Trường đại học tăng cường xét học bạ
Từ tháng 5/2020, hàng loạt trường đại học đã công bố điều chỉnh phương thức xét tuyển theo hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT lên tới 50-60% chỉ tiêu. Như vậy, nhiều thí sinh chắc suất vào đại học khi kỳ thi tốt nghiệp THPT còn chưa diễn ra.
Chẳng hạn, năm nay trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM tuyển 2.790 chỉ tiêu cho 25 ngành học. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (chiếm 20% tổng chỉ tiêu). Trường dành 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ. Như vậy, năm 2020, UEF xét tuyển học bạ 35% tổng chỉ tiêu, tăng mạnh so với năm ngoái.

Năm 2019, với phương thức xét tuyển này, trường dành 25% chỉ tiêu để tuyển sinh bằng điểm trung bình năm lớp 12 của ba môn trong tổ hợp môn xét tuyển. Ngoài ra, với việc thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập 5 học kỳ, thời gian xét tuyển cũng dài hơn. UEF nhận hồ sơ từ 1/3 đến 30/9.
Tương tự, trường ĐH Công nghệ TP. HCM (HUTECH) dành 1.650 chỉ tiêu, tức 25% tổng chỉ tiêu, cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn hoặc theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tuyển 3.500 chỉ tiêu. Năm nay, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT từ 10% lên 40%. Bên cạnh đó, trường dành 10% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng học sinh giỏi từ kết quả học tập 3 năm THPT.
Còn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng quyết định tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ. Cụ thể, trường dành tối đa 50% số chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trường đại học ở Đà Nẵng cũng đua nhau tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Theo TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề án tuyển sinh vào ĐH Đà Nẵng năm 2020 dựa trên 4 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD - ĐT và đề án tuyển sinh của từng trường thành viên; Xét học bạ; Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; Dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực (do ĐH Đà Nẵng phối hợp với ĐHQG TP. HCM tổ chức). Tuy nhiên, ước tính mỗi năm, thí sinh của Đà Nẵng và Quảng Nam chiếm khoảng 50% tổng số thí sinh nhập học.
Theo đó, ĐH Đà Nẵng sẽ xét trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức xét học bạ đối với thí sinh không thể thi tốt nghiệp được trong đợt này. Nghĩa là, những thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì được công nhận trúng tuyển tạm thời, khi thí sinh có chứng nhận tốt nghiệp sẽ được công nhận trúng tuyển chính thức. ĐH Đà Nẵng sẽ dành chỉ tiêu thích hợp để tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT đối với thí sinh không thi được trong đợt 1.
Trong trường hợp cần thiết, trường sẽ xin ý kiến Bộ GD - ĐT tăng chỉ tiêu năm 2020 cho ĐH Đà Nẵng để đảm bảo đủ chỗ cho các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển được nhập học.
Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD - ĐT, năm nay, trong tổng số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, 643.122 người (chiếm 71,45%) đăng ký xét tuyển, giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.
Trong hơn 200.000 thí sinh không chọn lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ. Chưa kể đến, không ít thí sinh đăng ký xét tuyển bằng cả điểm thi lẫn học bạ.
Lo thiếu nguồn tuyển
Theo ThS Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức lo ngại thời gian xét tuyển năm nay trễ, khai giảng trễ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các năm trước là tháng 9, năm nay chắc phải hết tháng 10 nếu như tình hình COVID-19 được kiểm soát. Trong trường hợp dịch vẫn căng thẳng, phải giãn cách xã hội, thì nguy cơ thí sinh sẽ rơi rụng rất nhiều. Vì đăng ký xong mà không đi học ngay có khả năng sẽ khiến thí sinh thay đổi, hủy nhập học.

Còn TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường CĐ Lý Tự Trọng lo lắng, đến thời điểm này nhiều trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức học bạ, thí sinh chỉ cần đợi bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp. Tâm lý đa số thích học đại học và đậu đại học hiện nay không quá khó thì còn mấy ai nghĩ đến việc vào học tại các bậc học thấp hơn. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp cũng đã nhận được số lượng hồ sơ kha khá, nhưng phần lớn là ảo.
Tương tự, ThS Nguyễn Tấn Thắng, Phó phòng Đào tạo trường CĐ Công thương TP. HCM cũng cho rằng, số thí sinh ảo tại các trường cao đẳng sẽ rất cao nên không thể biết được nguồn tuyển của mình là bao nhiêu. Chưa kể đến việc dịch COVID-19 khiến rất nhiều gia đình không còn đủ tiền cho con ăn học, thí sinh có thể sẽ phải tạm gác lại chuyện học để đi làm, nguồn tuyển lại càng giảm. So với các năm trước thì năm nay là một năm mà tình hình tuyển sinh sẽ rất khó dự đoán.