Nữ sinh trường Báo với niềm đam mê chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Hồ Huyền Nga (năm thứ ba, ngành Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng được yêu mến với nickname 'Chị Vịt dạy Văn', chia sẻ rất nhiều kiến thức thú vị về cách học Văn trên trang 'Phố cũ văn chương'. Mới đây, Nga tiếp tục thể hiện niềm đam mê làm nội dung trên mạng xã hội khi cho ra mắt blog 'Nhà Nga' - nơi chia sẻ về hành trình học và làm của một sinh viên Truyền thông.

Bước khỏi vùng an toàn ở tuổi 20

Rất thành công với việc chia sẻ các nội dung về văn học khi thu về hơn 20.000 người theo dõi nhưng Huyền Nga vẫn quyết định chuyển hướng nội dung của fanpage ở tuổi 20. Chia sẻ về lý do có sự thay đổi ấy, Nga bộc bạch: “Lúc mới lập blog Phố cũ văn chương, mình là một cô học sinh chuyên Văn. Mục đích duy nhất của mình khi đó là để chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh có niềm đam mê với văn chương, những kiến thức mà mình đã học được trong 3 năm THPT. Rất may mắn là nội dung của mình được mọi người yêu thương, đón nhận. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm cuộc sống đại học, mình nhận ra thêm rất nhiều điều về bản thân, mình không còn muốn bó hẹp nội dung mình chia sẻ là văn chương, mà rộng hơn, mình muốn đem đến cái nhìn chân thực về hành trình học và làm của một sinh viên ngành Truyền thông, đang từ từ tìm hiểu, khám phá chính mình”.

Nữ sinh trường Báo với niềm đam mê chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội ảnh 1
Trang blog chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Huyền Nga được đón nhận với 22. 000 người theo dõi.

Là một gen Z điển hình, Nga hiểu rằng, ở độ tuổi 20, việc thử sức để biết mình thực sự phù hợp với lĩnh vực nào, xác định định hướng trong tương lai là vô cùng cần thiết nhưng đây lại không phải điều dễ dàng, nếu như thiếu đi người dẫn dắt và tinh thần “bước ra khỏi vùng an toàn” để trải nghiệm. “Dự án ra đời, như một cách để mình nhắc nhở bản thân cần luôn luôn học hỏi và cũng là "cuốn nhật ký tuổi 20", ghi lại cách mình nhìn nhận về bản thân trên con đường đang đi”, Huyền Nga tâm sự.

Lấy tinh thần “Tự nhiên như ở nhà”, blog Nhà Nga chia sẻ những câu chuyện gần gũi, đời thường nhưng vẫn lồng ghép rất nhiều bài học kinh nghiệm và kiến thức về truyền thông, hoạt động ngoại khóa… do chính Huyền Nga đúc rút được trên hành trình “tập lớn” của mình. Đặc biệt, Nga còn đầu tư phát triển một chuỗi talkshow với sự góp mặt của nhiều khách mời chất lượng để chia sẻ sâu hơn về các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho sinh viên. Chính sự đầu tư một cách chỉn chu đã giúp Nhà Nga ngày càng được yêu mến và đón nhận.

Nữ sinh trường Báo với niềm đam mê chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội ảnh 2
Blog Nhà Nga là đứa con tinh thần mà Huyền Nga đặt rất nhiều tâm huyết để phát triển.

Sáng tạo là hành trình tự chiêm nghiệm

Xuyên suốt hành trình 3 năm làm nội dung, Huyền Nga đã cùng blog trưởng thành và phát triển qua từng giai đoạn. Nhưng có lẽ, bài học lớn mà cô bạn tâm đắc nhất là hiểu được: “Sáng tạo là hành trình tự chiêm nghiệm”. Chủ nhân của Nhà Nga chia sẻ: “Trước đây, mình từng nghĩ, sáng tạo là năng khiếu; là phải làm một điều gì đó hoàn toàn khác biệt, đôi khi là khác người. Nhưng hóa ra, điều này chưa hẳn đúng! Với mình, sáng tạo là hành trình mình tự chiêm nghiệm về bản thân, con người và cuộc sống xung quanh. Những kinh nghiệm từ thực tế, trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại, đều là chất liệu tuyệt vời để mình sáng tạo. Đôi khi, những ý tưởng tuyệt vời đến từ một vài khoảnh khắc "nhỏ xíu" trong thực tế, hay đến từ những câu chuyện rất đỗi đời thường. Nói cách khác, mình vừa sáng tạo, vừa liên tục học để sáng tạo”.

