6 bài thi
Kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm TP. HCM sẽ gồm 6 bài thi cụ thể: bài thi Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học khác nhau theo đề án tuyển sinh của trường.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường ĐH Sư phạm TP. HCM tổ chức. Trong đó, các bài thi đánh giá năng lực Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút. Bài thi gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh phải sử dụng các năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống.
Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn cũng diễn ra trong 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ. Chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở.
Ở bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh, thí sinh làm trong 180 phút, gồm 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam.
Các nội dung kiến thức được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%. Còn lại là kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Kỳ thi đánh giá năng lực trường ĐH Sư phạm TP. HCM có gì đặc biệt? |
Riêng đối với bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam. Các ngữ liệu trong đề thi được lấy đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau.
Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được quy điểm về thang điểm 10, điểm số được tính lẻ đến 0,1 điểm. Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
2 phương thức xét tuyển
Trước đó, trường ĐH Sư phạm TP. HCM đã công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2021. Theo đó, nhà trường tuyển sinh theo 2 phương thức.
Cụ thể, xét tuyển (áp dụng cho tất cả các ngành, trừ ngành Giáo dục Thể chất và Giáo dục Mầm non): ngoài việc sử dụng tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD - ĐT và theo các tiêu chí của trường, nhà trường tuyển sinh theo các phương thức:
Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chiếm tối thiểu 40% chỉ tiêu đối với các ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc và chiếm tối thiểu 60% đối với các ngành còn lại;
Xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT (sử dụng kết quả 6 học kỳ), chiếm tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành: Phương thức này chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2021.
Kết hợp xét tuyển và thi tuyển, cụ thể:
- Đối với ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và điểm thi năng khiếu do trường ĐH Sư phạm TP. HCM tổ chức, chiếm tối thiểu 60% chỉ tiêu của từng ngành; xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và điểm thi năng khiếu do trường ĐH Sư phạm TP. HCM tổ chức, chiếm tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành.
- Xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT (sử dụng kết quả 6 học kỳ) kết hợp kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường ĐH Sư phạm TP. HCM tổ chức (dự kiến tổ chức tháng 6-2021), chiếm tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành.
Phương thức này chỉ áp dụng với các ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Ứng với từng tổ hợp xét tuyển vào các ngành học trường chọn sử dụng:
- Môn chính ứng với ngành học được lấy kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường ĐH Sư phạm TP. HCM tổ chức;
- Hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được lấy kết quả học tập ở THPT.
Môn chính đối với mỗi ngành học được xác định như sau:
- Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin: Môn chính là Toán học;
- Sư phạm Vật lý: Môn chính là Vật lý;
- Sư phạm Hóa học, Hóa học: Môn chính là Hóa học;
- Sư phạm Sinh học: Môn chính là Sinh học;
- Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học: Môn chính là Ngữ văn;
- Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc: Môn chính là Tiếng Anh.