Vũ Thị Thùy từng là sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Ngay khi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình, Thùy bộc bạch rằng bản thân cô từ rất lâu đã tâm đắc một câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, muốn thành công được đôi khi không chỉ cần sự cần cù, chăm chỉ mà còn cần cả những ý tưởng sáng tạo, sự thách thức của cuộc sống để con người vượt qua bằng nghị lực, bản lĩnh, niềm đam mê và khát khao cháy bỏng giữa cuộc đời.
Trái ngược với tuổi trẻ và vẻ ngoài xinh xắn hồn nhiên của cô gái 21 tuổi chính là những suy nghĩ chín chắn, sự kiên cường sau những năm tháng phấn đấu không ngừng của mình. Thùy xúc động chia sẻ về câu chuyện của bản thân, không may mắn như các bạn cùng trang lứa, Thùy sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Tuyên Quang. Gia đình Thùy là gia đình thuần nông, cuộc sống bấp bênh mùa vụ.
Khi lên 3 tuổi, bố Thùy bị bệnh nặng càng khiến cho gia đình thêm điêu đứng. Thùy nghẹn ngào kể: “Mình nhớ lúc đó nhà có mỗi chiếc xe máy cũ nát là giá trị nhất để đưa bố đi chạy chữa bệnh. Khi đó mẹ mình đã phải làm việc rất nhiều, vay tiền chạy chữa cho bố.
Đến năm 2010 bệnh tình của bố ngày một nặng hơn và khi đó tháng nào mẹ cũng phải đưa bố về Hà Nội chữa bệnh. Trong thời gian đó anh trai và mình ở nhà thay nhau chăm sóc cho em trai nhỏ và làm việc nhà phụ bố mẹ: sáng đi học, chiều về chăn trâu, đi cày, đi cấy, nấu cám lợn, cho gà ăn, đi lấy củi, chăn trâu...”
Một biến cố lớn đã xảy ra khi Thùy 13 tuổi, sau nhiều năm tháng chống chọi với bệnh tật, bố của Thùy qua đời... Thùy không giấu nổi xúc động kể lại: “Lúc đó mình như một đứa trẻ, bố đã dặn rằng sau này khi lớn lên phải sống thật tốt. Hãy trao đi thật nhiều yêu thương để nhận lại yêu thương và cố gắng đi theo con đường mà con luôn mong muốn.”
Kể từ giây phút ấy, cô gái nhỏ đã luôn phấn đấu và nỗ lực học tập tốt, tham gia thêm các hoạt động của trường cũng như các hoạt động của xã để góp phần chia sẻ với những mảnh đời khó khăn hơn.
Thời điểm học xong lớp 12, Thùy nhớ lại lời dặn của bố, bắt đầu nghĩ về những giấc mơ của bản thân và chập chững những bước đầu tiên trên hành trình định hình tương lai của chính mình. Thùy quyết định xin mẹ cho đi học thanh nhạc dưới Hà Nội và nhận được sự đồng ý của cả gia đình.
Bắt đầu cuộc hành trình của mình ở Hà Nội, Thùy vừa làm thêm vừa học tại những trung tâm đào tạo để có đủ kiến thức và khả năng thi vào trường. Không phụ lòng mong đợi, sau hơn 1 năm ôn luyện cô gái nhỏ đã thi đỗ được vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Cánh cửa tươi đẹp đến với ước mơ vừa mới rộng mở ngay trước mắt thì sau một thời gian học, cổ họng Thùy bị đau và không thể hát được nữa. Nhớ lại quãng thời gian đó, Thùy kể rằng bản thân cô đã stress rất nhiều, không muốn ăn và không thể ngủ được. Cô gái mạnh mẽ một lần nữa không thể ngăn nước mắt khi khó khăn lại ập đến bất ngờ. Với Thùy “Nếu mình không thể hát nữa thì coi như mình đã chết.”
Thời gian này, Thùy buộc phải dừng lại việc học, cô bắt đầu đi làm thêm và học hỏi nhiều kĩ năng sống bên ngoài. Thùy tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và vẫn không quên trau dồi thêm kiến thức cũng như giọng hát của mình. Ngoài ra thời gian rảnh cũng đi làm từ thiện, giúp đỡ những người gặp khó khăn hơn mình.
Những nỗ lực rồi cũng sẽ đến ngày đơm hoa, hiện tại sức khỏe Thùy đã ổn định hơn, Thùy bắt đầu tập trung chuẩn bị cho những sảm phẩm âm nhạc mới cho riêng mình chứ không chỉ dừng lại ở những bài hát cover trên trang cá nhân nữa.
“Đối với mình, thành công nhất là đạt được ước mơ, là sống đầy đủ về tinh thần và vật chất, là nhận được những gì mình muốn, được sống hạnh phúc, vui vẻ, mở lòng với thế giới, có ích cho xã hội. Đó chính là mục đích cao quý, đích đến cuối cùng của con người trong đời…”
Chúc cho cô gái nhỏ nhưng đầy nghị lực Vũ Thị Thùy sẽ luôn tiến bước và theo đuổi con đường ca hát của mình.