Năm 2022, trường ĐH Thương mại dự kiến phân bổ nhiều chỉ tiêu cho những ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành Quản trị Kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).
Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị Kinh doanh và Quản trị Nhân lực. Đồng thời, trường thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống Thông tin quản lý; và chương trình tích hợp ngành Kế toán. Tổng chỉ tiêu tất cả ngành, chương trình đào tạo là 4.150.
Theo phương án tuyển mới được trường ĐH Ngoại thương công bố, năm nay trường mở thêm ngành Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội), Truyền thông Marketing tích hợp thuộc ngành Marketing (tại cơ sở TP. HCM) và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tại Hà Nội).
Năm tới, trường tuyển 4.050 chỉ tiêu và 6 phương thức xét tuyển cho cả trụ sở chính Hà Nội, cơ sở II- TP. HCM và cơ sở Quảng Ninh.
Phương thức 1 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho 3 nhóm đối tượng: Thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); thí sinh đoạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/TP lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia, THPT chuyên.
Phương thức 2, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Phương thức 3, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Phương thức 4, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế.
Phương thức 5, xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM tổ chức trong năm 2022, áp dụng cho một số chương trình tiêu chuẩn.
Phương thức 6 là xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GD - ĐT và nhà trường.
Tương tự, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết các chương trình đào tạo mới sẽ được thông báo vào tháng 3 tới, bên cạnh 59 chương trình đào tạo như năm 2021.
Năm nay, các trường đồng loạt giảm tỷ lệ tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống dưới 50%. Chẳng hạn ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ tuyển 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi do Bộ GD - ĐT tổ chức. Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay đối với hình thức xét tuyển này.
Năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển tài năng; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tổng chỉ tiêu dự kiến trường là 7.500. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy chiếm 60 đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Thí sinh sẽ tham gia dự thi ở các môn Toán - Đọc hiểu - Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên hoặc Toán - Đọc hiểu - Khoa học tự nhiên.
Với xét tuyển từ kết quả thi THPT, trường dành 10-20% chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp A00, A01, B00, D01, D07, D26, D28 và D29. Thậm chí tuyển theo phương thức này, trường đặt ra tiêu chí phụ là thí sinh phải có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn từ 42 trở lên).