Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2004) sắp trở thành sinh viên năm 3 ngành Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Với quan niệm “Tương lai nằm trong tay chúng ta”, Lan Anh cân nhắc kĩ càng về những quyết định của mình trên hành trình học tập. Lựa chọn ngành Truyền thông đại chúng để theo đuổi trong bốn năm thanh xuân, cô dựa vào ba tiêu chí cơ bản bao gồm: sở thích, sở trường và nhu cầu xã hội. Trong năm tháng cấp 3, Lan Anh may mắn được học tập trong môi trường năng động, sáng tạo và có cơ hội tham gia vào các hoạt động truyền thông tại trường. Qua đó, nữ sinh khám phá được sở thích của mình. Thời gian hoạt động lâu, kinh nghiệm ‘hành nghề’ nhiều hơn, cô dần có sở trường trong lĩnh vực. Quan trọng hơn hết, nữ sinh kiên quyết chọn ngành nhờ vào việc xác định nhu cầu ngày càng lớn của lĩnh vực truyền thông trong tương lai.
Sau khoảng thời gian gắn bó với ngành truyền thông trong và ngoài trường, cô khẳng định: “Lựa chọn ngành học nghĩa là đã xác định con đường tương lai. Đối với mình, truyền thông là điểm tựa. Nó không đơn thuần là đam mê, sở thích hay ngành học mà là công việc, người bạn gắn bó lâu dài với mình. Những công việc truyền thông mình tham gia giúp mình thêm kinh nghiệm, đặc biệt có thể thiết lập mối quan hệ với những người có chuyên môn trong lĩnh vực.”
Thành tích trong ngành Truyền thông được lưu dấu nơi những trang giấy chứng nhận quý giá. |
Truyền thông là lĩnh vực nhiều ‘ngóc ngách’. Năm nhất, do chưa biết mình thích gì, phù hợp gì nên Lan Anh đã thử hầu hết các công việc trong ngành như viết báo in - báo điện tử, ‘chạy’ sự kiện, làm truyền thông mạng xã hội, cộng tác trong các cơ quan nhà nước… Những vị trí truyền thông đáng chú ý có thể kể đến như là Thực tập sinh tại Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Đội Truyền thông của Đội SVTN Nghệ An, Trưởng Ban Truyền thông tại Câu lạc bộ Mạch Nguồn, Cộng tác viên Ban Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Hội Sinh viên Việt Nam…
Nguyễn Thị Lan Anh (ngoài cùng bên trái) tích cực tham gia ‘ngách’ tổ chức sự kiện trong lĩnh vực Truyền thông. |
Lan Anh là một trong số những người trẻ nổi bật với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”. Theo nữ sinh, khi bước lên đại học, hầu hết sinh viên chưa xác định được mình là ai. Vì vậy, các bạn hãy thể hiện bản thân. Những suy nghĩ của người ngoài cuộc không nhất thiết để mình suy nghĩ quá nhiều. Cơ hội đến, hãy nắm bắt. Nếu chưa có, hãy tự tạo. “May mắn của mình là được làm ban cán sự lớp. Mình có cơ hội được làm quen và hòa nhập nhanh hơn với các bạn trong lớp ở môi trường mới. Đặc biệt, mình xóa bỏ sự tự ti khi được thầy cô cố vấn học tập, hướng dẫn và chỉ đường. Từ những công việc nhỏ nhất, mình làm với trách nhiệm, hết mình thực hiện. Dần dần, mình được thầy cô chú ý, tín nhiệm và được giao cho nhiều công việc quan trọng. Cứ vô tư, đừng suy nghĩ quá nhiều về các vấn đề xung quanh. Cứ thử, nếu thất bại thì hãy đứng lên ngay lập tức. Suy cho cùng, thứ tuổi trẻ có là nhiệt huyết khẳng định dấu ấn cá nhân.”, cô chia sẻ.
