Không bao giờ là quá muộn

Không bao giờ là quá muộn
SVVN - Không ai có thể quay trở lại và bắt đầu một khởi đầu mới, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu ngay hôm nay và tạo ra một kết thúc mới.

Đó là một ngày cực kỳ bận rộn đối với các nhân viên của bệnh viện. Trên tầng 6, mới có 10 bệnh nhân phải nhập viện và cô y tá Susan phải làm thủ tục cho họ suốt từ sáng đến chiều.

          Tận tối hôm đó, Susan mới cùng người đồng nghiệp là Sharon xuống căngtin ăn tối.

          Họ ngồi cùng một bàn trong căngtin đông đúc, Susan để ý thấy Sharon lén lấy ngón tay quệt nước mắt. Khuôn mặt cô ấy lộ vẻ mệt mỏi, rõ ràng không chỉ vì công việc.

          - Em mệt à, hay có chuyện gì? – Susan hỏi.

          Sharon do dự. Tuy nhiên, thấy vẻ quan tâm chân thành của Susan, cô thừa nhận:

          - Em không thể sống như thế này mãi được, Susan ạ! Em phải tìm công việc có thu nhập tốt hơn để còn chu cấp cho gia đình. Nếu không phải vì bố mẹ em giúp trông mấy đứa con em thì em không biết phải làm thế nào nữa…

          Susan thấy có những vết bầm ở cổ tay Sharon, dù cô đã cố dùng tay áo che đi.

          - Còn chồng em thì sao?

          - Không thể trông đợi vào anh ấy được… Anh ấy không có việc làm… Anh ấy… có một số rắc rối.

          - Sharon, em là người rất dịu dàng với bệnh nhân và em thích làm việc ở đây – Susan nói – Sao em không đi học để trở thành một y tá có giấy phép? Em có thể tìm các khoản hỗ trợ tài chính của Chính phủ để đi học.

          - Quá muộn rồi, Susan! Em đã luôn muốn được trở thành một y tá chính thức, nên em mới xin vào làm phụ việc ở đây. Nhưng tuổi của em làm sao đi học được nữa.      

          - Em bao nhiêu tuổi?

          - Em hơn 30 rồi.

          Susan chỉ vào những vết bầm trên cổ tay Sharon:

          - Chị rất quen thuộc với những “rắc rối” kiểu này. Sharon ạ, không bao giờ là quá muộn để trở thành con người mà em mong muốn. Để chị kể cho em nghe…

          Susan bắt đầu chia sẻ một phần cuộc sống của cô, mà vốn rất ít người biết đến. Cô không muốn kể cho ai nghe, chỉ trừ phi cô nghĩ rằng, câu chuyện của cô có thể giúp được người khác.

          - Chị kết hôn khi mới 13 tuổi và đang học lớp 8.

          Sharon há hốc miệng.

          - Người mà chị lấy làm chồng hồi đó 22 tuổi. Chị bị buộc phải kết hôn do những hủ tục của nơi chị sống. Anh ta là một kẻ bạo lực. Chị lấy chồng được 6 năm và có 3 đứa con trai. Một buổi tối, anh ta đánh chị gãy cả răng.

          Susan hít thở sâu rồi kể tiếp:

          “Lúc ly dị, Tòa án trao các con cho chồng chị, vì chị mới 19 tuổi và không có tiền nuôi chúng. Cơn sốc đó khiến chị cảm thấy nghẹt thở. Tệ hơn nữa, chồng cũ của chị đem các con chuyển nhà đi, cắt hoàn toàn mọi liên lạc”.

          “Chị tìm mọi cách để có tiền sống. Chị làm phục vụ bàn, không được lương mà chỉ có tiền boa của khách là thu nhập. Rất nhiều ngày, bữa ăn của chị chỉ là mấy cái bánh quy. Điều khó khăn nhất chính là sự trống rỗng của tâm hồn. Chị rất nhớ các con”.

          Susan dừng lại. Dù đã sau nhiều năm nhưng ký ức đó vẫn khiến cô đau đớn. Rồi cô kể tiếp:

          “Chị sớm nhận ra rằng, làm bồi bàn mãi cũng không thể đủ sống được. Chị phải tìm cách đi tiếp. Chị tái hôn và có một đứa con gái. Con bé trở thành lý do để chị sống, cho đến khi nó vào đại học”.

          “Khi con gái đi học xa, chị như trở lại điểm xuất phát: Vô cùng cô độc. Cho đến ngày mà mẹ chị phải phẫu thuật. Chị nhìn các y tá chăm sóc mẹ chị và nghĩ: Mình cũng có thể làm được việc này. Vấn đề là, chị mới chỉ học đến lớp 8. Nhưng chị quyết định sẽ đi từng bước một. Đầu tiên, chị phải tốt nghiệp trung học. Con gái chị thường cười vì giờ đây, chị thường phải thức khuya để học và gọi điện cho nó để hỏi bài”.

          Susan ngừng lại, nhìn thẳng vào mắt Sharon và nói:

          - Chị nhận được bằng tốt nghiệp trung học khi chị 46 tuổi. Bước tiếp theo là học làm y tá. Suốt 2 năm liền, chị học, khóc và muốn bỏ cuộc rất nhiều lần. Chị vẫn nhớ những lần gọi điện cho con gái chị và hét lên: “Con có biết là trong cơ thể người có bao nhiêu cái xương không? Thế mà mẹ phải biết từng cái một! Mẹ không học được nữa, mẹ gần 50 tuổi rồi!”. Nhưng chị vẫn học được, Sharon ạ! Em không thể biết là chị đã xúc động đến thế nào khi nhận được bằng tốt nghiệp đâu!

Không bao giờ là quá muộn

          Nước mắt Sharon lăn dài trên má. Susan nắm lấy tay cô và nói:

          - Em đừng là một nạn nhân nữa. Hãy đứng lên! Em sẽ trở thành một y tá giỏi. Chúng ta sẽ cùng vượt qua thử thách này.

          Sharon lau mắt:

          - Em đã không biết là chị từng trải qua nhiều việc như vậy. Chị luôn có vẻ là một người rất bình tĩnh và thư thái.

          - Chị nghĩ, chị đã học được cách trân trọng cả những khó khăn – Susan trả lời – Nếu chị dùng chúng để giúp đỡ người khác thì chúng không phải là vô ích. Sharon, em hãy hứa là sẽ học để trở thành một y tá. Rồi giúp đỡ mọi người bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

          Vài năm sau đó, Sharon trở thành một y tá có chứng nhận và làm việc cùng với người bạn lớn của mình, Susan, cho đến khi Susan nghỉ hưu.

          Và bây giờ, chính cô là người thường ngồi bên cạnh những con người đang đau đớn cả về thể chất lẫn tâm hồn và nhắc lại câu nói năm nào: “Không bao giờ là quá muộn cả! Chúng ta sẽ cùng vượt qua thử thách này!”.

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 34
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm