Trần Đăng Khoa (sinh năm 2006) là cựu học sinh lớp chuyên Anh tại trường THPT Chuyên Tiền Giang. |
Xe ve chai của cha chở theo giấc mơ Khoa, máy ép mía của mẹ chắt chiu từng con chữ
Trần Đăng Khoa sinh ra trong gia đình gồm có 4 thành viên. Cha cậu năm nay đã gần 60 tuổi, mẹ đã ngoài 50, Khoa vừa tròn 18 và cô em gái 15 tuổi vừa bước vào lớp 10.
Khoa và gia đình (ngoài cùng bên tay phải). |
Cha của Khoa làm nghề lượm nhặt, mua bán ve chai, phế liệu. Hằng ngày, cha Khoa đạp chiếc xe ba bánh để mưu sinh, chở theo cả những giấc mơ tươi sáng của 2 đứa con chăm ngoan, học giỏi. Khoa tâm sự: “Cha mình thường phải đạp mấy mươi cây số một ngày, trên khắp các nẻo đường để lượm nhặt, mua giấy báo, sắt vụn, chai lọ cũ để bán cho đại lý phế liệu, từ đó kiếm tiền lo cho hai anh em mình ăn học”. Nắng vàng trên vai áo bạc màu những trưa hè nóng bức cũng không ngăn nổi sự cần mẫn của cha Khoa. Chỉ trong một hai năm trở lại đây, do tuổi tác, cha cậu không thể đạp xe được nữa, nên lấy chiếc xe máy vốn đã cũ nát, chỉ còn khung xe để chạy cho đỡ vất vả.
Chiếc xe cha của Khoa hiện tại đang sử dụng để mưu sinh. |
Nhắc đến mẹ với đầy sự tự hào, Đăng Khoa kể: “Mẹ mình vốn là người rất ham học, nhưng do hoàn cảnh gia đình, mẹ đành nghỉ học sớm ngay khi vừa tốt nghiệp lớp 9”. Giấc mơ của mẹ đã một thời dang dở, mẹ Khoa quyết giấc mơ của con mình chẳng thể dở dang, để con không phải tiếc nuối cả đời như mẹ…
Kiếm sống bằng chiếc xe ép nước mía truyền thống, từng giọt nước mía của mẹ đã nuôi Đăng Khoa khôn lớn. Giấc ngủ không trọn khi phải dậy từ khi trời chưa sáng để bào mía, nhưng mẹ cậu lại vội vã tỉnh dậy khi mới chợp mắt 5 phút giờ nghỉ trưa vì có khách tới mua. Thế nhưng, sự vất vả ấy lại là tin mừng. Mừng vì có tiền lo cho hai con ăn học. Còn khi mùa mưa đến, cái lạnh của cơn mưa cũng không tàn nhẫn bằng cuộc sống mưu sinh của gia đình khi gần như có rất ít khách đến mua nước mía mùa này…
Xe nước mía của mẹ Khoa. |
Sau nhiều năm lao động vất vả, mẹ cậu bị đau nhức xương khớp kinh niên. “Mỗi tối, mẹ mình thường ngồi tự xoa bóp bằng các bài thuốc dân gian để giảm phần nào sự đau đớn. Mẹ cũng hay bị mệt, nhiều lúc thở không ra hơi. Mình nhiều lần bảo mẹ đi khám sớm, nhưng không được, vì mẹ luôn nói rằng: Khám bệnh tốn tiền, mẹ sợ bác sĩ nói mẹ bị bệnh, không lo cho hai con tiếp được nữa”, Khoa nghẹn ngào kể.
Tuy nhiên, nỗi lo của cả gia đình không chỉ có thế. Căn nhà gia đình cậu đang sinh sống là căn nhà tổ tiên để lại được thừa kế từ bà nội và đã được xây hơn 60 năm về trước. Hiện tại, căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, tường nhà và trần nhà bị thủng nhiều chỗ, tưởng chừng như có thể sập bất kỳ lúc nào. Hiện tại, vì an toàn, gia đình cậu không còn ngủ trong “nhà” được nữa, mà phải ngủ ở lán dựng tạm bên hông nhà.
Căn nhà gia đình Khoa đang ở đã xuống cấp trầm trọng, tường nhà và trần nhà bị thủng nhiều chỗ. |
Vì tương lai, vì gia đình và xã hội, Khoa say mê học…
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Khoa say mê học, say mê với những kiến thức mới, ở nhiều lĩnh vực. Từ chiếc máy tính cũ mà cả bố và mẹ đã nhịn ăn, nhịn mặc, tiết kiệm từng đồng suốt nhiều tháng trời để có thể mua, Đăng Khoa có cơ hội được tiếp xúc với vô vàn tri thức trên internet như tự học tiếng Anh, học toán, học lịch sử... Với cậu, việc học “không bao giờ là đủ” và “cũng không có điểm dừng”. Khoa muốn học và ứng dụng những gì được học vào thực tiễn cuộc sống, bởi cậu biết, đó là cách đóng góp thiết thực nhất cho gia đình và xã hội.
