Khám phá hơn 20 quốc gia châu Âu
Châu Âu là điểm đến mơ ước của nhiều người, và Tú cảm thấy mình may mắn khi được đặt chân đến rất nhiều địa danh ở châu lục này khi còn trẻ. Khác với trải nghiệm du lịch hay du học, bản thân không hẳn là một “du học sinh”, không rành sinh ngữ bản địa, lại chẳng phải một du khách chính hiệu, nên trải nghiệm của Tú cũng như các bạn sinh viên trao đổi khác cũng đặc biệt hơn. “Nhớ nhất với mình phải kể đến những buổi giao lưu văn hoá đa quốc gia tự phát ở ký túc xá, ở khuôn viên trường, thậm chí ở bất kỳ thành phố nào mình đặt chân đến. Mình và các bạn cùng nấu ăn, giới thiệu với nhau về văn hoá từng nước, từ những vấn đề hàn lâm vĩ mô cho đến những cái khác biệt nhỏ nhặt như văn hoá hẹn hò Á Đông và Tây Phương khác nhau thế nào, các món ăn chỉ để xíu tiêu đã làm xé lưỡi mấy bạn Đức, hay bao nhiêu chai rượu cũng không làm say mấy bạn Ba Lan là những kỷ niệm không thể quên”, Tú nhớ lại.
Đặc sản của châu Âu là đa văn hoá, và khác với du khách chỉ hưởng thụ những nét đẹp ngoại cảnh và rồi nhanh chóng về lại thực tại, ở vị trí một sinh viên trao đổi, Tú có đủ thời gian để ôm trọn bầu trời đa văn hoá ấy, đắm chìm trong bao nhiêu thông tin, ẩm thực, phong tục mới gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, cùng với những niềm vui bất tận là vài phút giây lần đầu cầm trong tay số tiền học bổng lớn, Tú phải tự tìm cách xoay sở và tạo ra những trải nghiệm tuyệt nhất cho bản thân để bõ công đặt chân đến khu vực liên minh cho phép mình di chuyển khắp hơn 20 quốc gia này.
Tú luôn quan niệm, dù là việc học hay các hoạt động ngoại khoá, nếu đủ động lực và đam mê, sẽ tự tìm được cách cân bằng hợp lý. Tú đã tìm được những điểm mình thích trong các môn học và các hoạt động mình tham gia, và sẽ trích được thời gian dành cho những việc ấy. “Lúc còn đi học, mình luôn có những nhóm bạn hỗ trợ nhau trong việc học lẫn tham gia câu lạc bộ hay cuộc thi, thậm chí là với những vấn đề cảm xúc cá nhân. Thế nên, việc chọn đúng bạn để nâng đỡ nhau và luôn sẵn sàng vì nhau cũng là một điều đáng quý để giúp mình san sẻ bớt khối lượng công việc”, Tú chia sẻ.
Tú (ngoài cùng, bên trái) và những người bạn mới làm quen khi qua Đức học tập. (Ảnh: NVCC)
Nhanh chóng bắt kịp công việc
Tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) với khóa luận Marketing nhưng Tú lại đi làm ngành ngân hàng, ở vị trí phân tích chiến lược. Tú chia sẻ, nhờ hai yếu tố, khát khao được bứt phá bản thân và các mối quan hệ giá trị mà Tú đã xây dựng trong suốt bốn năm đại học.
Rất nhiều người bạn quốc tế mà Tú làm quen trong chuyến đi học tập tại Đức và sau này ra làm việc tại nước Anh. (Ảnh: NVCC)
May mắn có bạn bè làm ở nhiều tổ chức khác nhau hỗ trợ và định hướng, Tú thấy được cơ hội việc làm trên trang của AIESEC và nhanh chóng nộp đơn, chỉ 5 ngày trước hạn, và trải qua 4 vòng tuyển thì chính thức vượt hơn 300 thí sinh khác trên thế giới để trúng tuyển. Mọi việc diễn ra rất nhanh, đến mức chính Tú cũng bất ngờ. Khi phỏng vấn, Tú nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến khả năng phân tích, nhận định, và giải quyết vấn đề từ những cuộc thi mình đã tham gia. Và dĩ nhiên ở các cuộc thi ấy, Tú cũng không thể một mình "chinh chiến", cũng nhờ thêm công sức của các nhóm bạn. “Đừng do dự nhận lấy sự giúp đỡ, vì rồi mình sẽ lại giúp đỡ người khác, dù là sự giúp đỡ hữu hình hay động viên về mặt cảm xúc đều đáng được trân trọng".