“Bông hoa nở muộn nhưng rực rỡ”
Đông Trình chia sẻ rằng vào năm 2020, khi đang làm việc tại một công ty, anh bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc quay trở lại con đường học đại học. Ban đầu, anh dự định theo đuổi chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Trong khoảng thời gian chờ đợi nhập học, anh quyết định tận dụng thời gian để nâng cao trình độ tiếng Hoa bằng cách đăng ký học tại một trung tâm ngoại ngữ. Chỉ sau sáu tháng học tập chăm chỉ, Đông Trình đã xuất sắc thi đỗ HSK4 - một kỳ thi mà thông thường phải mất hơn một năm luyện tập mới đạt được.
Khưu Đông Trình hiện là sinh viên năm 4 ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Học viện Mân Giang, Trung Quốc. |
Chính trong thời gian này, Đông Trình gặp một người bạn đang là sinh viên tại Học viện Mân Giang, học ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế. Với niềm đam mê đam mê ngày càng lớn với tiếng Hoa, anh nhận ra rằng nếu có cơ hội học ngành này thì khả năng phát triển sự nghiệp sẽ còn mở rộng hơn rất nhiều. Vì vậy, anh bắt đầu tìm hiểu về các thủ tục học và nộp hồ sơ tại Học viện Mân Giang.
Khi được hỏi về việc đi du học "muộn" hơn so với các bạn cùng trang lứa, nam sinh chia sẻ rằng anh không coi đó là điều bất lợi, mà ngược lại, nó mang đến một góc nhìn trưởng thành hơn. Qua những trải nghiệm từ công việc và cuộc sống, anh đã biết cách đối mặt với khó khăn bằng sự chín chắn và quyết tâm. Những kinh nghiệm không chỉ giúp anh phát triển về mặt học thuật mà còn trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.
Đông Trình là đại diện sinh viên Việt Nam tham gia hội thảo Con đường tơ lụa. |
Khi bắt đầu cuộc sống du học tại Trung Quốc, Đông Trình đã gặp không ít khó khăn. Mặc dù đã đạt được trình độ HSK 4, nhưng anh nhận ra rằng khả năng này vẫn chưa đủ để giao tiếp hiệu quả với người bản xứ. Người Trung Quốc thường nói rất nhanh và các ngôn ngữ khẩu khu vực lại khá nặng, khiến nam sinh cảm thấy bối rối trong những tình huống giao tiếp hàng ngày.
Tuy nhiên anh hiểu rằng, chỉ có trải nghiệm thực tế mới giúp bản thân thích nghi và cải thiện. Thay vì nản lòng, Đông Trình lựa chọn đối mặt với thử thách bằng cách hòa mình vào cuộc sống thường ngày, lắng nghe và thực hành nhiều hơn. Mỗi cuộc trò chuyện, mỗi lần tiếp xúc với ngôn ngữ thực tế đều là cơ hội để Trình nâng cao khả năng giao tiếp tiếp theo và tăng dần giải quyết những khó khăn. Qua quá trình đó, nam sinh không chỉ học ngôn ngữ mà còn thấm nhuần văn hóa địa phương, giúp anh ngày càng tự tin và thích nghi tốt hơn trong môi trường mới.
Đông Trình là đại diện sinh viên Việt Nam tham gia hội thảo Con đường tơ lụa năm 2023. |
Ghi dấu ấn tại môi trường học tập quốc tế
Tại Học viện Mân Giang, Đông Trình đã không chỉ học hỏi về văn hóa và giao tiếp mà còn đặc biệt phát triển kỹ năng đối diện với đám đông, xây dựng sự tự tin và bản lĩnh trong mọi tình huống. Trong suốt hơn ba năm học tập tại Học viện, Đông Trình duy trì thành tích tiêu biểu với GPA ấn tượng 3.71/4.0 và vinh dự nhận được học bổng cấp tỉnh mỗi năm học.
Đông Trình bày tỏ: “Mình luôn cố gắng duy trì kết quả học tập ở mức ổn định vì nhận thức rõ rằng việc học không chỉ đơn thuần là cho riêng bản thân, mà còn mang theo trách nhiệm xây dựng hình ảnh sinh viên Việt Nam. Mình tin rằng học tập không bao giờ là hành trình uổng phí. Bất kỳ sinh viên Việt Nam nào khi bước ra thế giới đều mang trong mình niềm tự hào, một khát khao được khẳng định bản thân và chứng minh giá trị, để có thể trở thành đại diện xứng đáng cho quê hương, cho đất nước”.
