Khi "cô nàng mít ướt" trở thành thần tượng mới của Gen Z
Từ khi xuất hiện, Crybaby – dòng búp bê nghệ thuật mô phỏng biểu cảm khóc độc đáo đã nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ thiết kế đặc biệt. Với đôi mắt long lanh đẫm lệ, miệng phụng phịu, và dáng vẻ nhỏ nhắn, Crybaby không chỉ gây ấn tượng mà còn tạo cảm giác vừa thương vừa... buồn cười. Điều này khiến món đồ chơi này trở nên khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm art toy khác trên thị trường hiện nay.
Vẻ ngoài đáng yêu pha chút nũng nịu của Crybaby khiến bạn trẻ "tan chảy". (Ảnh: Facebook POPMART) |
Nguyễn Thanh Mai (21 tuổi, Đà Nẵng), một sinh viên đam mê sưu tầm đồ chơi nghệ thuật, chia sẻ: "Mình bị cuốn hút ngay từ lần đầu nhìn thấy Crybaby trên Instagram. Nó vừa đáng yêu lại vừa mang chút gì đó rất riêng, như một nhân vật biết kể câu chuyện của chính mình vậy."
Khác với vẻ ngoài ngộ nghĩnh của Labubu hay sự tươi sáng của Baby Three, Crybaby phảng phất chút "drama" nhẹ nhàng nhưng gần gũi, đáng yêu. Những giọt nước mắt của Crybaby không chỉ là chi tiết thẩm mỹ mà còn là điểm nhấn khơi gợi cảm xúc từ người sưu tập.
Không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ, Crybaby nhanh chóng trở thành biểu tượng thể hiện cá tính của giới trẻ. Từ ba lô, túi xách, cho đến ốp điện thoại hay bình nước, hình ảnh Crybaby xuất hiện ở khắp mọi nơi, biến hình tượng "cô nàng mít ướt" này trở thành một "fashion statement" (tuyên ngôn thời trang) mới của Gen Z.
Giống như Labubu và Baby Three, Crybaby trở thành vật đi kèm đắt giá trên túi xách. Thậm chí còn có mẫu ba lô mang hình dáng Crybaby. (Ảnh: Facebook POPMART) |
Nguyễn Minh Khoa (23 tuổi, Hà Nội), hiện đang làm trong lĩnh nhà thiết kế đồ họa, cho biết: "Crybaby không chỉ là món đồ chơi mà còn là cách mình thể hiện phong cách. Mình hay dùng hình ảnh Crybaby để trang trí không gian làm việc, nhìn nó rất dễ thương và giúp mình thư giãn giữa những giờ làm việc căng thẳng."
Sức hút của Crybaby còn đến từ sự đa dạng trong thiết kế. Búp bê được tạo hình thành nhiều nhân vật như thỏ hồng, gấu nâu, ong vàng, phù hợp với mọi sở thích. Những phiên bản giới hạn, đặc biệt là các mẫu chỉ sản xuất theo mùa, lại càng khiến người hâm mộ trẻ "phát cuồng".
Một trong những yếu tố tạo nên cơn sốt Crybaby chính là trải nghiệm "blind box" (hộp mù), khi người mua chỉ biết được nội dung bên trong khi mở ra. Đây là cách mà các thương hiệu art toy như PopMart giữ chân khách hàng, khiến những nhà sưu tầm trẻ không ngừng tìm kiếm để hoàn thiện bộ sưu tập của mình.
Bạn trẻ "săn lùng" Crybaby. (Ảnh: POPMART VN OFFICIAL GROUP) |
Tại một trung tâm thương mại lớn tọa lạc ở quận Tây Hồ, Hà Nội, không khó để thấy từng hàng dài người xếp hàng từ cổng cho đến sảnh chính tầng 1 để chờ đợi vào cửa hàng pop-up mua sắm Crybaby. Trần Hoài An (20 tuổi, Hà Nội) kể: "Mình đã xếp hàng từ 7 giờ sáng ở trung tâm thương mại để săn Crybaby mới ra mắt. Cảm giác hồi hộp khi mở hộp và tìm thấy nhân vật mình thích thật sự rất thú vị, giống như nhận được món quà bất ngờ."
Người xếp hàng đông đúc nhưng nguồn cung hạn chế khiến món đồ chơi này bị đội giá lên cao suốt nhiều ngày qua. Tuy vậy, những "dân chơi" sưu tầm Crybaby không ngại chi tiền để sở hữu các mẫu hiếm, mẫu giới hạn. Có những phiên bản giới hạn được bán lại với giá lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng điều này không làm giảm sức hút của Crybaby trong cộng đồng sưu tập.
