Mỗi cuốn sách mang trong mình một sứ mệnh, ít nhất là đối với một ai đó. Bạn thấy cuốn sách này thật hay, thật tâm đắc biết bao, nhưng người khác không thấy vậy. Bởi lẽ, mỗi người có những tâm sự, nỗi niềm riêng, và những gì họ đã chứng kiến, trải qua thậm chí là chịu đựng cũng khác nhau. Rồi khi bắt gặp một cuộc đời thật giống mình trong những trang sách kia, có lẽ chúng ta sẽ chột dạ, nhưng phần nào cảm thấy được sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông và thấy mình chẳng hề cô đơn. Đôi khi, đó là khoảnh khắc cứu cả cuộc đời.
Đối với tôi, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (tác giả Phạm Lữ Ân) chính là cuốn sách đó. Đi qua hơn 40 bài viết nhỏ kể về những câu chuyện, những trải nghiệm, những cái nhìn về cuộc sống nhẹ nhàng mà sâu lắng, cách lý giải rất riêng, có vẻ khác biệt nhưng lại logic và hợp lý vô cùng, cuốn sách này chính là dành cho tất cả mọi người. Đó là cái nhìn về các mối quan hệ thân thiết quanh ta từ gia đình, giữa ba mẹ và con cái, giữa anh chị em ruột thịt với nhau, đến tình bạn bè. Từ những trang viết rất thật trong tình yêu, những rung động đầu đời đến triết lý về cuộc sống, về chọn quan điểm sống được thể hiện qua những câu từ hết sức giản dị và gần gũi. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, Nếu biết trăm năm là hữu hạn sẽ đem đến cho bạn những cung bậc cảm xúc và cách nhìn nhận khác nhau.
Nếu biết trăm năm là hữu hạn, tôi đã đọc nó nhiều lần và chắc chắn trong tương lai cũng vậy. Không phải vì nội dung quá xuất sắc, mà vì nó đã chạm thấu con người trong tôi. Và không phải lần nào đọc, tôi cũng suýt xoa nội dung sao mà sâu sắc quá. Thực tế, trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, khi đọc Nếu biết trăm năm là hữu hạn, tôi sẽ ngộ ra một điều gì đó, dù chỉ qua một ý rất nhỏ, hay những câu chữ vốn rất đơn giản, vì nó nói ra vướng bận trong lòng tôi.
Là sinh viên năm nhất, chúng tôi đến học tại các thành phố lớn, xa hoa mà tấp nập và xô bồ. Chúng tôi lần đầu rời xa gia đình, phải sống tự lập, một cách đúng nghĩa. Có người nhanh chóng thích nghi, có người hễ rời xa cha mẹ là chẳng thể tự lo cho bản thân. Đôi khi với ai đó, “bình yên - là khi được ra khỏi nhà”, nhưng tôi không nằm trong nhóm người này. Bởi lẽ mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. “Nhà trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã”. “Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.”
Tôi ở trọ cùng với bạn, hai đứa ngày xưa học chung trường cấp 3, nhà chúng tôi ở quê khá gần nhau. Tối nào cũng vậy, bạn sẽ gọi điện về cho gia đình, hoặc không thì bố mẹ bạn sẽ gọi cho bạn trước, hỏi thăm hôm nay hai đứa ăn gì, đi học thế nào, đi chơi vui không, đã nhớ nhà chưa,… Còn tôi thì có khi cả tuần cũng không gọi về, mà bố mẹ cũng không gọi đến. Có thể, nhà tôi là như vậy, không giống nhà bạn, bố mẹ và con cái ít khi trò chuyện, tâm sự, không quen thể hiện tình cảm hay nói những lời yêu thương. Bố mẹ tôi cũng bận lắm, còn rất nhiều mối lo cần phải quan tâm. Bố mẹ cũng hiểu rằng, nếu có bất cứ việc gì quan trọng và cần thiết, chắc chắn tôi sẽ gọi về, còn nếu không thì có nghĩa là mọi chuyện vẫn ổn. Và tôi cũng nghĩ như vậy.
