Năm học 2023 - 2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình, Bộ trưởng cho rằng, sự chú ý, năng lượng, sự quan tâm, chính sách, mức độ tập trung của năm nay cần tăng cường và có sự tập trung cao độ.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn. |
“Năm khởi động có cái khó riêng, năm tăng tốc có cái khó riêng, năm gói lại có cái khó riêng. Chúng ta đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới. Chúng ta đã đã tích luỹ được một số năm, đã nhìn thấy ưu điểm, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, nếu năm nay không vượt qua được, khuyết điểm sẽ vẫn còn nguyên, khó khăn sẽ tích thêm và ảnh hưởng tới cả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng chia sẻ.
Từ việc chủ động nhìn nhận những điểm khó trong thực tiễn triển khai thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị các sở GD - ĐT tập trung cao độ đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đặc biệt với các môn học mới. Trong đó, quan tâm tập huấn thường xuyên, liên tục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường các hội giảng trao đổi kinh nghiệm như một số sở GD - ĐT đã triển khai có hiệu quả; tổ chức nhóm hỗ trợ để sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc của đội ngũ giáo viên; dành sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho khối THCS; tăng cường hỗ trợ, chia sẻ, giám sát, dẫn dắt đội ngũ hiệu trưởng, bởi đây chính là “nhạc trưởng” của đổi mới ở cấp cơ sở.
Cũng liên quan đến đội ngũ, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tái đi thực tế tại các trường phổ thông của giảng viên sư phạm. “Nếu xa lạ với thực tiễn đang diễn ra ở giáo dục phổ thông, không có trải nghiệm thực tế, không bám sát, nắm chắc thực tiễn đổi mới, đội ngũ này sẽ không thể dạy một cách hiệu quả cho giáo sinh - những giáo viên tương lai sẽ triển khai thực hiện chương trình mới. Từ đó, các trường sư phạm không thể thực hiện được nhiệm vụ đồng hành, tham gia dẫn dắt trong hệ thống khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nêu rõ.
Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 đối với Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên. |
Trước ý kiến của một số địa phương về việc chuyển trường của học sinh lớp 10 nhưng khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc.
Chia sẻ về hai khối chưa nhận được sự chú ý đúng mức là Giáo dục mầm non và Giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng đã có những lưu ý cụ thể về việc tăng cường mối quan tâm, chú ý với khối Giáo dục thường xuyên trong thời gian tới, sao cho tương xứng với tầm quan trọng của khối giáo dục này.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương để có một năm học dù nhiều công việc bộn bề, nhiều khó khăn nhưng đã hoàn thành với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng. |
Lưu ý về một số nhiệm vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho năm học mới, Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc xây dựng hệ thống văn bản, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời, trong đó lãnh đạo phải là người định hướng, truyền cảm hứng, hiểu văn bản hơn ai hết.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp và hợp tác, bao gồm phối hợp tốt giữa sở với sở, trường với trường, phối hợp với các sở ngoài tỉnh khác nhau…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy chương trình mới; tổ chức phát động tốt các phong trào thi đua phù hợp với thực tiễn địa phương.