Với Nga, truyền thông là một thế giới muôn màu, ẩn chứa nhiều điều thú vị và thích hợp dành cho những người thực sự dám dấn thân. Chính sở thích khám phá cái mới và cá tính có phần "ngông" đã thôi thúc Nga liên tục thử sức ở nhiều mảng đề tài khác nhau: “Mình lựa chọn va vấp, học hỏi, tích lũy trải nghiệm thực tế để trưởng thành, thất bại và lớn lên. Con đường này vốn dĩ không hề dễ dàng, nhưng mình tin rằng sẽ có nhiều điều hấp dẫn và đầy ý nghĩa đang chờ đón”.

Nữ sinh trường Báo với niềm đam mê chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội ảnh 3
Từ blog cá nhân, Nga có thêm nhiều cơ hội quý giá.

Trên tinh thần ấy, đam mê cũng đã mang lại cho Nga những cơ hội mới và những “trái ngọt” đầu tiên. Cụ thể: “Sau khi phát triển Nhà Nga, mình đã có cơ duyên được kết nối với nhiều anh chị, bè bạn có cùng đam mê trong lĩnh vực truyền thông, marketing. Mới đây, mình cũng nhận được lời mời trở thành giám khảo cho một cuộc thi và tham gia với nhiều vai trò hơn trong các dự án cộng đồng. Điều này khiến mình rất vui, hạnh phúc vì có thể cùng kiến tạo nhiều giá trị có ích”.

Trong tương lai gần, điều Nga mong muốn nhất là hoàn thành chương trình học và các chương trình thực tập tốt, sau đó, tập trung trải nghiệm ở môi trường làm việc thực tế để tích lũy kinh nghiệm: “Mình hiểu rằng, muốn chia sẻ được những điều có ích thì cần có trải nghiệm thực tế chất lượng. Vậy nên, mình sẽ luôn đảm bảo việc học và làm nghiêm túc, song song với việc sáng tạo nội dung, như một cách để mình nâng cao kĩ năng và kết nối với thế giới bên ngoài. Trong tâm tư của một cô gái 20 tuổi như mình, có rất nhiều ước mơ và hoài bão đang thôi thúc mỗi ngày. Mình hy vọng rằng, trên hành trình tương lai của mình và Nhà Nga, vẫn sẽ có sự đồng hành, yêu thương của mọi người”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Viết sách kỹ năng khó hay dễ?

Viết sách kỹ năng khó hay dễ?

SVVN - Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong - được mời chia sẻ trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam về chủ đề sách kỹ năng ở Việt Nam. Anh cũng là chuyên gia tư vấn xuất bản sách uy tín từ gần 10 năm nay. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam xin trích đăng một số nội dung trả lời của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tại buổi ghi hình chương trình.
Du học song ngành tại Mỹ, nam sinh Việt chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ đặc biệt nhất

Du học song ngành tại Mỹ, nam sinh Việt chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ đặc biệt nhất

SVVN - Hứa Nhật Thạnh (năm thứ tư, học song ngành Toán học/ Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị, trường ĐH Columbia, Mỹ) ngoài thành tích học tập ấn tượng, Nhật Thạnh từng là thực tập sinh tại ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall, đồng thời tích cực tham gia các dự án xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

SVVN - Với mái tóc ngắn nhuộm nổi bật, Hoài Thu là cô gái ngành kỹ thuật đam mê học hỏi, khám phá và không ngừng tiến bộ. Chỉ trong ba năm đại học, nữ sinh USTH hoàn thành 180 tín chỉ, học thêm tiếng Pháp, đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ, đi trao đổi và thực tập tại Ý, trước khi giành học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus.
500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

SVVN - Đồng diễn, xếp chữ, xếp cờ hoa chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 là hoạt động truyền thống hằng năm của các bạn học sinh tại Hải Hậu, Nam Định - một trong những địa phương 'ăn Tết Độc lập' lớn nhất cả nước với nhiều hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ quần chúng sôi nổi cả tháng.
Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

SVVN - Ngày Quốc khánh 2/9 từ lâu đã trở thành một biểu tượng lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường và đoàn kết dân tộc. Đây là ngày để tưởng nhớ sự kiện trọng đại của đất nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua góc nhìn của thế hệ trẻ ngày nay, ngày lễ vừa là cột mốc lịch sử, vừa là dịp để họ khám phá, thể hiện tình yêu quê hương theo cách riêng.