Vào năm 2013. Mật vụ Mỹ USSS (US Secret Service - bộ phận quan trọng nhất của Mỹ để bắt giữ các tội phạm nước ngoài) lần đầu tiên thành công trong việc bắt giữ một tội phạm mà họ coi là: “không ai gây tổn hại về tài chính cho các công dân Mỹ nhiều hơn là Ngô Minh Hiếu”, theo lời đặc vụ điều tra O’Neill (người về sau trở thành người đứng đầu GIOC (trung tâm điều tra toàn cầu) của Mật vụ Mỹ (USSS), người sở hữu trang web mua bán thông tin cá nhân lớn nhất thế giới với thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người Mỹ giá bán buôn chỉ ở mức $1, với những khách hàng là những người làm giả giấy tờ, tạo tài khoản ngân hàng giả, mạo danh rút tiền thuế của chính phủ và lương hưu chí (những người hi vọng mua các thông tin $1 để mạo danh người khác để rút lấy những số tiền khổng lồ) mà theo lời Hiếu tự kể: “Khi mình đứng trước tòa án, ông thẩm phán nói với mình là, trên tay tôi có 13000 bức thư chia sẻ những tác hại với cuộc đời họ, về việc họ không thể mua nhà, bỏ vợ bỏ chồng, không lấy được lương hưu, mình cảm thấy mình như kẻ giết người hàng loạt vậy, tội lỗi ngút trời”.
Sự bắt đầu của một hacker mũ đen không đến từ những dự định ác ý rõ ràng ngay từ ngày khởi đầu, vào năm học lớp 6, như một đứa trẻ được bố mẹ tạo điều kiện mua cho máy tính, Hiếu tìm đến các kĩ thuật máy tính như sự thỏa mãn ham muốn học hỏi, khám phá, từ những sự tự hào nho nhỏ thông qua việc thành công tự lắp ráp một máy tính đầy đủ theo ý muốn, tự làm website, và vượt qua thử thách hack một vài website không lợi nhuận để kể với bạn bè, viết một vài quyển sách ebook sắp xếp và thống kê lại các hiểu biết và khám phá của mình, chia sẻ một cách miễn phí cho những người khác, trở thành mod và admin của một vài diễn đàn hacking chia sẻ giúp các bạn, mọi thứ khởi đầu chỉ diễn ra như những hoạt động sinh viên học tập vô hại, tuy nhiên mọi thứ không dừng ở đó khi Hiếu bắt đầu cảm nhận được sự dễ dàng đến từ các hoạt động hack thẻ tín dụng, mau chóng mọi thứ từng bước, thứ này dẫn sang thứ kia và rồi lợi nhuận trở thành động lực chính của các hoạt động, theo lời Hiếu: “Đồng tiền làm cho mình mờ mắt”, coi việc tham gia trực tiếp với các thẻ tín dụng là công việc nguy hiểm, hiếu chọn việc bán các thông tin cá nhân bởi Hiếu nghĩ nó an toàn hơn vì ‘mình đâu có đi rút tiền’.
Say mê tối ngày phát tán các phần mềm gián điệp, botnet và malware, cùng với dành hàng tháng nghiên cứu các hệ thống và hành vi của những người làm việc với hệ thống, Hiếu sớm đột nhập vào những cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân khổng lồ nhất của những công ty lớn, các công ty vay nợ, ra ra vào vào cả tháng trời mà không bị phát hiện, và tạo ra thu nhập hơn 100 nghìn đô la mỗi tháng, là một khoản tiền khổng lồ trong tay ở tuổi 22 mà thiếu người hướng dẫn “mình không có nghe ai hết”. Và sau mọi say mê tìm tòi học tập, với đồng tiền đã thay thế mọi giá trị khác, Hiếu trở thành người mà theo cách một tổng thống Mỹ (Theodore Roosevelt) đã mô tả: “Kẻ vô học chỉ có thể ăn cắp một toa tầu, còn kẻ có học có thể ăn cắp cả một đoàn tầu”, có nghĩa là rất có kĩ năng, và vô cùng tai hại.
Sở hữu một sàn mua bán thông tin cá nhân lớn nhất thế giới ở mức độ đại bán buôn cho phép Hiếu qua New Zealand đi du học, nhưng rất sớm với thói quen khai thác các lỗ hổng thông tin cá nhân, Hiếu lại trở thành đối tượng tìm kiếm của cảnh sát New Zealand và phải trở về Việt Nam, và từ Việt Nam Hiếu vẫn tiếp tục vận hành sàn bán buôn thông tin cá nhân của người Mỹ, mọi thứ diễn ra như êm ả an toàn, Hiếu không có ngờ cảnh sát Mỹ đã lên hồ sơ điều tra Hiếu suốt 2 năm, tới năm 2013 Hiếu chỉ nhận ra sự điều tra đó theo cách một người nhìn tiếng sét giữa đêm khuya, khi một người bạn hacker hẹn gặp tại đảo Guam và bị bắt, theo cách mà FBI luôn tận dụng: ‘bắt được một người thì sẽ bắt được những người kia’.
Những năm tháng đầu tiên ở nhà tù là những năm khổ cực, với cuộc sống thay đổi đột ngột, không được phép làm bất cứ điều gì theo ý mình muốn, ‘đồ ăn khác biệt không thể ăn nổi’, và được dẫn đi tour du lịch tòa án khắp các bang của Mỹ , để xuất hiện trước các phiên xử của các bang và địa phương đứng trước nạn nhân và khai báo các khách hàng của mình, mà theo lời Hiếu ‘khổ cực chính là lúc đấy tư tưởng cũng chưa dứt khoát được với những ám ảnh tiếc nuối về tiền’.
