Mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD - ĐT giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành Sư phạm, từ 52.000 xuống còn 35.000 chỉ tiêu. Trong đó, có những trường giảm rất nhiều, như trường ĐH Sư phạm Huế giảm 37,5%, trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) giảm 31,4%, trường ĐH Sư phạm Hà Nội giảm 21%, trường ĐH Phạm Văn Đồng giảm 73%, ĐH Cần Thơ giảm 46,3%, trường CĐ Sư phạm Hà Giang giảm 73%, trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh giảm 66%...
Tuy nhiên, trừ một vài trường Sư phạm có bề dày chuyên môn đang trụ ở các thành phố lớn, số còn lại rất khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu. Một loạt trường cao đẳng khác cũng bị sáp nhập, như trường CĐ Sư phạm Hà Nam, trường CĐ Sư phạm Lào Cai, trường CĐ Sư phạm Long An... trở thành phân hiệu trường đại học Sư phạm hoặc đại học đa lĩnh vực. Trường CĐ Sư phạm Cà Mau, trường CĐ Sư phạm Bến Tre... sáp nhập với các trường khác thì ngành Sư phạm được nhìn nhận như các nghề nghiệp khác do Bộ LĐ – TB – XH quản lý. Bộ GD - ĐT chấm dứt việc giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, dẫn đến giảng viên Sư phạm thuộc cơ sở mới sáp nhập rơi vào tình trạng không có việc làm…
Trong khi đó, 2018 là năm đầu tiên trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và trường ĐH Đông Á được Bộ GD - ĐT cho phép tuyển sinh 2 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Việc trường đại học tư thục được đào tạo giáo viên là chưa hề có tiền lệ đối với ngành Sư phạm. Tiếp đó, Bộ lại công bố Dự thảo Điều lệ Trường cao đẳng Sư phạm và trung cấp Sư phạm, với điểm mới là phân thành 2 loại trường công lập và tư thục. Như vậy, ngành Sư phạm sẽ được xã hội hóa mạnh mẽ, trong khi thực tế đang thừa hàng ngàn giáo viên và bị cho thôi việc…
Theo Hiệu trưởng một trường cao đẳng Sư phạm tại TP. HCM, nhìn một cách tổng thể, Dự thảo Điều lệ Trường cao đẳng Sư phạm và trung cấp Sư phạm chỉ có một vài điểm mới. Nội dung phần lớn lấy từ các quy định trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp và có một số phần thêm bớt, chỉnh sửa từ các thông tư, quy định khác. Theo dự thảo, tại Điều 4, trường Sư phạm được phân thành 2 loại hình là trường Sư phạm công lập, trường Sư phạm tư thục. Cơ quan chủ quản của trường Sư phạm bao gồm các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành. Cả 2 loại hình trường này chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ GD - ĐT và quản lý hành chính do UBND các tỉnh, thành nơi các trường đặt cơ sở.
Đối với trường cao đẳng Sư phạm tư thục, Bộ GD - ĐT ra quyết định công nhận Hiệu trưởng và cả Hội đồng Quản trị, cùng các thành viên. Đối với trường trung cấp Sư phạm tư thục thì UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận. Trong khi đó, Hiệu trưởng các trường Sư phạm công lập do UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận. Điều đáng nói là ở khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp văn bằng, phần lớn dự thảo đều nêu căn cứ vào các quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Việc cấp bằng cũng theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Trong khi đó, Bộ GD - ĐT lại thẩm định mở ngành, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra.
Nhiều trường cho rằng, dự thảo này khá nhùng nhằng giữa các quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp và các quy định của Bộ GD - ĐT. Nếu quy định không rõ ràng thì sẽ không trường nào thành lập mang tên trường Sư phạm, mà chỉ mở thêm các ngành Sư phạm. Thực tế cho thấy, nếu chỉ mình Bộ GD - ĐT quản lý trường Sư phạm thì việc mở ngành, xác định chỉ tiêu chỉ làm một lần và một cấp quản lý.
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, một cán bộ Bộ GD - ĐT cho biết, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng 2 đề án. Thứ nhất là sắp xếp lại các trường Sư phạm và thành lập một số trường Sư phạm trọng điểm. Thứ hai là sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học. Trong năm 2019, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng trình Thủ tướng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và Sư phạm, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Bộ cũng sẽ trình Chính phủ sớm phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đây là định hướng tốt cho các cơ sở giáo dục đại học để xác định cho mình định hướng phát triển trong những năm tới. Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra các cơ sở giáo dục đại học, các trường Sư phạm. Kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở giáo dục đại học vi phạm các quy định. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, Bộ yêu cầu các trường đại học công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai mức học phí trước khi tuyển sinh. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với những trường chưa kiểm định chất lượng. Với những trường đã kiểm định, cần tập trung kiểm định chương trình đào tạo. Song hành cùng xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường và hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.
Cũng trong năm 2019, Bộ GD - ĐT dự kiến điều chỉnh chính sách tuyển sinh ở 6 điểm. Trong đó, đáng chú ý, các trường đại học phải cung cấp thông tin về tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.
Với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả kỳ THPT quốc gia, Bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển, xét tuyển học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi. Như vậy, nếu dự kiến này đi vào thực hiện, thì Bộ sẽ xác định ngưỡng đầu vào đối với ngành Y Dược và Sư phạm, còn tất cả các ngành đào tạo khác đều do các trường tự xác định.