Nguyễn Mai Cẩm Nhung (sinh năm 2002) có niềm yêu thích đặc biệt với ngành Tâm lý học. |
Từ những năm cấp ba, Cẩm Nhung đã bắt đầu tò mò và cảm thấy hứng thú với ngành Tâm lý học và quyết định theo học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, cô bạn không chỉ được học hỏi từ những giảng viên hàng đầu của ngành Tâm lý học mà quan trọng hơn là được truyền cảm hứng bởi tình yêu nghề từ chính các thầy cô của mình.
Trong suốt quá trình học, Cẩm Nhung luôn trăn trở nghĩ cách để hoàn thành môn học một cách tốt nhất, từ đó tìm ra những điểm có thể được cải thiện và tập trung đầu tư kỹ lưỡng cho từng dự án, từng bài tập. Do đó, ngoài việc tìm hiểu tài liệu mà thầy cô cung cấp, Nhung còn dành thêm thời gian đọc các nghiên cứu, công bố từ nước ngoài để bổ sung nhiều kiến thức hay ho cho bản thân.
“Mình nghĩ chính nhờ tư duy này mà mình luôn nghiêm túc với việc học và các bài luận, bài thuyết trình mà mình thực hiện luôn chỉn chu, đáp ứng được kỳ vọng của thầy cô. Mình nhận thấy một điều là nhiều bạn dễ bị chủ quan trong năm nhất và năm hai đại học, bởi đây là thời điểm mà chúng mình chủ yếu được học các môn đại cương. Những môn học này tưởng chừng như không quan trọng bằng các môn chuyên ngành nhưng nếu các bạn học nghiêm túc và đạt kết quả tốt thì cơ hội nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc sẽ càng cao.” - Cẩm Nhung cho biết.
Bên cạnh việc học, Cẩm Nhung cũng rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chủ đề về sự phát triển bản sắc của người trẻ, thanh thiếu niên và về các mối quan hệ liên cá nhân. Nữ sinh chia sẻ: “Với mình, một người có khả năng thiết lập sự gắn kết lành mạnh, có nhiều thời gian chất lượng cho các mối quan hệ là những yếu tố cực kỳ cần thiết để có sức khỏe tinh thần tốt cũng như hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Và chính những mối quan hệ này sẽ giúp người trẻ có thêm niềm tin, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho bản thân.
Cẩm Nhung cùng các thành viên khác trong buổi kết thúc nhiệm kỳ ở CLB PSYSEEING. |
Được biết, Cẩm Nhung từng là Phó Chủ nhiệm kiêm Trưởng Ban Chuyên môn của CLB PSYSEEING, trực thuộc Liên chi Đoàn - Liên chi Hội khoa Tâm lý học. Ngoài ra, cô nàng còn tham gia nhiều dự án cộng đồng khác trong và ngoài trường. Tất cả những trải nghiệm này mang lại cho Nhung một bộ kỹ năng mềm cần thiết để tự tin hơn trong các công việc tương lai.
Cẩm Nhung tốt nghiệp loại Xuất sắc với điểm GPA 3.83/4.0, đồng thời trở thành thủ khoa đầu ra ngành Tâm lý học của trường. |
Bằng những nỗ lực của bản thân, Cẩm Nhung nhiều năm liền đạt học bổng Khuyến khích học tập, tốt nghiệp loại Xuất sắc với điểm GPA 3.83/4.0, đồng thời trở thành thủ khoa đầu ra ngành Tâm lý học của trường. Danh hiệu này là phần thưởng, là sự ghi nhận cả quá trình phấn đấu của Cẩm Nhung, song cũng đem đến cho cô gái trẻ những áp lực nhất định, đan xen với nỗi lo về nghề nghiệp.
Cẩm Nhung bộc bạch: “Tâm lý học là một lĩnh vực rất thách thức, yêu cầu bản thân phải có kiến thức và kỹ năng cao để có thể hỗ trợ tốt nhất cho người khác. Ví dụ như để hành nghề thực hành tham vấn - trị liệu tâm lý, mình cần ít nhất là bằng thạc sĩ về Tâm lý học lâm sàng và đạt đủ số giờ thực hành có giám sát theo quy định của Hiệp hội Tâm lý học. Vì vậy, tốt nghiệp cử nhân chỉ là một bước đệm, để theo đuổi con đường trở thành nhà tham vấn - trị liệu tâm lý chuyên nghiệp, mình còn cần phải cố gắng hoàn thiện bản thân hơn.”
Cẩm Nhung là một trong 100 thủ khoa xuất sắc Thủ đô Hà Nội năm 2024. |
Hiện tại, Cẩm Nhung đã tìm được công việc yêu thích, đúng với chuyên ngành học của mình, đó là vị trí Chuyên viên Tâm lý học đường cấp THCS - THPT thuộc Hệ thống Giáo dục Alpha School. Công việc của Nhung là giảng dạy môn Giáo dục Cảm xúc - Xã hội (SEL), hỗ trợ tham vấn tâm lý và thiết kế, tổ chức các chương trình phòng ngừa để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cho học sinh.
Cá nhân Cẩm Nhung cho rằng Tâm lý học là một ngành mới và khá “hot” trong những năm gần đây, nhất là từ giai đoạn đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hiểu nhầm, định kiến mà cô bạn thường gặp phải khi nhắc về ngành.
“Thật khó để đọc vị được ai đó ngay từ lần đầu gặp gỡ vì những người học Tâm lý như chúng mình không hề có năng lực này và cũng chẳng có cơ sở nào để đọc vị khi chưa biết gì về người đó. Thật ra, mỗi nhà thực hành trợ giúp tâm lý vốn chỉ là một người bình thường và cũng có những khó khăn riêng. Nhưng họ biết cách xử lý những vấn đề của mình sao cho không bị nó làm ảnh hưởng, chi phối đến cách nhìn nhận, đánh giá của họ về vấn đề của thân chủ (là người được trợ giúp). Một cách lý tưởng là ngay cả nhà tâm lý cũng nên được trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp để khỏe mạnh về tinh thần trước khi đi hỗ trợ người khác, vậy mới có thể trợ giúp tốt nhất cho thân chủ.” - Cẩm Nhung bày tỏ.
Điều khiến Cẩm Nhung thấy biết ơn và tự hào nhất là được ba mẹ ủng hộ trong suốt quá trình theo đuổi nghề, từ đó giúp cô có thêm động lực để kiên trì với mục tiêu. Cô gái mong muốn được tiếp tục cống hiến với công việc hiện tại nhằm phát triển kỹ năng chuyên môn và dự định học lên thạc sĩ Tâm lý lâm sàng để có đủ năng lực hành nghề trong tương lai gần.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Một số thành tích nổi bật:
- Là một trong 100 thủ khoa xuất sắc Thủ đô Hà Nội năm 2024;
- Giải Nhì (năm học 2021-2022) và giải Nhất (năm học 2022-2023) cuộc thi Nghiên cứu khoa học Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Công bố sản phẩm khoa học “Phân biệt giới nước đôi và tác động của nó đến tâm lý của người trưởng thành”, đăng số 3-2023, Tạp chí Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
- Công bố sản phẩm khoa học “Sự rõ ràng về khái niệm bản thân và chất lượng mối quan hệ bạn bè ở thanh thiếu niên, vai trò điều tiết của tự bộc lộ bản thân”, đăng số 6-2024, Tạp chí Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.