‘Sleep box’ được biết đến ở một số nơi như Nhật Bản, Hồng Kông nhưng thường để du khách thuê với thời gian ngắn, chi phí cũng thấp hơn khi đi du lịch ở các thành phố đắt đỏ. Còn thời gian gần đây, ‘sleep box’ được nhiều sinh viên ở Sài Gòn chọn thuê trọ lâu dài khi theo học tại thành phố này. Mô hình này có thể hiểu là những ‘chiếc hộp ngủ’ được kê nệm, có quạt hay máy lạnh, có không gian đủ để các vật dụng cần thiết.
Dạng phòng hộp này hầu như chỉ đủ cho một người nằm cùng đồ đạc nên không gian khá kín. Chỉ cần bỏ ra số tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng là có thể thuê được ‘sleep box’. Giá cả sẽ dao động tùy thuộc vào các tiện nghi đi kèm như máy lạnh, giường nệm, có cửa sổ hay ban công. Trao đổi với một chủ thuê ‘sleep box’ ở quận 10 thì tùy chủ nhà mà sẽ có phân khu cho nam và nữ ở riêng.
Tìm kiếm trên mạng xã hội từ khóa ‘sleep box’ sẽ có rất nhiều hội, nhóm trao đổi về mô hình thuê này. Ngoài các thông tin về giá cả, tiện ích đi cùng thì các bên cho thuê đều ‘bao thầu’ hết cả điện, nước và Wi-Fi. M. T. (trường ĐH Thương mại TP. HCM, đang thuê một ‘sleep box’ gần trường) cho biết: “Với giá thuê 1,8 triệu đồng, mình không lo phát sinh thêm các chi phí khác. Nhà vệ sinh, nhà bếp, khu giặt máy, nhà giữ xe, tủ đựng đồ có chìa khóa riêng sẽ dùng chung. Nhưng ngoài giờ học thì mình cũng đi làm thêm đến tối mới về ngủ nên thuê ‘sleep box’ sẽ đỡ tiền hơn”.
Nhưng với giá thuê như thế thì liệu có thực sự kinh tế hơn hay không, khi mà các tiêu chuẩn an toàn đều không được các chủ thuê ‘sleep box’ nhắc đến? Sau thông tin về vụ cháy ở chung cư "mini" tại Hà Nội, vấn đề phòng cháy chữa cháy rất được mọi người quan tâm, chú ý hơn để tránh xảy ra các tình trạng thương tâm. Khi trao đổi với vài chủ cho thuê ‘sleep box’, hầu hết đều trả lời khá chung chung về chuyện trang bị thiết bị chống cháy...
Với mô hình không gian nhỏ và dày đặc như ‘sleep box’ thì việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ thực sự cần chú tâm. Ngoài ra, dù có chìa khóa riêng cho mỗi ‘hộp ngủ’ nhưng việc mất cắp vẫn có thể xảy ra. N. T. H. (trường ĐH Tôn Đức Thắng) kể: “Mình đã mất laptop khi vừa ở được gần tháng tại một ‘sleep box’ gần trường. Dù rằng có camera giám sát nhưng chủ thuê lại không tìm ra được ai lấy. Ban đầu, dọn vào ‘sleep box’ vì thấy gần trường, không tốn quá nhiều tiền nhưng mình cũng quên chú ý đến chuyện mất cắp”.
Sự riêng tư của mỗi ‘hộp ngủ’ chỉ gói gọn trong vài mét vuông nên các khu còn lại trong tòa nhà cho thuê đều sẽ dung chung. M. T. nói thêm: “Ngoài giá rẻ, mình cũng hơi khó chịu vì ý thức của những người cùng thuê trong tòa nhà. Như nhà vệ sinh thì họ vứt đồ bữa bãi, sử dụng không sạch sẽ mà tính mình thì kỹ nên phải tự tay dọn, dù lúc thuê cũng được báo sẽ có người dọn dẹp. Chưa kể, đồ dùng ở khu bếp chung cũng hay bị ‘cầm nhầm’. Nhưng vì đó là khu sinh hoạt chung nên mình đành chịu”.
So với thuê phòng trọ có giá nhỉnh hơn, ‘sleep box’ cũng bị hạn chế nhiều vấn đề như không gian chật hẹp, ngoài nằm ngủ ra thì khó làm thêm việc gì khác. Nếu tính ra, giá thuê cũng không rẻ hơn phòng trọ bao nhiêu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn. N. T. H. chia sẻ, ở ‘sleep box’ thì không biết ngày hay đêm vì nếu thuê ‘hộp’ không có ban công thì đành chịu, không nấu ăn được, lại tốn thêm chi phí ăn ngoài, khó đảm bảo vệ sinh.
Đó là các dạng ‘sleep box’ có máy lạnh, còn các ‘hộp ngủ’ chỉ có quạt thì với thời tiết ở Sài Gòn mùa nóng sẽ rất bức bối. B. T. (trường CĐ Công nghệ thông tin TP. HCM) đang tìm phòng trọ để dọn ra vì ‘lỡ ham rẻ’: “Mình nghĩ, thuê ‘hộp ngủ’ chỉ để ngủ ban đêm. Còn ban ngày đi học, nếu không thì ra quán cà phê, cửa hàng tiện lợi làm bài tập nhưng thời tiết có khi nóng quá, cảm giác rất ngộp khi ở trong ‘box’ thế này”.
Biết rằng, vấn đề kinh tế khi theo học ở Sài Gòn vẫn là nỗi lo của nhiều bạn sinh viên nhưng vẫn có nhiều phương án khác để lựa chọn, để đảm bảo an toàn cho chính mình. Nếu may mắn, tìm thuê được 'sleep box' có đầy đủ thiết bị chống cháy an toàn thì còn có thể ở lâu dài và không nơm nớp lo sợ. Hãy cân nhắc kỹ, vì chỗ trọ cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, việc học tại TP. HCM.