Trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ hôm 13/5, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, đã làm sáng tỏ về thông tin “môn Lịch sử bị đưa ra khỏi chương trình học bắt buộc ở bậc THPT”.
Trước những bức xúc, lo lắng của cử tri, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, nói “bỏ môn Lịch sử” là cách diễn đạt gây hiểu nhầm. Ông Võ Văn Thưởng cho biết, không chỉ cử tri bức xúc, nhiều lãnh đạo cấp cao khi nghe cách diễn đạt này cũng băn khoăn và yêu cầu rà soát lại.
Ông Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri tại TP. Đà Nẵng ngày 13/5. Ảnh: Báo Người Lao Động |
Ông Võ Văn Thưởng cho biết, đã đề nghị các cán bộ trong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hệ thống lại số tiết, thời gian, học Lịch sử theo chương trình mới với chương trình cũ xem chênh lệch như thế nào. Theo đó, tài liệu nghiên cứu chỉ ra nếu học sinh theo hướng không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở chương trình THPT thì số tiết dạy môn này vẫn nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ. Còn với việc tự chọn môn Lịch sử thì số tiết học nhiều hơn 176 tiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục mới còn có những môn học khác như Quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về địa phương cũng liên quan nhiều tới Lịch sử.
Theo ông Võ Văn Thưởng, việc giáo dục THPT ở các nước đã được phân luồng và định hướng nghề nghiệp rất sâu. Do đó, ở cấp học THCS phải giải quyết cơ bản nội dung môn học Lịch sử. Dù cho cấp THPT có bắt buộc môn này hay không thì nội dung giáo dục Lịch sử cũng tương đối nhiều. Vấn đề ở đây là cách diễn đạt gây hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn Lịch sử ở cấp THPT khiến người dân lo lắng.
“Tôi thấy, có một cách nói, cách diễn đạt là bỏ môn Lịch sử ra ngoài môn học bắt buộc, hay môn học Lịch sử không còn là môn học bắt buộc thì tôi nghe cũng không đồng tình. Ở đây, không chỉ cử tri bức xúc đâu, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm về chuyện này. Tôi cũng có chỉ đạo Ban Tuyên giáo nghiên cứu rà soát cùng Ban Cán sự Đảng Bộ GD - ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nghiên cứu đánh giá lại cho thật kỹ, công bố số liệu để nhân dân cả nước biết. Trung ương cũng đang chỉ đạo để rà soát, xem xét làm rõ lại...", ông Võ Văn Thưởng nói.