Quan điểm của người trẻ về lối sống "phông bạt"

SVVN - Gần đây, nhiều trường hợp bị phát hiện lợi dụng việc quyên góp từ thiện sau bão Yagi để "phông bạt", làm hình ảnh cho bản thân, gây nên những lo ngại về xu hướng sống ảo, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người trẻ trong các hoạt động cộng đồng.

Đại hội "check var" của cư dân mạng

Vào tối 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố 12.028 trang sao kê liên quan đến số tiền quyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (siêu bão Yagi). Các tài liệu cung cấp chi tiết từng ngày, số tiền và nội dung giao dịch của người dân. Ngay sau đó, cộng đồng mạng đã bắt đầu "check var" hàng loạt thông tin trong bản sao kê, đặc biệt tập trung vào những người nổi tiếng đã từng chia sẻ biên lai chuyển khoản lên mạng xã hội, nhằm xác minh tính chính xác của những thông tin đó, đồng thời phát hiện liệu có hành vi "phóng đại" nào hay không.

Quan điểm của người trẻ về lối sống "phông bạt" ảnh 1

Một nữ VĐV bị dân mạng "tố" phông bạt tiền quyên góp.

Ngay lập tức, cụm từ "sống phông bạt" đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội sau khi kết quả kiểm tra sao kê được công bố. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người tuyên bố đã quyên góp số tiền lớn, thậm chí rất lớn, để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra trong 12.028 trang sao kê, con số thực tế lại không khớp với những gì họ công bố.

Lối sống "phông bạt" thường được hiểu là việc "tô vẽ" bề ngoài lộng lẫy, xa hoa để che giấu thực tế không mấy chân thật. Đây là cách mà nhiều người trẻ hiện nay dùng vẻ ngoài hào nhoáng nhằm tạo dựng một hình ảnh hoàn toàn khác so với thực tế. Họ không quá để tâm đến cuộc sống thực của mình, nhưng khi đăng tải hình ảnh hoặc video lên mạng, mọi thứ phải thật lung linh, hoành tráng, để nhận được sự ngưỡng mộ và khen ngợi từ người khác.

Vấn đề này đã tồn tại từ lâu nhưng chỉ thực sự trở thành tâm điểm sau sự kiện ngày 12/9. Điển hình là trường hợp của một VĐV cho biết đã ủng hộ số tiền lên đến 9 con số, tức hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền ủng hộ thực tế của nữ VĐV này chỉ là 500.000 đồng.

Trường hợp khác, một nam TikToker với triệu người theo dõi đã bị cộng đồng mạng phát hiện sai lệch trong việc quyên góp từ thiện. Theo đó, người này thông báo đã chuyển khoản số tiền lớn tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng sau khi kiểm tra, cư dân mạng phát hiện giao dịch với số tiền 1 triệu đồng. Trước đó, anh chàng này còn chia sẻ ảnh chụp màn hình giao dịch (đã che đi số tiền) khiến nhiều người nhầm tưởng số tiền quyên góp lên tới hàng chục triệu đồng. Sau đó, nam Tiktoker đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận lối sống "phông bạt" của bản thân.

Quan điểm của người trẻ về lối sống "phông bạt" ảnh 2
Cư dân mạng truyền tay nhau bức ảnh "check var" màn "phông bạt" của nam TikToker triệu followers

Khôi hài hơn, nhiều người dùng mạng xã hội còn bóc mẽ trường hợp một tài khoản Facebook thông báo ủng hộ nhân dân vùng lũ số tiền 100 triệu đồng nhưng thực thế lại... chuyển từ tài khoản của ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác của bản thân.

Nhiều FC của các nghệ sĩ nổi tiếng cũng chia sẻ trên các hội nhóm, cho biết đã quyên góp số tiền lên đến hàng triệu đồng. Tuy nhiên, theo bản sao kê do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố về khoản ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng từ bão số 3, con số thực tế lại chỉ dừng ở mức... vài ngàn đồng.

Quan điểm của người trẻ

Bạn Phạm Thùy Linh, sinh viên năm cuối trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ rằng cô nàng dễ dàng nhận thấy xu hướng sống "phông bạt" ở một bộ phận người trẻ hiện nay trên mạng xã hội.

"Rất nhiều bạn khoe cuộc sống sang chảnh hoặc làm từ thiện số tiền lớn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Mình nghĩ họ làm vậy để tìm kiếm sự công nhận, nhưng vô tình làm xấu hình ảnh của chính bản thân mình", Linh cho hay.

Linh cũng cho rằng hiện tượng này khiến nhiều người mất niềm tin vào lòng tốt, đặc biệt là sau vụ việc sai lệch số tiền ủng hộ người dân thiệt hại sau bão Yagi. "Khi làm từ thiện mà lại gian dối, nó không chỉ ảnh hưởng tới những người cần giúp đỡ mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội đối với những người thật sự có ý định tốt".

