Địa chỉ lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống Nam Bộ
Đến với lớp học, các bạn sẽ được tìm hiểu và thảo luận về những chuyên đề liên quan đến văn hóa, lịch sử xưa. Mỗi tuần, các bạn sẽ được học một chuyên đề khác nhau, khi thì về kiến trúc đình, chùa, khi thì về những lễ nghi, cách ăn nói, y phục… Không phân biệt ngành học, nhiều bạn trẻ đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn có chung một niềm đam mê về văn hoá sẽ tề tụ về lớp học "Cổ Lệ" này. Ngay cả khi không học những nhóm ngành liên quan đến xã hội, văn hóa lịch sử đối với các bạn vẫn có sức hút riêng.
Các bạn trẻ được nghe giới thiệu về áo dài xưa của người Nam Bộ. |
Hồ Minh Thanh Tài (Q. Tân Phú, TP. HCM) cho biết: “Lớp học này có một cái đặc biệt là nó không quá hàn lâm, không đòi hỏi bạn trẻ phải có chuyên môn nhất định ở các ngành xã hội. Ở đây, những cái thiết thực nhất, giản dị nhất mình sẽ tiếp cận được như là hơi thở và làn sóng vậy. Cho dù làm bất cứ nghề nghiệp gì thì về nhà cũng phải thưa, chào. Ít nhiều, mình sẽ đụng chạm những mảng này trong cuộc sống. Lớp học cho mình biết làm thế nào để cho phù hợp nhất với truyền thống và mình nghĩ ai cũng nên biết một chút xíu để ứng xử, và giữ gìn văn hoá”.
Lớp học diễn ra trong Đình Phú Thạnh (Q. 3, TP. HCM). |
Sau khi được học lý thuyết, các bạn trẻ sẽ tiến hành thực hành ngay. Điều này giúp các bạn hiểu sâu và trực quan hơn về những phong tục truyền thống. Được tận tay cầm nắm những cổ vật, mặc những chiếc áo dài hay thực hành nghi lễ cúng bái xưa, nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú. Nguyễn Ngọc Trầm (Q. 7, TP. HCM) chia sẻ: “Mỗi khi lên lớp tụi mình được khuyến khích mặc những chiếc áo dài xưa, khiến cho bầu không khí của lớp học mang đậm vẻ đẹp truyền thống. Cảm giác như là tụi mình được quay về thời quá khứ, hòa mình vào cuộc sống của người Nam Bộ xưa”.
Mong muốn lan tỏa và tiếp cận với thế hệ trẻ
Là một người đam mê và yêu thích văn hoá Việt Nam, trước đây, anh Tính luôn trăn trở việc làm sao để mang văn hoá, phong tục tập quán truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Anh đã dành khoảng thời gian dài để nghiên cứu và viết sách với những chủ đề ấn tượng như: Nam Phương Hoàng hậu, Ngự tiền quan án... và sáng lập nên Đại Nam hội quán. Sau nhiều năm, anh nhận thấy việc mở lớp học “Cổ Lệ” là điều cần thiết để các bạn trẻ có thể tiếp cận gần hơn với văn hoá lịch sử.
Không chỉ học lý thuyết, các bạn trẻ sẽ được tham gia điền dã và các buổi học ngoài trời. |
“Để cho mọi người có được niềm yêu thương về văn hoá Việt Nam, niềm yêu thương về văn hoá dân tộc, thì chúng ta phải có những buổi tiếp xúc cộng đồng, những buổi truyền trao cho nhiều bạn trẻ hoặc những người quan tâm đến văn hoá. Để họ có được cái địa chỉ để quay về cũng như là có được niềm tin là những giá trị này vẫn còn tồn tại, vẫn còn được truyền lưu qua nhiều thế hệ”, anh Lương Hoài Trọng Tính nói.
Anh Tính cho biết thêm, sau những các buổi học, sẽ có những buổi điền dã cho mọi người về các địa phương. Điều này khiến mọi người có thêm những kiến thức sâu hơn về địa phương đó, tận mắt ngắm nhìn các công trình kiến trúc, thu thập thêm tài liệu về văn hoá, xã hội, về cộng đồng để bổ sung vào tư liệu của mình.
Anh Lương Hoài Trọng Tính - người trực tiếp giảng dạy tại lớp học "Cổ Lệ". |
Trong tương lai, lớp học “Cổ Lệ” sẽ tiếp mở rộng quy mô hoạt động. Ngoài ra, lớp học còn tổ chức nhiều thêm những hoạt động thực tế về cách làm những sản phẩm thủ công truyền thống và những buổi tham quan các công trình đình, chùa trên địa bàn thành phố nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung.
Lớp học thu hút rất đông các bạn trẻ tại TP. HCM. |
Để lớp học được nhiều người biết đến hơn, anh Trọng Tính cũng dự định sẽ chia sẻ các thông tin của lớp trên các trang mạng xã hội, sáng tạo nên những buổi chuyên đề ngắn trực tuyến để có thể phù hợp hơn với những bạn không có thời gian theo đuổi lớp học lâu dài.