Đông Trình đại diện sinh viên Việt Nam tham gia hoạt động giao lưu văn hóa địa phương tỉnh Phúc Kiến 2024 tại Ninh Hóa, Trung Quốc |
Bên cạnh thành tích học tập, Đông Trình còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, đại diện sinh viên Việt Nam và quốc tế trong nhiều sự kiện quan trọng. Năm 2023, anh là đại diện của Việt Nam tham dự hội thảo "Con đường tơ lụa", góp phần gắn kết và lan tỏa giá trị văn hóa giữa các quốc gia. Đặc biệt, trong Ngày Trái Đất 2022, Đông Trình đại diện sinh viên quốc tế của Học viện tham gia, thể hiện tinh thần trách nhiệm với môi trường và cộng đồng toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở đó, Đông Trình đại diện sinh viên Việt Nam tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa địa phương tại Ninh Hóa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nam sinh cho biết, bản thân anh ấn tượng mạnh mẽ với phiên thảo luận về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giá trị văn hóa. Phiên thảo luận đã làm rõ cách nền kinh tế không chỉ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho cộng đồng địa phương, tạo nên sự gắn kết bền vững giữa hai lĩnh vực.
Đông Trình trở về Việt Nam thực tập tại Trường Đại học Thành Đông. |
Đông Trình chia sẻ rằng việc học tập phần lớn phụ thuộc vào ý thức và sự tự giác của mỗi người. Với Đông Trình, thành tích học tập là tấm gương phản ánh trung thực nhất thái độ kỷ luật và nỗ lực cá nhân. Nhìn lại quãng thời gian học tập tại Học viện Mân Giang, chính sự kiên trì và tinh thần tự giác đã giúp anh duy trì được thành tích xuất sắc.
Đông Trình luôn tích cực tham gia vào mọi hoạt động, bởi anh tin rằng mỗi trải nghiệm đều mang trong mình những giá trị quý báu và là cơ hội tuyệt vời để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức. Mỗi hoạt động không chỉ giúp nam sinh phát triển về mặt cá nhân mà còn góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Đông Trình tham gia nấu các món ăn trong buổi Giao lưu văn hóa ẩm thực Trung Hoa. |
Tích luỹ kiến thức từ chuỗi ngày thực tập đáng nhớ
Vừa qua, Đông Trình đã có cơ hội trở về Việt Nam tham gia đợt thực tập ý nghĩa tại Trường Đại học Thành Đông và anh xem đó là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất. Nam sinh cho biết, môi trường đào tạo tại Đại học Thành Đông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong nam sinh nhờ triết lý giáo dục giảng dạy “đào tạo theo định hướng ứng ứng dụng”.
Đông Trình giảng dạy trong kỳ thực tập tại Trường Đại học Thành Đông. |
Đội ngũ giảng viên khoa tiếng Trung Quốc với nhiều thầy cô giáo giỏi tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng hoặc từng du học nước ngoài truyền cho anh động lực cố gắng. Trong thời gian thực tập, Đông Trình may mắn được cô Hương Giang hướng dẫn, đặc biệt trong việc giảng dạy môn tiếng Trung du lịch. Từ đó, anh học hỏi được nhiều kỹ năng quan trọng như đứng lớp, quan sát và sắp xếp giáo án. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô Giang và phong cách riêng của mình, Đông Trình đã nhận được sự yêu mến từ các bạn sinh viên, khiến đợt thực tập càng thêm ý nghĩa và đáng nhớ.
Nam sinh chia sẻ, trong thời gian tới anh sẽ tập trung vào công việc nhằm áp dụng những kiến thức quý báu mà anh đã tích lũy trong suốt bốn năm du học. Đông Trình tin rằng việc áp dụng kiến thức vào thực tế không chỉ giúp anh hoàn thiện kỹ năng mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp trong tương lai.
Đông Trình cùng các bạn du học sinh tham quan danh thắng Gushan. |
Theo Đông Trình, du học là một cơ hội quý giá, đồng thời cũng là một thử thách lớn đối với các bạn sinh viên. Những ai có dự định đặt chân đến đất nước khác để học tập sẽ không chỉ được mở mang kiến thức mà còn trải nghiệm những nền văn hóa phong phú, đa dạng. Đặc biệt, môi trường du học tại Trung Quốc hiện nay đang mang lại nhiều tiềm năng cho tất cả mọi người, từ những chương trình học bổng hấp dẫn đến các khóa học chất lượng cao. Hãy dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình, bởi chính sự nỗ lực và quyết tâm của các bạn sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công trong tương lai.
(Ảnh: NVCC)