Theo nội dung hợp tác, về lĩnh vực đào tạo, ba trường cùng công nhận tín chỉ đối với các học phần tương đương của các chương trình đào tạo cùng ngành/chuyên ngành, cho phép sinh viên đăng ký tham gia các học phần trong chương trình giữa ba trường; chia sẻ kinh nghiệm và cùng hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc Đại học, Thạc sĩ, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ kỹ sư; trao đổi sinh viên, xây dựng mô hình đồng hướng dẫn sinh viên/học viên cao học/nghiên cứu sinh trong các đề tài tốt nghiệp giữa ba trường.
3 trường cũng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục theo các tổ chức kiểm định quốc tế, hợp tác tổ chức các hội thảo khoa học để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, giáo trình, ứng dụng công nghệ dạy học mới. Đồng thời chia sẻ và khai thức nguồn tài liệu số trong thư viện giữa các trường.
Về lĩnh vực khoa học và chuyển giao công nghệ, 3 trường ĐH Bách khoa cùng xây dựng và khai thác các chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, thực hiện các công bố khoa học chung; xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành đặc biệt trong các lĩnh vực: AI, kỹ thuật số, vật liệu mới, an ninh năng lượng, kinh tế tuần hoàn và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cũng trong dịp này, 3 trường ĐH Bách khoa cũng ký kết về việc tổ chức Hội nghị Quốc tế về Truyền thông và Điện tử (The International Conference on Communications and Electronics - ICCE) là chuỗi hội thảo khoa học quốc tế được bảo trợ của các hội nghề nghiệp có uy tín trên thế giới. Theo đó, bắt đầu từ năm 2022, ICCE sẽ trở thành chuỗi hội nghị chính thức của 3 trường, được tổ chức luân phiên 2 năm/lần. Việc hợp tác tổ chức ICCE nhằm tận dụng nguồn lực và vị thế của các nhà khoa học cũng như mạng lưới đối ngoại của 3 trường để đưa ICCE thành hội nghị có chất lượng và uy tín cao hơn nữa tại Việt Nam cũng như quốc tế.