Khoa tại Cuộc thi Tuần 1 - Tháng 3 - Quý 4 - Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23. |
Đăng Khoa tâm sự, lý do luôn thúc đẩy cậu phải cố gắng không ngừng là gia đình mình. Nhìn vào hoàn cảnh khó khăn, ngay từ nhỏ, cậu đã có suy nghĩ phải học tập để vươn lên, để lo cho cha mẹ. “Cha mẹ mình đã khổ cực cả một đời rồi, mình mong muốn đến những ngày tháng tuổi xế chiều, cha mẹ có thể phần nào an nhàn, nghỉ ngơi, bù đắp cho mấy chục năm khổ cực, vất vả vì phải lao động chân tay”, cậu nói. Mỗi lúc thấy cha đạp xe về khi trời nắng, thở hổn hển từng hơi nặng nhọc, mẹ chân tay nhức mỏi khi trái gió trở trời, Khoa chỉ muốn bản thân có thể lớn thật nhanh, mau kiếm ra tiền để lo cho cha mẹ, để họ sẽ không còn phải khổ cực…
Khoa và mẹ tại buổi lễ trao giải Hoa Trạng Nguyên. |
Không chỉ vậy, một động lực to lớn khác của Khoa chính là mong muốn đóng góp cho xã hội. Trong suốt quá trình học tập, Khoa đã nhận được không ít sự giúp đỡ từ họ hàng, thầy cô, bạn bè và nhiều người yêu quý khác, cả về vật chất và tinh thần để đôi chân Khoa vững bước trên chặng đường chinh phục tri thức. Nam sinh luôn tâm niệm “xã hội đã cho mình tình cảm thân thương, mình sẽ đáp lại bằng hành động thân tình”. Khoa mong muốn có thể tiếp nối những hành động tốt đẹp đó bằng cách học tập thật tốt, tạo ra nhiều thành tựu và có những đóng góp thiết thực cho xã hội, cho Tổ quốc. Là gương mặt học sinh giỏi xuất sắc các cấp, Đăng Khoa đã có cho mình nhiều thành tích đáng nể, điển hình như:
· Giải Nhất Tuần - Nhất Tháng - Nhì Quý cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2023
· Giải Nhì môn Lịch sử trong kì thi chọn HSG cấp quốc gia năm 2023 - 2024
· Huy chương Vàng - Á khoa Olympic Truyền thống 30/4 môn Lịch sử năm 2023
· Giải Nhất - Thủ khoa HSG cấp huyện - Giải Nhì HSG cấp tỉnh môn Tiếng Anh năm 2021
· Giải Nhất Sáng tạo Khoa học kĩ thuật cấp huyện năm - Giải Ba Sáng tạo Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm 2021
· Học sinh xuất sắc Nhất Trường THPT Chuyên Tiền Giang (năm học 2023-2024)
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho Giải Nhì quốc gia môn Lịch sử của Khoa trong kì thi chọn HSG cấp quốc gia năm 2023 - 2024. |
Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa rồi, Trần Đăng Khoa đủ điều kiện trúng tuyển tất cả các ngành của nhiều trường đại học, nổi bật như: ĐH Bách Khoa TPHCM (HCMUT), ĐH Khoa học tự nhiên HCM (HCMUS), ĐH Ngoại thương (FTU), ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), ĐH Kinh tế HCM (UEH), ĐH Sư phạm HCM (HCMUE),... Đặc biệt, cậu bạn còn nhận được học bổng của không ít các trường đại học: Học bổng Scholarship of Talents ở ĐH Swinburne Việt Nam, Học bổng 100% tại ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, Học bổng tại Đại học Greenwich Việt Nam, Học bổng tài năng và hỗ trợ học phí 100% tại Đại học VinUni,...
Hành trình đạt học bổng tài năng và hỗ trợ học phí 100% tại VinUni
“Lúc biết đến VinUni, mình chỉ là một đứa trẻ lớn lên ở vùng quê Tiền Giang. Với mình khi ấy, việc được học đến hết cấp 2 là cả một sự cố gắng to lớn của cha mẹ, và việc vào trường chuyên đã là một giấc mơ thành hiện thực. Vì vậy, mình không nghĩ bản thân sẽ có điều kiện học ở một ngôi trường “xa hoa” như VinUni, mà chỉ dừng ở sự yêu thích và ngưỡng mộ ngôi trường ấy”, Khoa kể.
