Coi đây là cơ hội “học nghề thực sự"
Với dáng người nhỏ nhắn, nhưng Kim Phường luôn hoàn thành tốt những công việc được thầy, cô và tổ y tế giao. Vì là sinh viên năm cuối nên kiến thức y khoa của Kim Phường giúp ích rất nhiều trong công việc phòng, chống dịch. Kim Phường từng đảm nhận những công việc như: Điều phối, dán code, lấy mẫu, nhập liệu...
Địa bàn hoạt động của nữ tình nguyện viên này cũng rất linh động, khi thì hoạt động ở các quận trung tâm, có lúc thì được điều về lấy mẫu cố định ở quận 5. Gần đây, khoa của Kim Phường đưa ra mô hình đội phản ứng nhanh nên Phường và các bạn của mình cũng thường xuyên phải đi đến tận nhà những ca bệnh để lấy mẫu và điều trị.
Kim Phường chia sẻ: “Mỗi khi điện thoại báo có bệnh nhân cần cấp cứu, mình và các bạn trong tổ y tế sẽ chia nhau đi đến nhà bệnh nhân để đánh giá tình trạng ban đầu, xử trí cấp cứu tại chỗ nếu cần, sau đó xem xét chuyển bệnh nhân về trung tâm để sơ cấp cứu tiếp. Số lượng nhân lực khá ít nên việc gì bọn mình cũng làm. Từ công việc của hộ lý, điều dưỡng đến bác sĩ, đều được các thầy cô tận tình chỉ dạy để có thể chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân của mình”.
Dù khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ nữ tình nguyện viên nhỏ nhắn này có ý nghĩ lùi bước. Kim Phường xem đây là cơ hội để rèn luyện chuyên môn cho bản thân cũng như tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường. “Ban đầu mình cũng thấy sợ khi chứng kiến nhiều ca bệnh nặng, nhưng với sự chỉ dẫn của thầy cô và y đức của người bác sĩ, mình xem đây là động lực thúc đẩy bản thân nỗ lực để cứu được nhiều người hơn nữa. Mô hình của trung tâm lấy mẫu được các thầy cô trường ĐH Y Dược TP. HCM thiết kế rất bài bản. Tụi mình luôn nhắc nhở lẫn nhau phải tuân thủ quy tắc "5K" và học hỏi những sáng kiến hay để phòng, chống dịch. Với những cách làm đó, mặc dù phải tiếp xúc F0 mỗi ngày nhưng mình vẫn cảm thấy an toàn”, Kim Phường bộc bạch.
Nữ tình nguyện viên luôn hết lòng với công việc chống dịch.(Ảnh NVCC) |
Trong quá trình làm việc, không ít lần Kim Phường chứng kiến những ca bệnh mà người nhà báo quá trễ hoặc báo sai biểu hiện khiến tình trạng bệnh trở nặng, những lúc đó nữ tình nguyện viên này chỉ biết cố gắng hết sức và nhờ sự hướng dẫn của thầy, cô để cứu bệnh nhân. Qua những ca bệnh như vậy, Kim Phường càng trưởng thành hơn. Theo cô bạn những lời cảm ơn từ bệnh nhân chính là liều vắc xin tinh thần hiệu quả nhất cho các y, bác sĩ trong lúc này.
Không muốn làm “hậu phương” lo lắng
Luôn xung kích nơi tuyến đầu chống dịch, nhưng ít ai biết được gia đình của Kim Phường ở Long An không biết việc chị ở con gái ở lại để thành phố chống dịch. Kim Phường chia sẻ thêm: “Dù biết ba mẹ sẽ luôn ủng hộ nhưng mình vẫn giấu kín việc đi tình nguyện chống dịch vì sợ cả nhà sẽ lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Phùng Thị Kim Phường (phải) chia sẻ: "Là sinh viên ngành y thì phải luôn hết mình với công việc". |
Theo Kim Phường nếu đã chọn nghề y phải chịu được gian nan, vất vả nhất là việc phải thường xuyên xa gia đình. Ngoài ra, tiếp xúc với xã hội nhiều, Phường biết được nhiều cách đối nhân xử thế hơn. Nhất là có thể rèn luyện cho bản thân dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng có thể kiên trì và kiên cường vượt qua.
Nói về những dự định sắp tới, nữ tình nguyện viên chia sẻ: “Trước mắt, mình sẽ nỗ lực hết sức để cùng TP. HCM vượt qua được đợt dịch lần này. Sau đó sẽ đi thẳng về nhà với gia đình và kể cho ba mẹ nghe tất cả những gì đã làm trong thời gian qua, để ba mẹ có thể tự hào và tin tưởng về con gái”.