Tháng 10 vừa qua, Thanh Mai, với tư cách là một đại biểu Việt Nam, cùng 3 sinh viên khác đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tham gia chương trình BRICS International School tại Moscow, Nga. BRICS International School (BRICS IS) là một chương trình khoa học và giáo dục ngắn hạn, được thiết kế riêng nhằm đào tạo các chuyên gia trẻ chuyên về các nghiên cứu liên quan đến BRICS trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo cùng với các lĩnh vực tương tác và hợp tác khác giữa các quốc gia thành viên BRICS.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự BRICS IS. |
Chia sẻ về trải nghiệm đặc biệt của mình, Thanh Mai cho biết: “Nghị trình cuộc họp trải dài từ 9 giờ sáng đến 6 giờ 30 phút chiều trong 3 ngày. Khi tham gia chương trình, các đại biểu được gặp mặt Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và được thảo luận cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động của BRICS.”
“Những bài chia sẻ của các diễn giả giống như một cuốn sách rất cô đọng. Các vấn đề được đề cập bao gồm giá trị của khối BRICS trong các mặt như chính trị, truyền thông, công nghệ AI, công nghệ vũ trụ. Mình thực sự đã học được rất nhiều thứ mà trước đây không thể tìm thấy trên các phương tiện truyền thông hay công cụ tìm kiếm như Google” - nữ sinh hào hứng kể lại.
Thanh Mai vô cùng chăm chú lắng nghe bài chia sẻ của các diễn giả. |
Cô cảm thấy vô cùng hứng thú khi được tiếp cận với nhiều góc nhìn khác biệt của các giáo sư, giám đốc các trung tâm/ viện thuộc Trường Đại học Kinh tế Cao cấp (HSE), Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow, Liên Bang Nga cũng như các trường đại học lớn khác của các nước trong khối BRICS. Thanh Mai tâm sự: “Mình đã ghi chép kín cuốn sổ tay, đặt rất nhiều câu hỏi trong các phiên thảo luận và mang về được nguồn thông tin to lớn, quan trọng cho hành trình nghiên cứu học thuật của mình.”
Nữ sinh phát biểu ý kiến tại hội nghị BRICS IS. |
Nữ sinh hạnh phúc chia sẻ: “Tại BRICS IS, mình đã có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên đến từ nhiều trường đại học nổi tiếng của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…Đồng thời, ngoài khuôn khổ chương trình, mình cũng được gặp gỡ cô Mai Nguyễn Tuyết Hoa - Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cùng với các bạn du học sinh Việt Nam tại Moscow.”
Thanh Mai giao lưu cùng các đại diện khác đến từ các nước trong khối BRICS. |
Quá trình đăng ký tham gia BRICS IS của Thanh Mai cũng rất tình cờ. Nữ sinh cho biết: “Mình có thói quen lên các trang mạng xã hội công việc như LinkedIn để tìm kiếm các tạp chí mở nhận đăng bài nghiên cứu hoặc các hội nghị trong nước và quốc tế. Từ đó, mình biết đến và tìm hiểu về BRICS IS nhưng thông tin về chương trình khá ít ỏi. Đồng thời, mình cũng khá lo lắng về việc mình không có đủ kỹ năng nghiên cứu, viết bài và có thể hội nghị không nhận sinh viên Việt Nam do Việt Nam không nằm trong khối BRICS.”
“Trong quá trình chọn đề tài và viết bài, mình gặp rất nhiều trở ngại do lịch học, đồng thời tham gia khóa huấn luyện quân sự. Mình viết bài trong thời gian gấp gáp và tài liệu nghiên cứu không nhiều. Khi nhận được cuộc điện thoại đầu +7 từ Nga thông báo rằng mình đã được chọn tham gia chương trình, mình rất vui mừng và lo lắng, vì mình chưa bao giờ bay đến một quốc gia khác” - Thanh Mai nhớ lại.
Thanh Mai chụp ảnh tại phố Nikolskaya, Moscow, Liên bang Nga. |
Nhìn lại hành trình tự học, tự tìm hiểu về nghiên cứu của mình, Thanh Mai thấy nó bắt đầu một cách khá tự nhiên. Trước tiên, cô đã tự học IELTS để tạo bước đệm cho những năm tháng đại học. Nữ sinh tăng cường tiếp xúc với tiếng Anh, gần như là “ăn ngủ” chỉ có sử dụng tiếng Anh.
