Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp

SVVN - Với những góc nhìn độc đáo cùng cá tính riêng, qua bộ ảnh Tốt nghiệp, các tân cử nhân của khoa Nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã thể hiện sự quan tâm, bày tỏ những góc nhìn về các vấn đề nổi bật trong xã hội hiện nay.

Sẽ luôn có những ý kiến trái chiều về định nghĩa của “một vấn đề xã hội”. Nhiều người cho rằng, ô nhiễm môi trường là cái giá phải trả để phát triển kinh tế và họ chấp nhận chuyện đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều người khác không đồng tình với quan điểm này vì họ cho rằng môi trường là sức khỏe và lợi ích lâu dài, không thể đánh đổi sức khỏe để lấy những lợi ích trước mắt. Không có một giới hạn nhất định cho “một vấn đề xã hội”, bất cứ điều gì mà theo quan điểm của vài người hoặc rất nhiều người là “chưa đúng” trong xã hội đều có thể là một vấn đề xã hội.

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 1

Thiều Minh Tân (sinh viên lớp Nhiếp ảnh Nghệ thuật) dành mối quan tâm đặc biệt về chủ đề môi trường. (Ảnh: Thiều Minh Tân)

Mỗi người ở mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ có cảm nhận về cái “chưa đúng” khác nhau. Nếu như ở thành thị, nhiều người cho rằng ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc là những vấn đề xã hội cần được giải quyết ngay thì những người ở vùng nông thôn lại cho rằng chuyện chống lũ lụt hạn hán là vấn đề quan trọng hơn.

Tương tự như vậy, những người nghiện thuốc lá sẽ không thấy việc mình hút thuốc là vấn đề gì cho xã hội, nhưng rất nhiều người khác muốn cấm hút thuốc ở nơi công cộng vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe của những người phải “bất đắc dĩ hút thuốc gián tiếp”.

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 2

(Ảnh: Thiều Minh Tân)

Từ những góc nhìn ấy, những vấn đề khác của xã hội đã được các bạn sinh viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thể hiện qua những góc nhìn của Nhiếp ảnh, với những quan điểm và suy nghĩ riêng trong bài thi Tốt nghiệp.

Trần Phương Trung (sinh viên lớp Nhiếp ảnh Nghệ thuật) chia sẻ: “Vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống tại Hà Nội, bản thân mình cũng phải đối diện với nhiều áp lực về giới tính, tuy nhiên mình vẫn ưu tiên lựa chọn cuộc sống là chính mình, thay vì chối bỏ và coi đó là khiếm khuyết hay bất hạnh. Chính vì vậy, mình đã quyết định lựa chọn đề tài Khát khao để bày tỏ những góc khuất của một chàng trai ở độ tuổi 22. Đồng thời, góp phần lan toả những thông điệp, giá trị sống tích cực đến xã hội và đặc biệt là cộng đồng LGBTQ+”.

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 3

Một bức ảnh trích trong bộ ảnh “Khát khao”. (Ảnh: Phương Trung)

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 4

Trong bộ ảnh, Phương Trung sử dụng hình tượng “hoa thược dược hồng” đại diện cho bản thân. (Ảnh: Phương Trung)

Khác với Phương Trung, Nguyễn Văn Hưng (sinh viên lớp Nhiếp ảnh Nghệ thuật) lại dành mối quan tâm đặc biệt với nét đẹp truyền thống. Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp may mặc hiện nay, nhiều bạn trẻ vô tình quên đi những nét đẹp, giá trị truyền thống. Với mong muốn tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, Văn Hưng đã chọn lựa đề tài “Người đưa hồn quê ra phố” – một đề tài về nghề dệt thổ cẩm, một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái.

Văn Hưng chia sẻ: “Qua tình yêu của một cô gái Thái say mê với nghề thổ cẩm. Cô đã nối tiếp ước mơ của mẹ đưa văn hóa quê hương mình ra giữa lòng Thủ đô, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo và hoàn toàn truyền thống. Trên chặng đường ấy là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Mỗi sợi vải làm ra không chỉ thân thiện với môi trường mà còn là cả tình yêu của cô với văn hóa dân tộc mình. Qua bài thi Tốt nghiệp lần này, mình muốn tôn vinh nét đẹp truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là nghề dệt vải thủ công – một nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc. Đối với mình, gìn giữ và bảo tồn được nghề dệt truyền thống chính là gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền từ ngàn đời”.

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 5

Nguyễn Văn Hưng (sinh viên lớp Nhiếp ảnh Nghệ thuật) lại dành mối quan tâm đặc biệt với nét đẹp truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Văn Hưng)

Được biết, khoa Nhiếp ảnh hiện có 3 chuyên ngành đào tạo: Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Nhiếp ảnh Báo chí và Nhiếp ảnh Truyền thông đa phương tiện. Ở trong bài thi Tốt nghiệp lần này, mỗi bức ảnh của các bạn sinh viên đều được thể hiện bằng sự quan sát tỉ mỉ, cách tiếp cận thể hiện rất riêng, độc đáo, cùng sự quan tâm đặc biệt đến đa dạng những vấn đề vấn đề xã hội đương đại như: Giới tính, ô nhiễm môi trường, nghề truyền thống,...

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 6

(Ảnh: Nguyễn Văn Hưng)

Văn Hưng chia sẻ thêm: “Là một người hướng nội, ngại giao tiếp và luôn khép mình. Ban đầu mình chọn Nhiếp ảnh làm ngôn ngữ và là nơi thể hiện cảm xúc. Nhưng qua thời gian, trong quá trình rèn luyện tại khoa Nhiếp ảnh, mình cảm thấy bản thân dần bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực, cởi mở hơn, thoát khỏi vùng an toàn và kết nối nhiều hơn với mọi người. Nhiếp ảnh có lẽ đã giúp mình biết trân trọng. Và thật vậy, mình bắt đầu biết cách trân trọng từng nụ cười, từng điệu bộ, những cảnh hoàng hôn, ngôi nhà, đứa trẻ hay bãi biển…”.

Sinh viên Nhiếp ảnh thể hiện góc nhìn độc đáo, cá tính về các vấn đề xã hội trong bài thi Tốt nghiệp ảnh 7

(Ảnh: Nguyễn Văn Hưng)