Trăn trở của đoàn viên đồng bào dân tộc thiểu số trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Đoàn xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là một trong nhiều đơn vị có đông đoàn viên, thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Dù cũng có những mặt thuận lợi, nhưng đa phần đoàn viên, thanh niên tại đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các phong trào Đoàn.

Tạo những điều kiện tốt nhất

Chị Trần Thị Diệu Kỳ Xuân - Bí thư Đoàn xã Nghĩa Trung cho biết, tại địa phương chị đang có 2 thôn, với đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số, trong đó, các bạn thuộc người đồng bào S’tiêng chiếm đa số. Theo chị, điểm mạnh của các bạn đoàn viên, thanh niên người đồng bào, dân tộc thiểu số chính là sự năng nổ và nhiệt huyết. Các bạn đặc biệt hoạt động rất mạnh trong các phong trào thể dục thể thao mà Đoàn xã cũng như cấp trên tổ chức. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế nhất định trong một bộ phận đoàn viên, thanh niên đó. Chẳng hạn, các bạn còn khá rụt rè, ít chủ động giao lưu và mở rộng các mối quan hệ cùng mọi người, ngoài ra, trình độ học vấn của các bạn còn có những hạn chế nhất định.

Chị Xuân cho biết thêm, địa phương luôn chú ý quan tâm cải thiện đời sống và điều kiện kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và các đoàn viên, thanh niên nói riêng. Đoàn xã luôn tạo điều kiện cho các bạn phát triển kinh tế, trong đó có việc giới thiệu, hỗ trợ vay những nguồn vốn chính sách. “Chắc chắn, chỉ những nỗ lực từ phía địa phương là chưa đủ, mình hy vọng kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII tới đây sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đối với đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số. Trong đó, việc mở những lớp đào tạo nghề dành cho các bạn là một trong những vấn đề mà mình cho rằng rất thiết thực để đưa phong trào Đoàn tại những địa phương đặc thù như Nghĩa Trung có thể phát triển mạnh hơn nữa”, chị Xuân bày tỏ.

Trăn trở của đoàn viên đồng bào dân tộc thiểu số trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc ảnh 1

Đoàn xã Nghĩa Trung là một trong nhiều đơn vị trên cả nước có đông đảo đoàn viên, thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cầu nối của hoạt động Đoàn

Là một trong những đoàn viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu của địa phương, anh Điểu Hoàng - Phó Bí thư Đoàn xã cho biết, điểm thuận lợi nhất trong hoạt động Đoàn của những đoàn viên là người dân tộc thiểu số như anh chính là sự hiểu biết về văn hóa, lối sống đặc trưng của người dân địa phương, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. “Mình gần gũi với người dân địa phương ngay từ nhỏ, vì thế mình rất hiểu những tâm tư nguyện vọng của mọi người. Đặc biệt là với người dân tộc thiểu số, việc hiểu rõ nếp sống và văn hóa của họ là chìa khóa quan trọng để triển khai các hoạt động cộng đồng và kêu gọi sự hưởng ứng từ các đối tượng này”, anh Hoàng nói thêm.

Trăn trở của đoàn viên đồng bào dân tộc thiểu số trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc ảnh 2

Anh Điểu Hoàng cho biết, những đoàn viên như anh chính là cầu nối với đồng bào, dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, theo đánh giá của anh Hoàng, tại địa phương anh vẫn còn một số lượng nhất định người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, chưa có cái nhìn đúng đắn về những chính sách phát triển của địa phương, vì thế trong các hoạt động tuyên truyền và phong trào được tổ chức, những đoàn viên như anh Hoàng luôn trở thành cầu nối để truyền đạt đến những đối tượng khó tiếp cận một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, khó khăn của những đoàn viên là người dân tộc thiểu số cũng không ít. Dễ dàng nhận thấy nhất là về điều kiện kinh tế, trước đây, các hộ gia đình người dân tộc thiểu số thường sinh đông con, chính vì thế cuộc sống của những đoàn viên, thanh niên tại các địa phương như xã Nghĩa Trung còn gặp nhiều khó khăn.

“Chính những khó khăn đó khiến các bạn đoàn viên, thanh niên như mình phải bắt đầu đi làm từ sớm để lo cho cuộc sống, dù đang làm công tác Đoàn nhưng bản thân mình vẫn phải đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ chuyên trách ở xã và làm thêm những công việc bên ngoài để đảm bảo điều kiện kinh tế. Vì thế, thời gian dành cho công tác Đoàn đôi khi không được đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung”, anh Hoàng bày tỏ.

Trăn trở của đoàn viên đồng bào dân tộc thiểu số trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc ảnh 3

Anh Hoàng và nhiều đoàn viên tại xã Nghĩa Trung hy vọng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII sẽ đề xuất thêm nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số.

Nói về kỳ vọng của mình trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, với vai trò là một trong rất nhiều đoàn viên là người đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước, anh Hoàng tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới đoàn kết, sáng tạo. Ngoài ra, anh cũng hy vọng Đại hội sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ về giáo dục và kinh tế kịp thời cho những đoàn viên là người đồng bào dân tộc thiểu số như anh, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia hoạt động Đoàn.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 chính thức được công nhận là Lễ hội lớn của TP. HCM

Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 chính thức được công nhận là Lễ hội lớn của TP. HCM

SVVN - Anh Ngô Minh Hải - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP. HCM chia sẻ, 3 đêm diễn ra Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 sẽ là những trải nghiệm về không gian âm thanh, ánh sáng; các hoạt động đường phố; thể dục thể thao... thể hiện sự nhiệt huyết, sức trẻ của thanh niên TP. HCM.