Hôm ấy, tôi gọi điện về cho mẹ để xin tiền học phí. Mẹ than: “Khiếp, sao mà nhiều thế, mới vừa hôm nọ mẹ cho đóng một lần xong mà”. Có tiếng bố tôi nói lớn vọng lại: “Cứ chuyển tiền cho nó đi, trường nó báo thì phải đóng chứ, mai mượn tiền đi nhập hàng sau”. Mẹ mới “Ừ” một tiếng, bảo “Mai tao chuyển”. Cuộc nói chuyện kết thúc, tôi chào bố mẹ rồi tắt máy. Nếu như là trước đây, lòng tự trọng của một con bé mới lớn sẽ bị tổn thương. Rằng chẳng nhẽ, mẹ không tin tưởng mình, nghĩ mình nói dối và đem tiền đó đi chơi bời, rồi tôi lại hậm hực vì cảm thấy như bị mắng oan. Rồi lại tủi thân, ấm ức, ngưỡng mộ bạn có bố mẹ tâm lý, luôn quan tâm, thấu hiểu. Tôi từng không hiểu nổi tại sao bố mẹ luôn nặng lời với tôi, lại hay gắt gỏng, cãi vã nhau, sao không thể nhẹ nhàng mà đối xử.
Nhưng thật may, tôi đã đọc cuốn sách này, và biết “Bởi đối với chúng ta, cha mẹ đâu chỉ có Công, có Nghĩa, có Tình yêu không cần đáp trả. Cha mẹ còn có nỗi lòng, những dằn vặt, những diễn biến tâm lý khác nhau trong từng giai đoạn khó khăn khác nhau của một kiếp người. Có đáng để tìm hiểu không em?”. Nếu tôi giống như một người lạ đang nhìn vào, tôi thấy một nhà năm người, với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, “những người cha đồng thời là người làm công luôn ở trong tâm trạng cáu gắt vì sức ép công việc”. “Những người bị bao vây từ nỗi lo toan về việc phải làm sao để có một mái nhà ấm êm, một ngân khoản cho con du học, đến những cơn cáu giận không thể kiềm chế khi con về khuya, hay lười học. Tâm lý đó chắc cũng phức tạp không kém lứa tuổi dậy thì, cũng cần phải hiểu và cảm thông.”
Bạn là con Út, tôi là chị Cả của hai đứa em. Anh Hai của bạn đã đi làm và kiếm được tiền gửi về cho bố mẹ, còn bố mẹ tôi vẫn phải nuôi ba đứa con ăn học. Phép so sánh này của tôi quá khập khiễng rồi. Nếu nhìn lại, tôi thấy mình vẫn rất hạnh phúc, may mắn, và bình yên khi về nhà. Tôi vẫn còn bố mẹ mạnh khỏe, vẫn có những bữa cơm tối cả nhà quây quần bên nhau, được bố mẹ ủng hộ và tôn trọng khi quyết định sẽ học ngành, trường mà mình yêu thích. Đối với việc học, bố mẹ luôn tạo điều kiện, không để tôi thua kém bất kỳ ai…
“Nhà là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui, là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm. Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập.” Khi đọc tin về một gia đình ba người đang trên đường trở về nhà thì bị xe Audi đâm chết, một tin khác, người mẹ gặp tai nạn tử vong khi đưa con đi thi lớp 10, tôi thấy sợ, sợ một ngày không còn bố mẹ. Đó có lẽ là ngày kinh khủng nhất cuộc đời những người con, nhà chắc không còn là nhà nữa. Tôi càng trân trọng hiện tại. Tôi bắt đầu gọi điện về nhà, không nhiều thì một tuần cũng cố gắng gọi một lần, dù cuộc nói chuyện rất ngắn ngủi. Nhưng tôi chắc chắn rằng bố mẹ, người thân của tôi vẫn ở đây, và khỏe mạnh. Để bố mẹ bớt một phần lo lắng, yên tâm hơn về đứa con đang đi học xa nhà.
Tôi lại nhớ đến câu văn đã đọc trong tùy bút của bác Nguyễn Ngọc Tư: “Mấy đứa con nghĩ chừng nào má mình còn, thì Tết không bao giờ mất.”
Hãy trân quý từng cái Tết như thế.