Áp lực từ mạng xã hội đang góp phần khiến nhiều người trẻ cảm thấy cần phải thể hiện và "thổi phồng" hình ảnh bản thân. Nguyễn Minh An (25 tuổi) nhận định rằng xã hội hiện đại đang quá đề cao sự nổi tiếng và hình ảnh cá nhân, dẫn đến việc một bộ phận người trẻ phải “trình diễn” cuộc sống hoàn hảo trên các nền tảng trực tuyến. "Mạng xã hội là nền tảng lớn để thể hiện bản thân, và nếu không khoe ra thì nhiều người sợ rằng họ sẽ bị lu mờ," cô nàng nói.

Trương Thế Nam, (23 tuổi, Nam Định) bày tỏ lo ngại rằng sự phô trương trên mạng xã hội khiến những người thực sự muốn giúp đỡ bị nghi ngờ về lòng tốt, còn những người sống "phông bạt" lại nhận được sự chú ý, tán dương từ cộng đồng: "Những người làm từ thiện thật lòng lại bị hoài nghi, trong khi những người làm vì phô trương thì lại được chú ý nhiều hơn".

Nam cho biết đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho bản thân, rằng từ nay về sau chàng trai trẻ sẽ thận trọng hơn khi tham gia các hoạt động từ thiện sau sự việc liên quan đến bão Yagi. Chàng trai trẻ bày tỏ quan điểm: "Mình nghĩ khi đã làm từ thiện thì điều được đặt lên hàng đầu chính là cái tâm và minh bạch. Các cụ ngày xưa có câu: 'Của cho không bằng cách cho'. Điều đó có nghĩa rằng cách chúng ta giúp đỡ người khác phải thể hiện được sự chân thành và tôn trọng đối với người nhận, không chỉ đơn thuần là việc quyên góp vật chất."

Theo chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn, hiện tượng này bắt nguồn từ áp lực xã hội và môi trường so sánh thiếu lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội. Người trẻ thường cảm thấy cần phải thể hiện một hình ảnh hoàn hảo để được xã hội công nhận, yêu mến. Điều này vô hình chung cuốn họ chạy theo các tiêu chuẩn ảo, tạo nên những giá trị bề ngoài, trong khi bỏ qua sự chân thật và giá trị nội tại của bản thân.

Quan điểm của người trẻ về lối sống "phông bạt" ảnh 3

Chuyên gia cũng nhận định rằng lối sống "phông bạt" có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần

Chuyên gia cũng nhận định rằng lối sống "phông bạt" có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần. Cảm giác lo âu, căng thẳng và tự ti có thể phát sinh khi người trẻ cảm thấy bản thân không thể duy trì hình ảnh lý tưởng hoặc khi so sánh mình với người khác.

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ, vị chuyên gia nhấn mạnh các bạn là hãy biết nhìn nhận và trân trọng giá trị thực sự của bản thân, thay vì tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài hay so sánh với những người khác trên mạng. Giới trẻ nên tập trung phát triển giá trị cá nhân thực sự và tìm kiếm sự chấp nhận từ chính bản thân thay vì từ xã hội.

"Sống với cái tâm và sự chân thành sẽ giúp các bạn trẻ tự tin và hạnh phúc hơn, không bị chi phối bởi những hình ảnh hào nhoáng nhất thời trên mạng," chuyên gia nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối: Trao giải 20 triệu đồng cho trường đại học thu gom nhiều vỏ chai/lon nhất

Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối: Trao giải 20 triệu đồng cho trường đại học thu gom nhiều vỏ chai/lon nhất

SVVN - Tiếp nối thành công năm thứ nhất, Coca-Cola Việt Nam phối hợp cùng báo Tiền Phong tiếp tục triển khai chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" năm thứ hai tại các trường đại học tại TP.HCM. Chương trình mong muốn đem đến nguồn cảm hứng cho người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ hình thành thói quen thu gom chai, lon đã qua sử dụng và gửi đi tái chế, vì một thế giới không rác thải.
Viết sách kỹ năng khó hay dễ?

Viết sách kỹ năng khó hay dễ?

SVVN - Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong - được mời chia sẻ trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam về chủ đề sách kỹ năng ở Việt Nam. Anh cũng là chuyên gia tư vấn xuất bản sách uy tín từ gần 10 năm nay. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam xin trích đăng một số nội dung trả lời của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tại buổi ghi hình chương trình.
Du học song ngành tại Mỹ, nam sinh Việt chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ đặc biệt nhất

Du học song ngành tại Mỹ, nam sinh Việt chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ đặc biệt nhất

SVVN - Hứa Nhật Thạnh (năm thứ tư, học song ngành Toán học/ Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị, trường ĐH Columbia, Mỹ) ngoài thành tích học tập ấn tượng, Nhật Thạnh từng là thực tập sinh tại ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall, đồng thời tích cực tham gia các dự án xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.