Từ mấy dòng nhật ký, nghĩ về một thế hệ ông cha

Từ mấy dòng nhật ký, nghĩ về một thế hệ ông cha
SVVN - Phải chăng, đây chính là tâm thế chung của những con người ấy – một lớp nhà văn, nghệ sĩ, trí thức đầy nhiệt huyết với đời, tâm huyết với nghề, nhưng cũng sẵn sáng gác bỏ tất cả để hiến mình cho sự nghiệp chung, ở vào một thời điểm chuyển mình của dân tộc!

Ngày 24/4/1944

“Nguyên Hồng đến chơi - nhà văn sĩ của vô sản. (…) Ngày viết văn, tối xem sách. Yêu vợ, chờ con, vui đời. Trông rất đáng yêu.”

Ngày 24/7/1944

“Nguyễn Đình Thi, trẻ tuổi, thở ra sức khỏe và tự tin, đến chơi tìm Nguyễn Hữu Đang…”

Ngày 26/7/1944

“Cùng Lê Văn Mai và Như Phong nói về màu sắc êm dịu của phong cảnh vùng [Kinh] Bắc. Bao nhiêu tác phẩm của nhóm Ngày Nay đều lấy khung cảnh ở Bắc. Trông thấy cái màu sắc linh hoạt, những bức tranh rực rỡ trong những tiểu thuyết ấy.”

Ngày 1/10/1944

“Sáng ra thư viện hội kiến (…) Nhà xuất bản trẻ tuổi, hiệu Người Bốn Phương đề nghị với mình để xin các tác phẩm các nhà văn trong nhóm mình: Nguyên Hồng, Tô Hoài, Như Phong, v.v...”

Ngày 14/10/1944

“Trưa yên tĩnh. Trời mát dịu. Trước hồ Hoàn Kiếm, nước như gương. Cùng đi với Nguyễn Hữu Đang, xem ba ba nổi trên tháp rùa. Cảnh đẹp và khêu gợi.”

Ngày 10/2/1945 (28 Tết)

“Chiều. Trời rét. Người ta đồn hôm nay có luồng rét về qua Bắc Kỳ. Về quê. Vui sướng gặp cháu Sa, và anh.”

Từ mấy dòng nhật ký, nghĩ về một thế hệ ông cha

Như một lẽ tự nhiên, tất cả những người được nói đến trong bài về sau đều tham gia kháng chiến. Bức ảnh này, chụp ở Việt Bắc vài năm sau đó, quy tụ nhiều người trong số họ. Từ phải qua, hàng ngồi: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi; hàng đứng: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng...Ảnh: Trần Văn Lưu

Trên đây là một số trích đoạn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, được viết từ tháng tư năm 1944 đến tháng hai năm 1945. Đó là quãng thời gian mà ta vẫn hay gọi là “thời tiền chiến”. Còn các tên tuổi như Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang cũng thường được gọi là nhà văn, nhà báo tiền chiến, mặc dù các ông còn hoạt động nhiều vào thời gian sau này.

Gọi chung thế, nhưng các ông lại rất khác nhau, mỗi người mỗi vẻ. Nhà văn Nguyên Hồng bấy giờ mới 26 tuổi đầu, nhưng đã rất nổi tiếng, tác giả của những Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu và nhiều cuốn sách khác luôn được các nhà xuất bản săn đón. Song ông vẫn sống một cuộc đời hết sức bình dị, của một nhà văn tự do, hoàn toàn dựa vào lao động của mình: ngày viết văn, tối đọc sách. Và vui với cuộc sống gia đình, bên người vợ yêu cùng chờ đợi đứa con sắp ra đời.

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch tương lai Nguyễn Đình Thi lại còn trẻ hơn, mới 22 tuổi. Còn là một sinh viên, ông đã khẳng định tên tuổi mình là một trí thức uyên thâm, một nhà hùng biện có tài, tác giả của những cuốn sách, tiểu luận về triết học và văn hóa có ảnh hưởng trong sinh viên, trí thức. Cảm nhận của Nguyễn Huy Tưởng, người hơn ông tròn một giáp, về tác giả Sức sống của dân Việt Nam trong cổ tích và ca dao quả là rất tinh!

