Phiên chợ Stara Zagora đặc biệt này có xuất xứ từ những người Kalaidzhi, một tộc người theo Cơ Đốc giáo ở Bulgaria. Khoảng 18,000 người Kalaidzhi đã bảo vệ truyền thống này, bất chấp việc bị kỳ thị và xa lánh của những tộc người khác thuộc Đông Âu.
Tại hội chợ cô dâu, hầu hết các chàng trai, cô gái tham dự đều rất trẻ, trong độ tuổi 16-20. Đó là phiên chợ nhộn nhịp sắc màu và âm nhạc. Các cô gái sẽ trang điểm kỹ càng, mặc những bộ quần áo lộng lẫy nhất để mong tìm được ý trung nhân. Còn các chàng trai cũng ăn mặc bảnh bao và tập trung tìm kiếm ai là người trong mộng của mình giữa đám đông. Các bậc phụ huynh cũng không ngừng quan sát để tìm cho gia đình mình một nàng dâu hoặc chàng rể ưng ý.
Ngoài trang điểm, mặc quần áo đẹp, vài cô dâu con nhà giàu có còn được cha mẹ "khoe của" bằng cách đeo những bộ trang sức đắt tiền. Một số nàng sẽ thu hút sự chú ý bằng cách leo lên mui xe hoặc bục cao để thể hiện tài năng ca hát, nhảy múa. Nếu đã có tình ý, một số chàng trai, cô gái sẽ khiêu vũ cùng nhau để tìm hiểu thêm. Và có lẽ không cần nhiều thời gian, có những cặp quyết định tiến tới hôn nhân ngay tại phiên chợ.
Tuy nhiên, không ít cặp cũng sẽ gặp trục trặc về tiền thách cưới. Có những gia đình xem đó như là món tiền tượng trưng chỉ vài ngàn Euro. Tuy nhiên có nhà thách cưới đến vài chục ngàn Euro. Nếu không có đủ tiền, chàng trai có thể ngậm ngùi tìm một cô dâu khác.
Những cô bé có thể được “rao bán” ngay từ khi mới bắt đầu có kinh nguyệt và bị bắt buộc phải chấm dứt việc học hành. Đây là kết luận của học giả Alexey Pamporov, người đã có kinh nghiệm nghiên cứu những vấn đề văn hóa trong hai thập kỷ.
Pamporov cho rằng phiên chợ vẫn là một trong những cách thức chính thống mà những đôi trai gái ở đây tìm đến nhau trước khi gia đình hai bên đi đến thỏa thuận hôn nhân chính thức, mặc dù hình thức môi giới hôn nhân kiểu như vậy đã và đang bị các phương tiện truyền thông lên án gay gắt.
Khi được hỏi về vấn nạn thất học của những bé gái tham gia phiên chợ này, Pamporov đã nói:
"Một vài bé gái khá tự chủ trong việc quyết định có nghỉ học hay không. Hơn thế nữa, việc kết hôn theo cách thức thế này được xem là chính thống và gia đình hoàn toàn ủng hộ các bé trong chuyện này. Dù có đồng tình hay không, những bé gái lại khó có thể chối bỏ nghĩa vụ của mình khi phải tuân theo truyền thống".
Nếu một cô gái được rao bán ở chợ mà không còn trinh trắng, người ta sẽ sỉ vả họ vô cùng nặng nề. Phụ nữ ở Kalaidzhi bắt buộc phải còn trinh trắng trước khi buổi lễ thành hôn diễn ra. Điều này vô cùng quan trọng, vì người ta bỏ ra rất nhiều tiền chỉ vì điều này.
Thế nhưng mặc kệ những điều bất cập và không còn phù hợp với thời đại ngày nay, thì đây vẫn là phiên chợ độc nhất vô nhị trên thế giới, thu hút hàng ngàn người tham dự mỗi lần họp chợ.