Thanh Mai cũng chia sẻ bí quyết để tự học IELTS và đạt được kết quả cao: “Mình đã đăng ký các kênh phim tài liệu nổi tiếng trên YouTube như DW Documentary của Đức, hoặc các podcast về lịch sử, khảo cổ, khám phá thế giới như National Geographic. Khi làm đề IELTS cảm thấy mệt và cần nghỉ ngơi, giải trí, mình sẽ xem các kênh YouTube ‘nhẹ nhàng’ hơn như du lịch châu Âu, hoặc các show giải trí, nấu ăn, làm đẹp khác để ‘học mà chơi, chơi mà học’ - vẫn học tiếng Anh dù trong thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, mình có thể giải trí thông qua đọc tiểu thuyết, truyện tranh, thậm chí lướt mạng xã hội, miễn là nội dung được truyền tải bằng tiếng Anh.”
Đối với kỹ năng nói, viết, Thanh Mai nhận ra: “Để giỏi tiếng Anh, cần phải thực sự cầm bút viết bài thật nhiều và cần phải mở miệng nói thật nhiều. Không có cuốn sách nào dạy nói, viết tốt hơn thực sự bắt tay vào luyện nói và luyện viết, bởi nghe và đọc chỉ có thể giúp nhận biết và ghi nhớ kiến thức, từ vựng một cách thụ động, còn chúng ta cần khả năng vận dụng các từ vựng đó để có thể viết tốt và nói tốt.”
Thanh Mai rạng rỡ trong chuyến đi tới Moscow vừa qua. |
Khi đã đạt 8.0 IELTS, Thanh Mai cũng nhận dạy kèm cho các bạn học sinh khác để không quên kiến thức, đồng thời biết cách truyền tải những kiến thức phức tạp trong đầu thành những câu từ đơn giản, dễ hiểu cho học sinh ở cấp độ khác nhau. Việc đi dạy tiếng Anh đã giúp nữ sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, diễn đạt tốt để làm bước đệm cho quá trình tham gia hội nghị, tọa đàm sau này ở bậc đại học.
Thanh Mai (ngoài cùng bên phải, áo đen) tham gia rất nhiều tọa đàm khác nhau để học tập, nghiên cứu. |
Thanh Mai bắt đầu biết đến hoạt động hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc khi trở thành sinh viên năm nhất Học viện Ngoại giao và trong suốt năm đầu tiên của đại học, cô gái trẻ đã tham gia gần 10 hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc trên khắp Hà Nội và trường chuyên các tỉnh miền Bắc.
Năm 2, nữ sinh bắt đầu có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động mô phỏng Liên hợp quốc, từ đó nhận được trọng trách trở thành Chủ toạ của các hội nghị này. Đây là cơ hội để cô bạn được tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề quốc tế, về luật nghị trình của các phiên họp trong Liên hợp quốc hoặc nghị viện Vương quốc Anh.
Thanh Mai tại một hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc. |
Trong thời gian theo học năm 3, Thanh Mai đang hướng tới việc đóng góp các bài nghiên cứu cá nhân cho nhóm Nghiên cứu về Hoà bình và An ninh quốc tế do các sinh viên vận hành và viết bài, đồng thời nộp các nghiên cứu của mình cho các tạp chí nghiên cứu hoặc các hội nghị quốc tế. Hiện tại cô cũng đang là sinh viên thực tập tại Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei Darussalam, với các công việc như viết nghiên cứu cá nhân, đồng thời tham gia viết Bản tin Kinh tế hàng tháng và sản phẩm được gửi cho các bên quan trọng như Vụ thuộc các Bộ, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh và các Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ảnh: NVCC
Một số thành tích nổi bật:
- IELTS 8.0
- Founder Nhóm Nghiên cứu về Hoà bình và An ninh Quốc tế (GRIPS)
- Tác giả bài nghiên cứu Hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học lần 3 của Khoa Luật quốc tế
- Thực tập sinh Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei Darussalam
- Trưởng ban nội dung tại Hải Phòng Model United Nations - CLB Mô phỏng Liên hợp quốc thành phố Hải Phòng
- Đại biểu Việt Nam tại chương trình BRICS International School