Còn các ông Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Hữu Đang? Nhà văn, nhà báo Như Phong, cây bút xuất sắc từ thời Mặt trận Bình dân, gia đình giàu có muốn cưới cho ông một cô vợ giàu. Song ông đã dứt khoát từ chối ngay trong lễ nghênh hôn do phải lễ sống bố vợ. Nhà văn Tô Hoài thì nhà nghèo, phải đi bán giày cho hãng Bata. Nhưng ông vẫn sống rất hồn nhiên, giao hòa với cuộc sống vùng Bưởi, với những người dân nghèo, thợ làm giấy, và cũng chơi đùa, nghịch ngợm như mọi đứa trẻ quê vẫn thế. Để rồi viết nên những trang văn về “Quê nghèo”, về “Xóm giếng ngày xưa”, về “Con dế mèn” (tên ban đầu của Dế mèn phiêu lưu ký).

Ông Nguyễn Hữu Đang, một yếu nhân của phong trào Truyền bá quốc ngữ, một nhà hoạt động văn hóa sắc sảo thì rất biết tận hưởng những giây phút bình lặng trong tâm trí, để cùng người bạn Nguyễn Huy Tưởng “xem ba ba nổi trên tháp rùa”. Trong khi ông Tưởng, một công chức nhà Đoan (sở thuế quan) Hà Nội lại giữ nguyên một thói quen từ hồi thơ bé: mong Tết đến. Nhưng lúc này ông đã trưởng thành, niềm vui Tết đến được mừng tuổi, may áo mới khi xưa, đã chuyển thành nỗi mong được về quê ăn Tết, được gặp anh, gặp cháu…

*

Vậy phải chăng thời ấy dễ sống, khiến người ta có thể sống theo sở thích, sống theo tình cảm của mình? Không! “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo” – cái câu quen thuộc này cũng hoàn toàn nghiệm đúng với thời ấy thôi. “Nhà văn An Nam khổ như chó”, câu Nguyễn Vỹ viết tặng Trương Tửu chẳng minh chứng cho cái “thời tiền chiến” ấy là gì!?

Sẽ không sai khi nói rằng, trong các “nhà” được nói đến ở trên, từ ông Nguyên Hồng sống đời tự do đến ông Nguyễn Huy Tưởng sống đời công chức, ai cũng phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”. Nhật ký một ngày tháng 2 năm 1945 của ông Tưởng còn ghi: “Chiều nhịn cơm. Và đến Tri Tân đòi nhuận bút về An Tư” (An Tư là cuốn tiểu thuyết của ông đang đăng tải trên tờ Tri Tân)…

Từ mấy dòng nhật ký, nghĩ về một thế hệ ông cha

Bút tích của Nguyên Hồng và Nguyễn Huy Tưởng trên một bức ảnh ông Hồng tặng ông Tưởng. Ở lời đề tặng, Nguyên Hồng gọi Nguyễn Huy Tưởng là Tào Ngu - tên nhà viết kịch nổi tiếng Trung Quốc - là có ý trêu việc vở kịch Những người ở lại của ông Tưởng khi ấy đang bị phê là “tiểu tư sản”. Ở dưới là chữ thêm vào của ông Tưởng, để đáp lại bạn cho vui.

Tuy nhiên, điều người viết muốn nói ở đây là một sự mưu cầu khác mà các ông đang theo đuổi. Phải, các ông Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang chính là các thành viên của Văn hóa cứu quốc, một tổ chức trong Mặt trận Việt Minh được thành lập từ năm 1943. Đến giai đoạn Tiền khởi nghĩa năm 1945, Văn hóa cứu quốc càng đẩy mạnh hoạt động. Các ông xúc tiến ra tờ báo của ngành mình (sau đặt là Tiên phong), tham gia công tác vận động quần chúng, và bản thân cũng được huấn luyện để theo kịp với phong trào. Sau đây là một đoạn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ghi lại một trong những hoạt động ấy:

Các ngày từ 20–22/5/1945

“Dự một lớp huấn luyện “văn chương”. Anh em cũng tin cẩn. Nhưng rất mập mờ.