Sau chuỗi ngày điều tra xét hỏi kết án, với các mức án treo lơ lửng trên đầu lúc đầu được đề cập ở mức 40 năm, cuộc đời của một thanh niên 23 tuổi như không lối thoát khiến Hiếu rơi vào trầm cảm và muốn tự vẫn, nhưng nghĩ tới bố mẹ và gia đình Hiếu vẫn kiên nhẫn đi xuyên qua bóng đêm để tìm lối đi và tia hi vọng, với nỗ lực về sau đồng thuận làm việc với Mật vụ Mỹ (USSS) dùng kĩ năng và hiểu biết của mình, Hiếu đã đưa ra ánh sáng hàng trăm tội phạm khác, Hiếu được tạo điều kiện để sống trong những nhà tù ở mức độ an ninh thấp, nơi Hiếu được có cơ hội để đi học thêm các kĩ năng từ hội họa, tâm lý học, văn học, kinh thánh và kể cả công nghệ bảo mật là lĩnh vực vốn dĩ thuộc sở trường, và còn mở lớp dạy origami, cũng như hỗ trợ một số giáo sư của ĐH Harvard để nghiên cứu và viết sách về thế giới tội phạm công nghệ. Án tù của Hiếu liên tục được đặc xá để một thanh niên đi tù ở tuổi 23 có thể trở về ở tuổi 30 và làm lại cuộc đời.
Trong tù, Hiếu tự học thành hoạ sĩ và thành thầy giáo dạy gập origami
Nhà tù - với nhiều người tù có nguyện vọng tích cực - có thể là nơi học tập tốt để họ hướng tới tương lai và học những kĩ năng mình có ích cho xã hội để xây dựng lại cuộc sống lương thiện, nó cũng cho Hiếu hiểu sự trân trọng với cuộc sống và trân trọng may mắn của mình vì được gặp lại gia đình và làm lại cuộc đời, nơi mà không phải ai cũng có cơ hội đó, như không ít người đặc biệt mà Hiếu gặp trong không gian nhà tù, bao gồm hackers đầu bảng huyền thoại như Ross Ulricht, người - thông qua việc sở hữu sàn mua bán các chất cấm “SilkRoad” - sở hữu hơn 140 000 bitcoins, thứ tài sản tỷ đô vô nghĩa mà anh giờ đây không thể nào tiêu bởi anh sẽ bị giam giữ đến suốt cuộc đời, đến khi chết chắc chắn không thể mang theo (ngoại trừ mang cùng nỗi cô đơn và sự thương nhớ bố mẹ và gia đình).
Sau ngày trở về với tự do gặp lại gia đình Hiếu không thể khóc vì ‘7 năm ròng đã khóc cạn nước mắt’. Giờ đây tận hưởng cuộc sống trở lại bên gia đình, với người cha bị ung thư giai đoạn cuối, Hiếu trân trọng sự may mắn yên bình và tận hưởng từng giờ từng phút bên gia đình, Hiếu muốn mang câu chuyện của mình tới rất nhiều thanh thiếu niên như Hiếu ngày xưa (không có người hướng dẫn), để những thế hệ các em không đi theo con đường lầm lỡ của mình, qua câu chuyện của Hiếu sẽ rút ra bài học và hiểu rằng lưới trời thưa nhưng khó lọt “FBI họ biết hết , họ hiểu rõ mình hơn cả gia đình mình nữa”, hãy nghĩ cho kĩ trước khi bạn tham gia vào các hoạt động bất chính, bởi ngoài việc bạn không nên làm những điều không đúng vì lý do đạo đức, thì có một logic khác hãy nhớ rằng, lực lượng điều tra của chính phủ không chỉ có những nhà điều tra được đào tạo chuyên nghiệp, mà còn bao gồm cả những siêu tội phạm đã bị bắt - những người một thời từng là những ông trùm hiểu mọi ngóc ngách của thế giới tội phạm, những diêm vương đã từng sở hữu đủ các loại địa ngục đầy ma quỷ, họ giờ đây đứng ngày càng đông phục vụ trong hàng ngũ điều tra, hoặc vì muốn chuộc án, hoặc vì nhiệt tình muốn bù đắp lại cho đời sau những tội lỗi của mình. Một khi bạn biến mình trở thành mục tiêu trong các cuộc truy bắt đó, bạn sẽ luôn phải trốn thoát, còn họ sẽ chỉ cần bắt được Một Lần; và đừng bao giờ bị cám dỗ bởi những đồng tiền sai trái và dễ dàng bởi - theo lời Hiếu - ‘bạn càng kiếm nhiếu tiền (theo cách này) bạn càng đi tù lâu’. Hiếu muốn tiếng nói của mình vang lên trong mỗi sự lựa chọn của các thanh niên trẻ:
“Hãy luôn đem tài năng của mình để phục vụ cho xã hội” . “Tôi là người may mắn bởi có những người tôi được gặp còn không thể có cơ hội được trở về và nhìn thấy gia đình” . “Hãy nhìn cuộc đời tôi để đừng bao giờ đi vào con đường lầm lỡ”.