Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ ngành, cơ quan Trung ương. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng và nguyên lãnh đạo Bộ GD - ĐT các thời kỳ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019 - 2020 là năm học “Đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Bộ GD - ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Chính vì vậy, thời gian tổ chức Hội nghị toàn ngành được tổ chức muộn hơn so với các năm trước.
Năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên - toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều kết quả tích cực.
“Hội nghị ngày hôm nay nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch năm học 2019 -2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo” – Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời cho biết, Ban Tổ chức sẽ không đọc báo cáo, thay vào đó đã chuẩn bị Video Clip để chúng ta cùng nhìn lại các hoạt động của ngành thời gian qua.
“Chúng tôi mong muốn được nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, khách quý đánh giá về những thành tựu, kết quả của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua và trong giai đoạn 2016-2020, những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành, đặc biệt là đóng góp ý kiến để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
Với nội dung tổng kết năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa Bộ GD - ĐT với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố.
Năm học 2019 - 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Năm học diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19; với thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục.
Năm học này, ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để sẵn sàng áp dụng từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; triển khai nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm học vừa qua và giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được một số thành tựu quan trọng. Có thể nói đến việc hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là ban hành 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục 2019.
Cùng với đó, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận thông qua chương trình đánh giá PISA, PASEC của quốc tế, thi Olympic khu vực và quốc tế; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả.
Giai đoạn qua cũng đánh dấu bước đột phá của giáo dục ĐH trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh; số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng.
Giáo dục đồng thời ghi dấu ấn với sự chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh COVID-19.