Theo thông báo tuyển sinh 2020 của trường ĐH Võ Trường Toản, ngành Y khoa xét tuyển tổ hợp Toán - Sinh - Văn, ngành Dược xét tuyển tổ hợp Toán - Hóa - Văn. Còn trường ĐH Nam Cần Thơ, ngành Kỹ thuật môi trường xét tuyển tổ hợp Văn - Hóa - Sinh.
Tương tự, trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có các ngành kỹ thuật và kể cả các ngành như Điều dưỡng, Kỹ thuật y học xét nghiệm cũng đưa tổ hợp các môn Địa lý, Giáo dục công dân để xét tuyển… Cụ thể, các ngành Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng trường này xét tổ hợp Toán - Sử - Địa, Toán - Địa - Giáo dục công dân. Các ngành Kỹ thuật như Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Công nghệ thông tin, Công nghệ Chế tạo máy, Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Công nghệ Kỹ thuật Điện Điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng… thì tổ hợp xét tuyển có cả môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Tình trạng tương tự ở ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học.
Còn trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố, ngành Dược học và ngành Điều dưỡng tuyển cả tổ hợp Toán - Hóa - Giáo dục công dân, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tuyển tổ hợp Toán - Sử - Địa. Riêng các ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng xét tuyển tổ hợp có môn Giáo dục công dân.
Ở trường ĐH Thành Đông, nhiều ngành kỹ thuật dùng tổ hợp xét tuyển cũng có môn Khoa học xã hội. Cụ thể như ngành Công nghệ thông tin xét tuyển tổ hợp Toán - Ngữ văn - Lịch sử. Các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Dược học, Y học cổ truyền đều có môn Lịch sử trong tổ hợp xét tuyển. Trường ĐH Hải Phòng, có ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, Quản trị kinh doanh cũng đưa cả môn Địa lý vào tổ hợp xét tuyển.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho rằng, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô nhưng có trường xét tổ hợp Toán - Sử - Địa thì rất lạ. Trên các hệ thống của ô tô chủ yếu dựa trên nền tảng vật lý nhưng tuyển cả môn Sử - Địa để làm gì. Nếu bất chấp tuyển sinh theo kiểu này thì đào tạo kiểu gì và người học ra trường sao làm việc được.
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2020, cũng như trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020 và cả công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh, Bộ GD - ĐT luôn nhấn mạnh, phải chấm dứt tình trạng nhiều trường sử dụng một số tổ hợp (mỗi tổ hợp có 3 môn) xét tuyển không phù hợp. Bộ khẳng định, việc tuyển sinh luôn mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học nhưng việc tự chủ tuyển sinh phải gắn chặt với trách nhiệm, giải trình nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo.
Chuyên gia tuyển sinh Lương Trường Sinh cho rằng, việc các trường thêm nhiều tổ hợp lạ vào tổ hợp xét tuyển sẽ làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, điều này sẽ để lại hệ quả về sau là thí sinh khó theo kịp chương trình đào tạo, bỏ học giữa chừng.