Một trong những lý do khiến Crybaby trở nên đắt đỏ và khó sở hữu chính là chính sách bán hàng tại các cửa hàng chính hãng, Pop-up. Nếu khách hàng muốn mua một thùng nguyên tem gồm 6 hộp Crybaby thì cần chi trả thêm 500.000 đồng cho các sản phẩm khác tại quầy hoặc dẫn theo ít nhất 3 người đi cùng để đủ điều kiện mua.
Điều này đã tạo ra một cuộc "săn lùng" Crybaby trong cộng đồng người yêu thích đồ chơi nghệ thuật. Nguyễn Mai Anh (19 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: "Mình phải rủ thêm bạn bè đến trung tâm thương mại chỉ để đủ điều kiện mua một thùng. Dù hơi phiền nhưng cảm giác được cầm nguyên bộ Crybaby vẫn rất đáng."
Ngoài ra, những mẫu Crybaby hiếm và độc lạ đang được rao bán trên các hội nhóm với mức giá chênh lệch gấp 2-3 lần so với giá niêm yết. Ví dụ, phiên bản thỏ hồng hoặc gấu nâu có giá chính hãng khoảng 490.000 đồng, nhưng trên thị trường chợ đen, những "em" Crybaby này lại được rao bán từ 600.000 đến 1,2 triệu đồng mỗi hộp.
Chính điều này khiến Crybaby không chỉ là một món đồ chơi mà còn trở thành "kho báu" để kinh doanh. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng xếp hàng, chen chúc để tìm được mẫu độc lạ, sau đó bán lại với giá cao. Trần Bảo Khang (24 tuổi, Hà Nội) – một người bán Crybaby tự do – chia sẻ: "Mình kiếm được hơn 10 triệu đồng mỗi tháng nhờ săn và bán lại các phiên bản Crybaby hiếm. Nhiều khách hàng không ngại trả thêm tiền chỉ để sở hữu món đồ mà họ yêu thích."
Cẩn thận trước khi "xuống" tiền
Theo chuyên gia tâm lý/ khoa học thần kinh, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Hoa Kỳ, sự hấp dẫn của những món đồ chơi "blind box" như Crybaby nằm ở yếu tố bất ngờ, đó là một chiến lược tâm lý rất thành công của người bán hàng.
Thạc sĩ giải thích: “Khi người tiêu dùng mở hộp mà chưa biết bên trong là gì, họ sẽ trải qua cảm giác phấn khích và hồi hộp, kích thích dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hài lòng. Đây cũng là lý do mà những trò chơi may rủi hay các ứng dụng quay thưởng cũng rất thành công.”
Hiện tượng bạn trẻ xếp hàng "săn" Crybaby là một biểu hiện điển hình của tâm lý FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ) của người trẻ. (Ảnh: POPMART VN OFFICIAL GROUP) |
Ngoài ra, ông cho biết hiện tượng Crybaby là một biểu hiện điển hình của tâm lý FOMO (Fear of Missing Out – nỗi sợ bỏ lỡ) của người trẻ.
"Người trẻ ngày nay thường lo sợ mình sẽ thua thiệt nếu không bắt kịp xu hướng, hoặc không sở hữu những sản phẩm giới hạn mà bạn bè mình đã có. Điều này khiến Gen Z sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để săn lùng các phiên bản hiếm của Crybaby," ông nói.
Tâm lý này càng được đẩy mạnh khi các chiến dịch tiếp thị của nhà sản xuất thường kết hợp yếu tố khan hiếm với các đợt mở bán giới hạn. Việc phải xếp hàng dài hoặc cạnh tranh để mua sản phẩm càng làm tăng giá trị cảm nhận của món đồ, dù thực tế giá trị thực tế có thể không tương xứng. "Chính cảm giác đặc biệt khi sở hữu một thứ hiếm có đã khiến nhiều người rơi vào vòng lặp mua sắm không ngừng," ông nhận định.
Để tránh biến bản thân mình thành "con nghiện" mua sắm không kiểm soát, Thạc sĩ khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi chi tiền. Ông cho biết: “Thay vì mua theo cảm tính, người tiêu dùng nên xác định rõ giá trị của sản phẩm, đồng thời tìm hiểu về độ tin cậy của người bán và chỉ nên chi trả cho những sản phẩm thực sự khiến các bạn cảm thấy hài lòng.”