Bùi Thịnh Đa sinh năm 2004, hiện đang học ngành Thiết kế đồ họa tại Trung tâm FPT Arena. Cái duyên giữa Thịnh Đa và làm búp bê đến một cách tình cờ. Lúc nhỏ, thời gian rảnh quá nhiều, chán nản, Đa bèn lên mạng tìm hiểu thì biết đến bộ môn búp bê khớp cầu đầy mới lạ. Vào thời điểm đó, một con búp bê bình thường có mức giá không mấy phù hợp so với một học sinh THCS như Đa. Vì vậy, Đa đã mua đất sét về nặn thử búp bê khớp cầu và thú vui đó dần trở thành niềm đam mê của anh.
Ở những ngày đầu theo đuổi đam mê, Đa đã gặp không ít những khó khăn, đặc biệt về phía gia đình. Khi thấy con mới học THCS mà đã xem những video về giải phẫu học, cơ thể con người, ba mẹ của Đa đã không ít lần thấy kỳ lạ và lo lắng. Về sau, khi được Đa giải thích rõ về đam mê bộ môn nghệ thuật của con, ba mẹ đã hiểu và cổ vũ Đa rất nhiều. “Khi bố mẹ hiểu ra và chấp nhận, mình rất vui. Đặc biệt là có lần ba mẹ khuyên mình mua máy khoan để hỗ trợ làm búp bê”, Thịnh Đa nhớ lại.
Một búp bê khớp cầu nghệ thuật được Thịnh Đa làm ra. (Ảnh: NVCC) |
Thịnh Đa cho biết, một búp bê khớp cầu bình thường được làm ra trong khoảng 3 - 4 tháng, với những búp bê khó như búp bê làm bằng sứ thì trong vòng 3 năm và đây cũng là búp bê tốn nhiều thời gian nhất. Trong 3 năm này, nam sinh gen Z cho biết, anh không chỉ làm búp bê mà còn dành thời gian nghiên cứu để có thể đạt được kết quả tốt: “Làm một con búp bê khó nhất ở đôi mắt, bởi người ta thường nhìn vào đôi mắt để đánh giá búp bê. Vì vậy, con mắt phải có hồn”.
Mới đây, Thịnh Đa đã tự đứng ra mở lớp workshop làm búp bê và thu hút được nhiều bạn trẻ quan tâm, bởi tính thú vị và độc đáo của bộ môn này. Nam sinh bất ngờ vì nhiều người quan tâm đến búp bê khớp cầu và vui vì được nghe những câu chuyện trong hành trình làm búp bê. Thịnh Đa chia sẻ thêm, nhờ workshop mà nhiều người được quay lại với đam mê, dù dạy chung công thức nhưng mỗi học viên có mỗi sản phẩm búp bê khác nhau.
Thịnh Đa cùng các học viên tại buổi workshop. (Ảnh: NVCC) |
Ý tưởng workshop làm búp bê khớp cầu đã được Đa nghĩ ra từ 4 đến 5 năm trước. Thịnh Đa muốn làm workshop vì ở Việt Nam, búp bê khớp cầu chưa được nhiều người biết đến. “Lúc trước, mình có kênh TikTok chia sẻ cách làm búp bê khớp cầu, nhiều người bình luận hỏi cách làm nhưng mình không thể trả lời được hết và không thể chỉ dẫn cụ thể, dễ hiểu nên mình quyết định mở workshop để hướng dẫn trực tiếp”, Thịnh Đa nói.
Tại buổi workshop, Thịnh Đa chia sẻ về tỷ lệ búp bê cho người tham gia tự nặn, hướng dẫn cách làm khớp, cách hoạt động của khớp và make-up cho búp bê khớp cầu. Thời gian workshop chỉ diễn ra trong bốn tiếng nên Đa tập trung hướng dẫn những phần khó, các phần phụ kiện thì được cung cấp riêng, đảm bảo sẽ có búp bê đem về ngay sau buổi học.
Thịnh Đa hạnh phúc với đam mê của mình. (Ảnh: NVCC) |
Trong tương lai, Thịnh Đa mong muốn có thể mở được một lớp workshop làm búp bê khớp cầu cho các bạn nhỏ dưới 12 tuổi. "Mình muốn mở rộng workshop vì nhiều bạn ở xa muốn học, có thể là mở lớp online, viết sách về cách thực hiện. Xa hơn nữa, mình muốn những búp bê làm ra mang hình ảnh văn hóa đất nước, quảng bá thêm cho bạn bè quốc tế như hình ảnh búp bê mặc áo dài, búp bê mặc áo tứ thân”, Thịnh Đa bộc bạch.