“Không phải là mình học gì, mà điều quan trọng là mình áp dụng những điều mình học như thế nào…” – đó là câu nói mà Huyền Nga lặp đi lặp lại khi được hỏi vì sao lại lựa chọn bán hoa quả trong lúc vẫn đang làm công việc truyền thông. Với cô, việc học đại học không khép lại bằng một tấm bằng hay một danh hiệu cụ thể, mà là sự tích lũy để dùng được vào những thời điểm mình cần.
![]() |
“Không phải học gì, mà là học xong dùng được gì” – Huyền Nga, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lựa chọn bắt đầu hành trình riêng bằng chính những điều giản dị. |
“Khi bắt tay vào công việc kinh doanh nhỏ, mình mới nhận ra rằng ngành học đại học đã giúp ích cho mình rất nhiều. Từ việc xác định đối tượng khách hàng, thiết kế menu, viết nội dung truyền thông trên mạng xã hội, cho đến việc lên chương trình khuyến mãi – gần như tất cả đều liên quan đến kiến thức mình học được ở trường.” Huyền Nga không coi đó là thành công, mà là một bài thực hành – để đo xem những điều trên giảng đường có thực sự “sống” được hay không khi bước vào đời thực.
Quyết định "chủ shop" hoa quả online không khiến Huyền Nga cảm thấy chênh vênh hay “mất chất sinh viên Báo chí”. Ngược lại, cô thấy may mắn vì có được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè và cả những đồng nghiệp. “Mình không từ bỏ công việc chính, mà chỉ muốn thử sức với một mô hình kinh doanh nhỏ để học thêm những bài học mới mẻ. Sự tin yêu và ủng hộ từ mọi người khiến mình có thêm động lực và công việc trở nên suôn sẻ hơn nhiều.” Nga không phủ nhận rằng cô vẫn còn là “lính mới” trong lĩnh vực kinh doanh, và khi so với các cô chú đã bán hàng mười mấy năm trên thương trường, bản thân vẫn còn quá non nớt và nhiều điều phải học. Nhưng cô cũng tin rằng việc học đại học giúp cô rõ ràng hơn trong từng quyết định: bán gì, bán như thế nào, tiếp cận ai, và tiếp cận bằng cách nào.
![]() |
“Điều may mắn nhất là được ủng hộ”, sự tin tưởng từ người thân và bạn bè chính là động lực để Nga vững tin với lựa chọn tưởng chừng “trái ngành” của mình. |
Nga tâm sự rằng bốn năm đại học không chỉ cho cô kiến thức chuyên môn mà còn mang lại những kỹ năng "rất đời": làm việc độc lập, làm việc nhóm, phân bổ thời gian, tính toán chi phí, tất cả đều cần thiết khi cô bắt tay vào kinh doanh. “Học đại học không phải là điều kiện bắt buộc để buôn bán, nhưng nó giúp mình có nền tảng để làm mọi thứ bài bản hơn. Mình cũng không có sự phân biệt giữa lao động trí óc hay lao động phổ thông. Nghề nào cũng cần sự nghiêm túc và cố gắng. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp từ những công việc tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng nếu làm bằng cả sự chỉn chu, thì việc gì cũng tử tế cả.”
![]() |
Hồ Huyền Nga tin rằng, học đại học không để phân biệt nghề nghiệp, mà để bước vào đời với tư duy cởi mở và trái tim chân thành. |
Trong quá trình bán hàng, Huyền Nga vận dụng thành thạo các nền tảng công nghệ quen thuộc với giới trẻ như Facebook, Zalo, Instagram và Threads. Cô không ngần ngại gọi đây là “trợ thủ đắc lực”, không chỉ vì nền tảng giúp tiếp cận khách hàng, mà còn là môi trường để cô tiếp tục vận dụng năng lực sáng tạo nội dung, kể cả khi mặt hàng chỉ là một vài cân hoa quả hay những hộp trái cây cắt sẵn.
Với những sinh viên đang cảm thấy mông lung giữa lý thuyết trên lớp và thực tế ngoài xã hội, Huyền Nga không đưa ra lời khuyên sáo rỗng, mà thành thật trải nghiệm của mình: “Mọi lý thuyết chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó được ‘sống’ trong thực tiễn, được kiểm chứng bằng kết quả cụ thể. Mình nghĩ các bạn sinh viên hoàn toàn có thể học thật tốt, sau đó tìm một công việc phù hợp để thể hiện năng lực. Học kiến thức chưa bao giờ là lãng phí cả, rồi sẽ đến lúc mình dùng được nó.” Nga cũng không đặt nặng chuyện người khác nhìn nhận thế nào về việc cô – một sinh viên học Báo chí – lại đi bán hoa quả. “Quan điểm cá nhân là điều mình rất khó hoặc không thể thay đổi. Mình chỉ cần sống đúng với lựa chọn của mình thôi.”
![]() |
Không có hành trình nào là nhỏ bé, nếu bạn bắt đầu nó bằng niềm tin và sự tử tế. Với Nga, bán hoa quả cũng là một cách để thử nghiệm những gì mình đã học. |
Với câu hỏi cuối cùng – “Học để biết hay học để làm – điều nào quan trọng hơn?”, Nga chỉ mỉm cười và trả lời rằng, đó không phải là hai thái cực để lựa chọn. “Học để biết, học để làm đều là những mục tiêu quan trọng. Mình nghĩ rằng, biết – làm – hiểu – rút kinh nghiệm, đó là một quá trình liên tục.
Dù bắt đầu từ một sạp trái cây nhỏ, hành trình của Huyền Nga cho thấy: không có công việc nào là nhỏ bé nếu bạn bước vào đó với tinh thần học hỏi và khát khao thử sức. Đại học không chỉ để lấy tấm bằng hay làm đúng ngành, mà là nơi bồi đắp tư duy, kỹ năng và bản lĩnh để bạn tự tin trải nghiệm cuộc sống