Làm sao để giảng viên và sinh viên là ‘đồng đội’ ở lớp trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
Làm sao để giảng viên và sinh viên là ‘đồng đội’ ở lớp trực tuyến
SVVN - Làm sao để những vụ việc không hay như sinh viên bị đuổi khỏi lớp vì nhờ giảng lại, hay giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu” trong lớp học trực tuyến không xảy ra?

Chỉ trong một tuần, tại TP. HCM xảy ra hai vụ việc không hay liên quan đến dạy trực tuyến ở các trường đại học khiến dư luận xôn xao. Các giảng viên có hành xử, sử dụng ngôn từ không đúng với sinh viên đã lên tiếng xin lỗi.

Mới đây, ĐHQG TP. HCM đã triển khai một chương trình khen thưởng mang tên “Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc năm 2021” để ghi nhận những giải pháp, sáng kiến hay của giảng viên trong việc giảng dạy trực tuyến. Giảng viên có ý tưởng và cách làm độc đáo có thể được thưởng đến 25 triệu đồng/người.

Các sản phẩm mà các giảng viên sẽ được biên tập thành tài liệu tham khảo nâng cao chất lượng dạy trực tuyến và phổ biến toàn hệ thống.

Trong 5 tiêu chí xét chọn mà ĐHQG TP. HCM nêu ra, đáng chú ý tiêu chí “Phương pháp giảng dạy và đánh giá” chiếm đến 25% thang điểm 100, tiêu chí “Sự hỗ trợ dành cho sinh viên” và “Kết quả học tập của sinh viên” cùng chiếm 20%. Có thể thấy, vai trò hỗ trợ của giảng viên trong dạy trực tuyến là rất cao.

Làm sao để giảng viên và sinh viên là ‘đồng đội’ ở lớp trực tuyến ảnh 1

Một giờ học trực tuyến của sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM)

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc – trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Với một bài giảng trực tiếp (offline), chỉ cần 2 giờ chuẩn bị là đủ. Nhưng với trực tuyến (online) là hơn 2 ngày. Đầu tư thời gian và kiến thức rất lớn. Những trở ngại cho giảng viên không chỉ là cảm giác mà là thật khi hầu hết phải làm quen với đủ dạng công nghệ, kĩ thuật áp dụng".

Nhìn nhận về những tranh cãi này, ThS Bích Ngọc cho rằng: “Là giảng viên, tôi thông cảm với những sai sót của giảng viên nhưng cũng nhìn nhận đó là một lỗi. Mà là lỗi thì phải sửa và điều chỉnh. Với sinh viên cũng vậy, thật buồn khi giảng viên đầu tư công sức cho bài giảng nhưng sinh viên lại không tập trung, ngồi nhìn màn hình nhưng chưa chắc đã nghe giảng và có thể đang chơi game hoặc xem phim. Học trực tuyến khá mệt mỏi với cả sinh viên lẫn giảng viên. Nhiều trường không giảm học phí, kinh tế khó khăn trong lúc dịch bệnh, bức bối về cảm xúc, sẵn nóng tính nữa nên tất cả đều dễ mất bình tĩnh”.

Vì dịch bệnh, các trường đa phần chuyển sang hình thức học online hoàn toàn tại nhà, ít nhiều gây phiền toái cho các giảng viên. Những trở ngại này đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người.

Hơn nữa, môi trường online làm hạn chế đáng kể tương tác giữa người học và người dạy: “Với tương tác trực tuyến, đôi khi một tin nhắn qua điện thoại hay cuộc gọi, không phản ánh hết trạng thái. Tin nhắn văn bản có thể bị hiểu theo nghĩa khác nhưng cũng với câu đó nói trước mặt, với ngữ điệu, cử chỉ nét mặt... sẽ không bị hiểu sai”, ThS Bích Ngọc phân tích.

Làm sao để giảng viên và sinh viên là ‘đồng đội’ ở lớp trực tuyến ảnh 2

Ảnh chụp màn hình lớp học có sinh viên bị mời ra khỏi lớp vì... nhờ giảng lại.

Theo ThS Ng. H. (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM): “Khác với những trường về khoa học xã hội, những trường chuyên về kỹ thuật, các môn học về tự nhiên thì học trực tuyến càng nhiều khó khăn. Đặc thù của các môn kỹ thuật là sự chính xác, các hình vẽ, biểu đồ, hình họa chi tiết máy móc… thì yêu cầu về tương tác càng cao, đòi hỏi giảng viên và sinh viên phải tập trung cao độ. Chỉ cần không tập trung, sinh viên rất dễ bị bỏ sót kiến thức hoặc chỉ dẫn từ giảng viên”.

“Dạy trực tuyến cũng như một cuộc đấu thể thao, cả giảng viên lẫn sinh viên cần phải cộng tác cùng nhau, tuân thủ quy định chung thì hiệu quả sẽ tốt. Thật khó khi một bên nỗ lực tối đa nhưng một phía lại hời hợt”, ThS H nhận xét.

Để không xảy ra những sự thiếu kiềm chế dẫn đến những hành xử và ngôn từ thiếu chuẩn mực, theo ThS Bích Ngọc, giảng viên cần có những cách thức để tạo sự cởi mở và thu hút sinh viên vào bài học: “Tinh thần và năng lượng cho mỗi buổi học rất quan trọng. Đầu mỗi buổi, tôi thường dành dành thời gian trao đổi với các bạn để hai bên gần gũi hơn, hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Có khi tôi mở một bài hát hoặc một video ý nghĩa nào đó để cả lớp cùng xem, cùng nói chuyện về nhân sinh quan, bạn nào khó khăn thì giảng viên có thể hỗ trợ”.

Theo ThS Bích Ngọc, yêu cầu với học trực tuyến và trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách cũng không thể nặng nề như trong trạng thái bình thường. Giảng viên có thể linh động để “giãn cách” bài vở, hạn nộp bài để đỡ căng thẳng, sinh viên có thể thoải mái với môn học. Thậm chí, các bài thi cuối kỳ cũng không thể khắt khe như bình thường mà nên áp dụng cộng điểm cho những sinh viên tương tác tốt: Phát biểu, làm bài đầy đủ, chuyên cần… “Giảng viên cần nghiêm túc nhắc nhở sinh viên, câu từ phải chuẩn mực, nghiêm khắc nhưng phải có văn hóa”.

Sau khi xảy ra vụ giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu” tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM), nhà trường đã gửi thư ngỏ đến các giảng viên, trong đó có đoạn: “Xin các thầy cô quan tâm kìm hãm các mối bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề. Việc giảng dạy online dẫu sao còn quá mới với tất cả chúng ta, mà bầu không khí trong lớp online lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm hứng khởi học tập của sinh viên, nên một lần nữa rất mong quý thầy cô hết sức quan tâm đến vấn đề này”.

Thực tế, với dạy trực tuyến, giảng viên hay sinh viên, đều là những nạn nhân.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).