Có thể nói từ bé cho đến khi bước chân vào Ngoại thương, mình được mọi người biết đến nhiều hơn nhờ thành tích học tập. Sinh ra trong một gia đình gia giáo với ông bà nội ngoại và các bác đều là giáo viên, từ nhỏ mình luôn được dạy dỗ về tầm quan trọng của tri thức. Mình học chăm lắm và học đều các môn, nhớ nhất điểm trung bình đều đạt 9.7-9.8/10 các năm. Lớn hơn chút khi học cấp 3, mình theo khối chuyên Anh và chọn môn này làm định hướng chính của mình. Tuy nhiên, mình vẫn giữ thói quen chỉn chu chú ý cân bằng tất cả các môn. Sự chăm chỉ và nỗ lực đó đã giúp mình lọt vào top 5 bạn có điểm thi THPT cao nhất địa phương và kết thúc cấp 3 với tấm bằng IELTS, điểm chuẩn SAT và GPA xứng đáng với học bổng Mỹ 100% trao bởi đại học BAU University, Washington DC.
Năm lớp 12, vượt qua các bài thi kiểm tra đánh giá khó nhằn như IELTS, SAT, mình vinh dự được chọn nhận học bổng 100% học tại trường BAU University, Washington DC, Hoa Kỳ. Đây là ngôi trường hợp tác với trường ĐH Ngoại thương nên học bổng được trao tại khuôn viên FTU luôn. Ấy thế mà, mình đã từ chối học bổng, quyết định tham gia kì thi THPT Quốc gia và xét tuyển vào Ngoại thương bằng phương thức xét tuyển kết hợp. Khi đưa ra quyết định, mình cũng đấu tranh nội tâm nhiều lắm, đi hay ở? Liệu quyết định ở lại có phải là lựa chọn đúng đắn. Mình cũng đã có định hướng với bản thân sẽ đi du học bậc đại học mà đến giây phút ước mơ gần chạm tới, mình lại chối bỏ và làm lại từ đầu?
Thế nhưng mình đã từ chối học bổng đó vì bị Ngoại thương “hút hồn” mất rồi. Mình nhận được kết quả đỗ học bổng trước kì thi ĐH, thế nhưng lại đưa ra một quyết định rất sốc khi “đập đi xây lại” từ đầu, từ bỏ tất cả để vượt qua kì thi đại học cam go, xét tuyển phương thức kết hợp bằng IELS, với tiêu chí là tổng điểm 2 môn toán văn trên 15 điểm (Văn 9.25, Toán 7.0 - kì thi 2018) và chính thức trở thành sinh viên Ngoại thương, Chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại (Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, liên kết với trường ĐH Colorado, Hoa Kỳ).
Lí do không đi thì có nhiều lắm, từ quan điểm của gia đình, từ chi phí phát sinh rồi cuộc sống tự lập ở Washington D.C đắt đỏ mà gia đình không đủ điều kiện nên bố mẹ đã động viên mình học trong nước. Mình cảm thấy hạnh phúc khi tìm ra được hướng đi khác cho bản thân, đó là chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại ở Ngoại thương, học 100% bằng tiếng Anh và liên kết đào tạo cấp song bằng với trường Colorado State University. Dù từ chối nhận học bổng Mỹ, mình vẫn được hưởng môi trường đào tạo chuẩn Mỹ, đồng thời được sự giúp đỡ, giảng dạy sát sao của thầy cô Ngoại thương. Đồng thời, học và làm việc trong nước với đặc thù là ngành kinh tế, mình sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về thị trường Việt Nam, tạo tiền để có thể ứng dụng vào nghiên cứu và công việc sau này.
Mình tin rằng “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Ở môi trường nào cũng đều có cơ hội, chỉ cần bạn có ước mơ lớn, luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để nhìn nhận ra cơ hội và chớp lấy nó bằng khả năng đã tích lũy. Có thể nói đến giờ, mình hoàn toàn không hối tiếc khi đã lựa chọn Ngoại thương để gửi gắm những tháng năm thanh xuân rực rỡ nhất! Và có lẽ nếu không là một FTUer, mình cũng chưa biết những cơ hội tuyệt vời như này liệu có thể đến với bản thân?
“Every dream should have a deadline”. Để đạt được điều gì, bản thân mình luôn nghiêm túc và chăm chỉ, kỉ luật với bản thân. Với việc học tiếng Anh cũng như vậy, mình có thể ngồi lì 1 ngày 3 ca học tiếng Anh mà không biết chán, thiết lập bảng theo dõi điểm số khi mình tự làm đề và có điều chỉnh ngay khi cảm thấy lực học đuối đi. Mình cũng lưu ý tới việc tìm môi môi trường thực tế để luyện tập tiếng Anh. Hồi cấp 3, ở trường chuyên mình lúc đó hoạt động CLB chưa mạnh. Mình đã mạnh dạn đề xuất các phương án để gây dựng lại CLB tiếng Anh, tạo môi trường để các bạn học sinh luyện nói theo các chủ đề. May mắn thay ý tưởng nhanh chóng được các bạn yêu thích và hoạt động rất sôi nổi. Ứng dụng công nghệ vào học tập, đặc biệt là các app hỗ trợ như thẻ học từ vực Quizlet, Duolingo sẽ là công cụ đắc lực giúp bạn bứt phá trong công cuộc học tiếng Anh.
Vậy động lực gì khiến mình apply và trở thành đại sứ của Liên hợp quốc? Mình có vinh dự đạt danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương - Beauty and Charm 2019, có lẽ cũng do Linh gây ấn tượng bởi câu trả lời ứng xử cho câu hỏi “Chủ đề của cuộc thi là She is the difference, vậy điểm đặc biệt của em là gì so với các bạn thí sinh khác?”. Với Linh, niềm đam mê kinh tế học là nguồn gốc cho câu trả lời này: “Với sinh viên kinh tế, chúng em được dạy tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, nhưng với em, qua cuộc thi này, em cũng đã tìm được điểm cân bằng của chính bản thân mình, đó là sự cân bằng giữa vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp trí tuệ.” Và Linh đang ngày ngày hiện thực và làm tốt hơn để chứng minh cho lời nói đó của mình. Mình sợ nhất khi mọi người hay nói hoa khôi, hoa hậu chỉ được “mác” xinh, nhưng mình mong muốn bản thân là một minh chứng khác cho sự toàn vẹn của sinh viên Ngoại thương khi tham gia các cuộc thi nhan sắc. Nhờ cuộc thi và lợi thế truyền thông có được, mình đã chinh phục được hội đồng chấm học bổng của Liên hợp quốc và trở thành gương mặt đại sứ trẻ.
Thời gian không chờ đợi ai cả, dù bạn có muốn hay không, thì con tàu thời gian cũng vẫn lặng lẽ chạy về phía trước mà chẳng đợi bước chân của bạn, càng chẳng bận tâm đến tâm trạng của bạn ra sao. Hãy nắm bắt lấy cơ hội và tự tin thể hiện bản thân. Bạn sẽ bất ngờ với bản thân khi thấy mình có thể đi bao xa.
Để kết lại, mình xin dùng câu nói của 1 chị cựu sinh viên FTU Rosie Nguyễn trong cuốn Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu: “Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ. Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ. Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn. Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống. Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm”.
Phùng Trang Linh
(Sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội)