Sinh viên thấy bất an, lo lắng
Sau khi liên tiếp phát hiện các sự việc camera quay lén trong phòng trọ, phòng tắm nữ trên địa bàn Hà Nội, chủ đề này đã thành câu chuyện được thảo luận thường xuyên giữa Đ.T, sinh viên đang ở trọ tại khu vực Phùng Khoang, quận Thanh Xuân, và người bạn cùng phòng.
“Mình và bạn cùng phòng trao đổi rất nhiều về chuyện này, khi lướt mạng xã hội thì thỉnh thoảng lại quay ra nói với nhau những câu như Ôi sao mà sợ thế?, Nghe kinh thế nhỉ? Mấy bạn ấy khổ thật”, cô nói.
T. cho biết, cô thấy thương cảm với những nạn nhân của vụ việc. Bởi cùng là sinh viên, cùng lứa tuổi và chung hoàn cảnh xa quê đi ở trọ, cô cảm giác có chút hoang mang, lo sợ, liệu không biết mình có rơi vào tình huống đó hay không. Cô lo lắng vì không biết những nạn nhân đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực ra sao khi phát hiện ra mình bị quay lén.
“Nhưng trên hết mình cảm thấy rất phẫn nộ bởi tại sao người ta có thể làm thế với những bạn nữ trẻ. Ngoài ra, với tư cách là chủ trọ và người thuê trọ, hành động của họ cũng là sự đối xử rất tệ với chính khách hàng của mình”, T. bức xúc chia sẻ.
Hiện T. đang ở trọ chung chủ với phòng bếp, nhà tắm, khu vệ sinh sử dụng cùng gia đình 6 người gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Nhiều lần muốn chuyển đi bởi cảm thấy bất tiện, tuy nhiên vì chủ trọ là hưu trí, sống hiền lành, ngoài ra giá thuê phòng và chi phí điện, nước rẻ khiến T. vẫn chọn ở đây. Dù vẫn tin tưởng nhà chủ và muốn tránh cảm giác nghi ngờ, đánh đồng mọi người, nhưng những thông tin ồn ào xung quanh các sự việc gần đây khiến cô không khỏi mệt mỏi.
Hiện đang ở trọ trong một căn chung cư mini thuộc khu vực Định Công, quận Hoàng Mai, B.P và hai bạn cùng phòng đã lập tức kiểm tra lại mọi ngóc ngách trong phòng cũng như lên các trang thương mại điện tử đặt mua một số thiết bị phát hiện.
Nữ sinh 20 tuổi bỗng thấy lo sợ khi những sự việc vốn chỉ thấy trong những bộ phim hình sự hoặc nghe xa xôi bỗng trở thành nguy cơ rất gần. Cô chỉ tạm yên tâm khi bước đầu kiểm tra và thấy không có bất thường nào trong phòng mình.
Một số góc trong phòng mà B.P kiểm tra theo hướng dẫn mọi người truyền tay nhau trên mạng xã hội. |
“Mình đã đọc nhiều, nghe nhiều về những cách kiểm tra máy ghi âm, quay lén khi đi du lịch, nghỉ tại khách sạn, hoặc những người nổi tiếng bị phát tán hình ảnh nhưng vẫn có tâm lý "chắc nó chừa mình ra".
Thế nhưng liên tiếp sự việc của những bạn cũng đi ở trọ tại Hà Nội gần đây khiến mình thấy có thể mình cũng có thể là một nạn nhân. Với phòng trọ thì chúng mình có thể kiểm tra thường xuyên, nhưng nơi công cộng thì không thể kiểm soát được nên mình bắt đầu thấy bất an hơn”, B.P giãi bày.
Không chỉ các nữ sinh, chứng kiến những sự việc camera quay lén gần đây, các nam sinh cũng không giấu nổi sự bất bình trước hành vi đồi bại này.
Q.A, nam sinh năm thứ 3 bày tỏ: “Đây là một hành vi không thể chấp nhận được. Mình thấy thương các bạn nữ, bởi biến cố này có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các bạn, khiến nhiều bạn dần thu hẹp bản thân, nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm”.
Chàng trai thể hiện sự lo lắng khi liệu số sự việc có dừng lại ở con số 2, khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển, các ứng dụng nhắn tin ẩn danh đang xuất hiện ngày càng nhiều. Cậu nghi ngờ trong tương lai sẽ có thêm những sự việc như đe dọa, tống tiền, ảnh hưởng đến tâm lý người bị hại.
Các quy định pháp luật chưa thực sự toàn diện
Trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, luật sư Đỗ Khánh Duy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nhận định, hành vi đặt camera quay lén của các đối tượng này là hành vi không phù hợp với các quy định pháp luật về quyền hình ảnh, quyền riêng tư của cá nhân; không phù hợp với các giá trị đạo đức chung của xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các cá nhân bị quay lén do không rõ được mục đích của những đối tượng sử dụng hình ảnh cá nhân của mình.
Luật sư Đỗ Khánh Duy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. |
Trường hợp hình ảnh cá nhân bị sử dụng vào những mục đích xấu, không phù hợp với đạo đức thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và đời sống cá nhân của người có hình ảnh bị xâm phạm.
Luật sư nhấn mạnh thêm, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với hành vi quay lén. Tuy nhiên trong chế định về quyền nhân thân tại Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh tại Điều 29.
Mặt khác, tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định hình ảnh của cá nhân là một loại dữ liệu cá nhân cơ bản được bảo vệ. Theo quy định tại nghị định này, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân (trong trường hợp này được hiểu là thu thập, xử lý, số hóa hình ảnh của cá nhân) phải được sự đồng ý của chủ hình ảnh và chỉ được sử dụng hình ảnh trong phạm vi được cho phép. Chủ sở hữu hình ảnh có quyền rút lại sự đồng ý ở bất kỳ thời điểm nào.
Luật sư nhận định, hiện nay pháp luật đã có quy định về bảo vệ quyền hình ảnh đối với cá nhân, nhưng các quy định này còn chưa thực sự toàn diện, chỉ đưa ra quyền mà chưa có chế tài cụ thể, cũng như chưa có các quy định chi tiết về các hành vi được coi là xâm phạm quyền hình ảnh cá nhân dẫn đến nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền và xử phạt vi phạm của cơ quan nhà nước.
Luật sư Đỗ Khánh Duy cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Quy định chi tiết các hành vi vi phạm quyền hình ảnh của cá nhân và các chế tài xử phạt xác đáng, mang tính răn đe, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật của xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ hình ảnh, cũng như quyền riêng tư của người khác.
Cùng với đó, mỗi cá nhân, tổ chức phải tự có ý thức trong việc bảo vệ hình ảnh của bản thân cũng như những người xung quanh, kịp thời thông báo, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hành vi quay lén để kịp thời ngăn chặn hành vi sai trái.
Theo đó, việc nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân quản lý các địa điểm mang tính chất công cộng/dịch vụ để tăng cường kiểm tra, rà soát, tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở để đặt camera, thực hiện các hành vi không phù hợp quy định pháp luật và đạo đức xã hội.