Khi ấy và cho đến tận thời điểm nộp hồ sơ vào trường Đại học VinUni, việc có thể học tập tại môi trường này, trong suy nghĩ của Khoa, thật khó có thể trở thành hiện thực. Và Khoa hiểu rằng, học bổng 100% là cách duy nhất để cậu có thể học ở Vin, vì 10% học phí trong bốn năm học ở đây cũng đã là “con số không tưởng” với gia đình cậu.
Sau rất nhiều băn khoăn, Khoa quyết tâm thử một lần, để không phải hoài tiếc. Khoa chuẩn bị hồ sơ rất kĩ, hoàn thành hồ sơ với tất cả tâm huyết. Tuy nhiên, lúc này, vì nộp hồ sơ vào đợt cuối cùng tuyển sinh, khoản phí nộp hồ sơ lại một lần nữa là rào cản với cậu. Dù mức phí 2 triệu đồng không phải là số tiền quá lớn với nhiều người nhưng lại không nhỏ với Khoa và gia đình. Sau khi bàn bạc với bố mẹ, cậu quyết định sẽ tạm gác lại ước mơ ấy, nhất là khi cơ hội nhận được học bổng khá mong manh.
Thay vào đó, Khoa tập trung vào học bổng du học ở nước ngoài mà cậu được một người bạn rủ tham gia không lâu về trước. Giây phút vui sướng vì nhận được học bổng nước ngoài với tỉ lệ “chọi” rất cao diễn ra không lâu thì ngay sau đó, sức khỏe Đăng Khoa bắt đầu không ổn định và một lần nữa, cậu lại đành tạm gác lại ước mơ du học tại trường đại học nước ngoài danh giá. Lúc này, cậu quyết định sẽ ở lại Việt Nam để tiếp tục con đường học tập.
Cùng lúc ấy, Khoa nhận được sự động viên từ một người thầy tại VinUni mà cậu đã có cơ hội được kết nối trước đó. Đó là thầy K. David Harrison - Phó hiệu trưởng trường đại học VinUni. Ngay khi biết cậu gặp khó khăn với phí nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, thầy đã ngay lập tức động viên, hứa sẽ hỗ trợ cậu với khoản tiền ấy. “Mình từ chối, song thầy cứ thuyết phục mãi, vì biết mình rất thích VinUni. Mình đã suy nghĩ rất nhiều, và cuối cùng quyết định sẽ nhận lấy cơ hội này. Đó là ngày 15/8, ngày cuối cùng mở hồ sơ của VinUni. Mình chuyển khoản phí nộp hồ sơ 3 tiếng đồng hồ trước khi mọi cánh cổng đóng lại. Khi ấy, thật sự mình không nghĩ đây sẽ là quyết định thay đổi cả cuộc đời của mình. Mình muốn thử một lần, muốn trải nghiệm một lần, để bản thân không phải hối tiếc”, nam sinh nhớ lại.
Thầy K. David Harrison và Trần Đăng Khoa. |
Trải qua quá trình nộp hồ sơ và phỏng vấn cùng với giáo sư, Đăng Khoa chờ đợi kết quả trong sự hồi hộp. Đến ngày thứ hai khi nhập học tại Trường Đại học Ngoại thương cơ sở TP.HCM, cậu nghe được tin được Học bổng tài năng và hỗ trợ tài chính 100% - Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính tại VinUni. Vỡ òa trong cảm xúc vui sướng, Khoa mãn nguyện vì tất cả những cố gắng, nỗ lực của mình đã được đền đáp. Nhìn lại hành trình đã qua, cậu mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình, những người luôn yêu thương cậu và đặc biệt là thầy K. David Harrison tại VinUni đã giúp cậu mở ra cánh cửa tri thức mà cậu hằng mong ước. Cho đến giờ, cậu vẫn nhớ như in lời chia sẻ mà thầy nói: “I came to Vietnam because I am very inspired to work with such talented Vietnamese students like Khoa” (Tôi đến Việt Nam vì tôi rất được truyền cảm hứng khi làm việc với những sinh viên tài năng của Việt Nam như Khoa” và thầm nhủ với lòng sẽ không bao giờ phụ lòng mong đợi của người thầy đáng kính.
Trần Đăng Khoa trúng tuyển học bổng 100% tại trường Đại học VinUni. |
Hiện tại, cậu đang trong tuần học đầu tiên tại VinUni. Khoa kỳ vọng khi học tập tại ngôi trường mới này, cậu sẽ tiến gần hơn với ước mơ lớn nhất của mình: phát triển bản thân, phụ giúp cho gia đình và đóng góp thật nhiều cho xã hội.
Trần Đăng Khoa tự hào khi khoác trên mình chiếc áo của VinUni. |
Ảnh: NVCC