khi cần. Nhờ vậy, việc lên ý tưởng thiết kế không gặp nhiều trở ngại về cái “tôi sáng tạo” của mỗi tác giả.

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 3Ghế sofa và ghế đơn có thiết kế hiện đại.

Trải nghiệm thú vị của bộ ba này là sống và học ở Hà Nội nhưng cuộc thi lại tổ chức tại TP.HCM. Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, các thí sinh được hỗ trợ toàn bộ vật liệu gỗ Sồi đỏ và kết nối với các nhà máy nội thất để thực hiện tác phẩm. Các thí sinh phải tự tay thực hiện sản phẩm với sự giúp đỡ, tư vấn của các kỹ sư nhà máy. Để làm được điều này, cả Hoàng Anh – Nam  - Linh phải bắt máy bay vào Sài Gòn, thuê phòng trọ và hằng ngày bắt xe đến nhà máy Công ty PT&T Wood để làm việc. Hai lần ra vào như vậy thì tác phẩm hoàn thành.

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 4Đường nét tinh tế, chỉn chu. 

“Kết quả này nằm ngoài sự mong đợi của nhóm. Để hoàn thiện ở mức cao nhất, tác phẩm vẫn có những chi tiết chưa thật sự ưng ý lắm như: độ cong chưa hoàn hảo, chân ghế cần chăm chút hơn để tạo cảm giác mạch lạc hơn. Khi nộp tác phẩm, nhóm chỉ hi vọng Ban giám khảo sẽ chấp nhận nhưng kết quả cuối cùng lại hơn cả mong đợi. Thành quả nho nhỏ này sẽ là động lực để cả nhóm tin tưởng hơn vào con đường phía trước”, Thành Nam nói. 

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 5Nhóm tác giả thuyết trình sản phẩm cùng KTS Nguyễn Quốc Khanh - Trưởng Ban giám khảo.

Giảng viên cũng tranh tài 

Hai tác giả Lê Long Vĩnh – Huỳnh Thanh Quyền hiện cùng là  giảng viên Khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Văn Lang). Nhiều năm trước, cả hai thầy luôn khuyến khích và hỗ trợ chỉnh sửa bài thi cho SV trong khoa tham gia giải. Năm nay, cả hai quyết định đăng ký dự thi và được xếp luôn vào Bảng chuyên nghiệp.

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 6Các tác giả Huỳnh Thanh Quyền (trái) và Lê Long Vĩnh hiện là giảng viên trường ĐH Văn Lang.

Tác phẩm “Ghế Chợ nổi” gây ấn tượng với Ban giám khảo bởi sự khác lạ từ ý tưởng đến thiết kế. Giữa muôn vàn tác phẩm phong cách hiện đại, cổ điển, Âu – Á khác nhau, Chế Chợ nổi mang đậm dấu ấn Việt với cảm hứng từ chiếc thuyền tam bản rất phổ biến ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cũng là nơi sinh ra lớn lên của cả hai. KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (MIA Studio), thành viên Ban giám khảo nhận xét: “những tác phẩm khác chúng ta có thể thấy bất cứ ở đâu, nhưng tác phẩm này nhìn vào sẽ thấy ngay cảm hứng Việt Nam”. Cuối cùng, Ban Giám khảo đi đến sự đồng thuận cuối cùng và giải thưởng đặc biệt cho tác phẩm này là sự trân trọng tính sáng tạo cao.  

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 7Ghế "Chợ nổi" mang đậm cảm hứng Việt.

Quá trình giảng dạy, làm nghề và tiếp cận nhiều kiến thức mới cũng là một lợi thế riêng về sự thực tế của hai tác giả, nhưng: “Ngoài kinh nghiệm, nhược điểm của chúng tôi là lớn tuổi, sự sáng tạo và thích ứng với cái mới sẽ không bằng các bạn khác. Vì vậy, chúng tôi theo đuổi việc tạo ra dấu ấn riêng của tác phẩm để có khác biệt”, Huỳnh Thanh Quyền cho biết. Điều khiến cả hai vui hơn là gặp rất nhiều sinh viên lẫn cựu sinh viên ngành thiết kế của trường ĐH Văn Lang cũng tham gia giải và giành được một số giải nhỏ.

Khi giảng đường song hành cùng nhà xưởng ảnh 8

Thầy Quyền chia sẻ: “Những lần xuống nhà máy Scansia Pacific để thực hiện tác phẩm, chúng tôi được tiếp cận với sản xuất thực tế, cách vận hành máy móc, cách tổ chức công đoạn sản xuất và trang bị cơ sở vật chất, nguyên liệu  v..v Đó là những va chạm thực tế rất hữu ích bổ sung cho công việc giảng dạy. Ngay với tác phẩm này, chúng tôi cũng chưa tự tin nắm rõ được kết cấu sản phẩm. Nhờ sự giúp đỡ và tư vấn của các chuyên viên chuyên nghiệp của Scansia Pacific, chúng tôi có thêm những giải pháp kết cấu mới ngoài mong đợi để tác phẩm hoàn thiện cao nhất. Tôi nghĩ, không chỉ sinh viên mà các giảng viên nếu có điều kiện cũng nên tham gia thử sức ở các cuộc thi, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, đúc rút kinh nghiệm cho giảng viên.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Vẻ đẹp ngọt ngào qua bộ ảnh 'Kỉ yếu kiểu Mỹ' của cô nàng có ước mơ đặt chân vào trường Nhân Văn

Vẻ đẹp ngọt ngào qua bộ ảnh 'Kỉ yếu kiểu Mỹ' của cô nàng có ước mơ đặt chân vào trường Nhân Văn

SVVN - Tăng Khánh Huyền sở hữu nhan sắc ngọt ngào, xinh đẹp của một cô gái thuộc thế hệ Gen Z. 2K5 đến từ Đà Lạt mong ước được trở thành sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, Khánh Huyền vừa chụp bộ ảnh theo trend kỉ yếu Mỹ. Bộ ảnh đầy cá tính và mang dấu ấn kỉ niệm cho những ngày tháng là học sinh cuối cùng của Huyền.
Những dấu ấn của Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Bách khoa lần thứ XXII

Những dấu ấn của Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Bách khoa lần thứ XXII

SVVN - Ngày 21/5, Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2023 - 2025 đã diễn ra với khẩu hiệu “Tuổi trẻ Đại học Bách khoa Hà Nội: bản lĩnh – tiên phong – sáng tạo – hội nhập – phát triển”. Anh Nguyễn Tuấn Hùng được đại hội hiệp thương bầu chọn là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ mới.