Dự án truyền thông mà cô tâm đắc nhất chính là Ctrl Z, dự án phim ngắn về chủ đề báo chí truyền thông. Đây là bài tập năm nhất của môn cơ sở ngành Truyền thông đại chúng nói chung. Nhưng Lan Anh và những người bạn đã quyết định dám làm một dự án phim lớn. Để hoàn thành sản phẩm, nhóm đã mất khoảng 3 tháng ròng rã cho mọi công đoạn. Dù gặp khó khăn trong việc lên kịch bản, tìm diễn viên, phương tiện quay dựng và nhiều thứ khác nhưng Lan Anh và các bạn đồng hành tiếp tục làm mà không nghĩ suy. Đáng chú ý, sau khi hoàn thành sản phẩm, các thành viên đều nhận ra năng lực của bản thân, khám phá được điểm mạnh và điểm yếu của mình trong lĩnh vực truyền thông. Cô nói: “Mình nhận thấy mình phi thường hơn những gì mình tưởng tượng. Quan trọng bản thân phải có ý chí và đặt ra mục tiêu, nhìn được đích đến. Quá trình làm việc dù có thể mệt nhọc, tốn công sức nhưng thành quả thu hái được rất xứng đáng. Đây là nền tảng để các thành viên ngày càng hoàn thiện hơn, tạo động lực để tìm tòi, khám phá thêm những kiến thức mới mà chưa được tiếp cận trong các môn học ở trường.”
Dự án Ctrl Z không chỉ là bài tập năm nhất mà là thử thách các thành viên tự đặt ra để khám phá năng lực của bản thân. |
Để tránh trường hợp trễ hạn công việc, Lan Anh đặt ra nguyên tắc với những công việc chỉ tốn 5 - 10 phút để xử lí, cô sẽ giải quyết nhanh để dành thời gian vào các hoạt động khác quan trọng hơn. Đặc biệt, Lan Anh biết lượng sức mình, kêu gọi sự hỗ trợ nếu cần thiết. Cô chia sẻ: “Hiện tại, những công việc mình làm chủ yếu là để trải nghiệm, học hỏi. Tuy nhiên, mình luôn cố gắng đóng góp 100% công sức, trách nhiệm vào sự phát triển của tổ chức mình đang làm việc”. Lan Anh nói thêm: “Làm nhiều việc là thế, nhưng mình luôn ưu tiên việc học lên trên hết. Mình luôn lấy một câu nói làm động lực, đó là ấu bất học, lão hà vi. Nghĩa là trẻ không học, lớn lên không làm được gì. Dù trong bất cứ công việc nào, nền tảng kiến thức vẫn là lợi thế số một.”
Truyền thông được Lan Anh đánh giá là lĩnh vực thay đổi nhanh chóng và yêu cầu sự thích nghi cao. Tuy nhiên, cô cố gắng thử sức với những gì cô chưa biết để xem mình hợp gì, mạnh gì. Song song với quá trình đó, cô tiếp nhận sự thay đổi mới thông qua việc mình tự thử và quan sát thế giới vận hành như thế nào.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, truyền thông có những ảnh hưởng không tốt đến với người tiếp nhận. Tuy nhiên, theo nữ sinh, chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kì cá nhân hay tổ chức riêng lẻ nào. Thông tin được truyền đi là vô hạn, đúng sai tùy cảm nhận của mỗi người. Vì vậy, những người làm ngành truyền thông phải có nền tảng đạo đức vững chắc, hành nghề bằng cái tâm. Những người tiếp nhận thông tin cần sáng suốt, thông minh để nhìn nhận các nội dung được truyền tới mình. Vì vậy, “ai cũng cần được giáo dục về cách sử dụng Internet một cách đúng đắn để có thể tạo ra màn lọc cho mình trước những gì xuất hiện trên mạng.”, Lan Anh khẳng định.
Nữ sinh luôn xác định học tập là nhiệm vụ chính dù hoạt động trong rất nhiều sự kiện, có các công việc khác nhau trong ngành Truyền thông. |
Lan Anh thấy mình có thiên hướng nghiên cứu và thích làm về giáo dục nhiều hơn là việc chỉ can thiệp vào một số công việc hay hoạt động truyền thông nhất định nào đó. Với cô, học không chỉ để áp dụng cho mình mà còn để chia sẻ với nhiều người khác. Theo quan niệm của Lan Anh, thành công chỉ là một thời điểm. Nữ sinh luôn nghĩ, hãy cố gắng chấp nhận và bình thường hóa ở tuổi mười tám, đôi mươi, chúng ta có những thất bại. “Cứ cố gắng, cứ vô tư và đừng suy nghĩ quá nhiều. Sinh viên cần tận dụng cơ hội để bộc lộ tiềm năng của bản thân, cọ xát với xã hội. Dựa trên những gì mình trải nghiệm để đánh giá mình đang ở đâu và cần cải thiện khía cạnh nào. Hãy chọn cho mình một điểm tựa để có thể nhấc bổng cả thế giới.”