Chèo thuyền qua Hồ Tây, có cảm tưởng như lạc vào Lương Sơn Bạc. Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Trần Huyền Trân đều đã có tên tuổi cả. (…) Hơi se se trong lòng: mình chưa bắt đầu mà đã ngót 40 rồi! 40, theo Nam Cao ở xứ ta đã là tuổi không làm gì được nữa. Còn những dự định lớn lao của ta? Ôi lo sợ.”

Hẳn bạn đọc đã đoán ra, các chữ “huấn luyện văn chương” chỉ là một cách nói bóng gió để chỉ những nội dung khác của đợt huấn luyện kéo dài ba ngày ấy. Còn “anh em” thì chỉ các đồng chí cán bộ Đảng phụ trách nhóm Văn hóa cứu quốc. Hồi ký của nhà văn Tô Hoài cho ta biết thêm: Đó là một cuộc họp mở rộng nhiều tổ ở ngôi nhà gạch trên xóm đảo giữa hồ Tây, mà nhà ông Như Phong thuê để mùa hè ra hóng mát. Để ra được đấy, các ông đã hẹn nhau ở nhà ông Tô Hoài dưới Nghĩa Đô, rồi vào làng Võng để ra bến đò sang hồ Tây. Chương trình “huấn luyện” gồm có nghe cấp trên nói về tình hình trong nước, thế giới, đọc các sách, báo cách mạng, tìm hiểu về phong trào Việt Minh… Và cũng lần đầu tiên, các ông biết thế nào là khẩu Browning mà đồng chí cấp trên đem theo lấy ra cho xem!...

Chuyện là như thế. Và giờ xin được trở lại với đoạn nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Dấn thân vào cách mạng, các ông có thể phải trả giá bằng bắt bớ, tù đầy. Nhưng qua những dòng vắn tắt, ghi lại một cách bóng gió một hoạt động có tính cách bí mật không phải là không nguy hiểm ấy, nhà văn vẫn thật lãng mạn khi coi chuyến đi đò hồ Tây như “lạc vào Lương Sơn Bạc”. Và giữa những bộn bề công việc, nhiệm vụ của đoàn thể mà ông lĩnh hội qua lớp huấn luyện, nhà văn vẫn canh cánh với việc văn chương, với những dự định sáng tác của mình. Phải chăng, đây chính là tâm thế chung của những con người ấy – một lớp nhà văn, nghệ sĩ, trí thức đầy nhiệt huyết với đời, tâm huyết với nghề, nhưng cũng sẵn sáng gác bỏ tất cả để hiến mình cho sự nghiệp chung, ở vào một thời điểm chuyển mình của dân tộc!

Theo SVO
MỚI - NÓNG
Nữ tiến sĩ trẻ lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học vì sự phát triển đất nước
Nữ tiến sĩ trẻ lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học vì sự phát triển đất nước
SVVN - Với niềm đam mê cháy bỏng dành cho nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Thị Trang - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã trở thành một trong 10 gương mặt triển vọng của Giải thưởng ‘Khuê Văn Các’ – giải thưởng đầu tiên tôn vinh các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV).
Sinh viên tổ chức thi đấu bóng đá để gây quỹ từ thiện
Sinh viên tổ chức thi đấu bóng đá để gây quỹ từ thiện
SVVN - Mới đây, tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM (cơ sở TP. Thủ Đức) sự kiện bóng đá giao hữu gây quỹ từ thiện “Chiến binh màu nắng” đã được sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) tổ chức. Mục đích chương trình là để hỗ trợ các em nhỏ vùng cao có niềm đam mê bóng đá tiếp tục phát triển các kỹ năng và theo đuổi ước mơ. Đồng thời, sự kiện mong muốn lan tỏa tinh thần thể thao trong cộng đồng sinh viên TP. HCM nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra chuẩn bị thi THPT quốc gia tại tỉnh Điện Biên

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra chuẩn bị thi THPT quốc gia tại tỉnh Điện Biên

SVVN - Trong 2 ngày (4-5/6), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Điện Biên. Tại đây, đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và kiểm tra thực tế tại một số điểm thi trên địa bàn tỉnh.