Tình yêu Kỹ thuật bắt đầu từ … một mô hình lego
Chia sẻ với phóng viên về niềm mê với kỹ thuật, Minh Quân tâm sự: “Từ lúc còn bé, mình đã có sự hứng thú với kỹ thuật. Mình vẫn nhớ lần đầu tiên được cầm trên tay một mô hình lego, mình thật sự thích cái cách từng chi tiết nhỏ ghép lại với nhau để tạo nên mô hình nào đó”. Con đường học vấn mà Quân đang nỗ lực chinh phục ở thời điểm hiện tại (bằng kép cử nhân - thạc sĩ tại VinUni và UTS (University of Technology Sydney - Trường Đại học công nghệ Sydney)) đã được bắt đầu từ niềm yêu thích thuở nhỏ ấy.
Minh Quân khi học tại trường cấp 3 Vinschool. |
Kết thúc những năm học cấp 3, đứng trước ngưỡng cửa đại học, Minh Quân lựa chọn VinUni sẽ là ngôi trường để anh tiếp tục học tập. Tự nhận mình là “một học sinh không quá xuất sắc”, trong quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển tại VinUni, Quân đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Những hoạt động ngoại khóa liên quan tới kỹ thuật và robot trong khi học cấp 3 đã trở thành một trong những điểm sáng nhất khiến Minh Quân thành công đạt được học bổng 100% đối với hệ cử nhân Kỹ thuật cơ khí tại ngôi trường mơ ước.
Hành trình sau đó, khi học tập tại trường, đứng trước những bạn bè đồng trang lứa tài giỏi, có những thời điểm, Minh Quân đã bị bỏ lại phía sau. Quân chia sẻ: “Mình kết thúc năm thứ 2 tại trường với 1 môn bị trượt và thành tích học tập không nổi bật. Cũng vì lí do này mà học bổng của mình giảm từ 100 xuống 90%. Dẫu vậy, những kỳ học tiếp theo vẫn thật đáng nhớ đối với mình khi tìm lại được niềm đam mê trong kĩ thuật qua những trải nghiệm làm việc thực tế”. Khi có cơ hội được thực tập tại SMC Corporation Việt Nam, trực thuộc tập đoàn SMC Corporation của Nhật Bản (thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị khí nén cho các ngành công nghiệp tự động hóa), Quân đã học tập được những kiến thức thực tế liên quan đến chuyên ngành và khám phá ra rằng, bản thân phù hợp và mong muốn được phát triển trong ngành Kỹ thuật sản xuất.
Minh Quân thuyết trình tại Workshop in 3D tại VinUni. |
Cũng vào thời điểm ấy, VinUni hợp tác với UTS (Đại học Công nghệ Sydney) về chương trình 3+2 (học 3 cử nhân tại VinUni và 2 năm thạc sĩ tại UTS) và một trong những chương trình được đề xuất là Thạc sĩ Kỹ thuật Sản xuất và Quản lý. Với Minh Quân, đây thực sự là một cơ duyên, một cơ hội đến bất ngờ và Quân đã quyết định không bỏ lỡ nó.
“Thoát kén”, tự lập để học tập và cống hiến
Đối với Minh Quân, học tập tại một vùng đất mới không phải là “một điều quá khó khăn”. Quân chia sẻ: “Về môn học, UTS là một trường đẩy mạnh tính thực tế của kiến thức nên thay vì quá tập trung vào thi cử, trường đề cao việc làm dự án và nắm rõ kiến thức theo một cách có thể áp dụng được”. Bởi thế, phương thức học này có thể giúp những bạn sinh viên như Quân có khoảng thời gian riêng để có thể phát triển kỹ năng cá nhân, tìm kiếm chương trình thực tập hay việc làm thêm, cũng như làm chủ được thời gian của bản thân.
Minh Quân tại Nhà hát Opera Sydney - Úc. |
Nhưng dù cuộc sống tự lập nơi đất nước Úc đã mở ra cho Quân rất nhiều trải nghiệm mới mẻ - những điều mà Quân chưa từng có cơ hội được biết đến, những ngày đầu làm quen với cuộc sống mới, trong Quân tràn ngập nỗi nhớ, nhớ gia đình, nhớ bạn bè và nhớ Hà Nội. Cho đến tận bây giờ, việc sinh sống tại Sydney với Quân “vẫn là một điều gì vẫn khá lạ lẫm”. “Mình cảm thấy có đôi chút khó khăn hơn khi tới mùa thi cử hay nộp dự án khi việc ăn ngoài, đặt đồ ăn không còn quá thuận lợi như ở Việt Nam”, Quân tâm sự. Thế nhưng, nhờ cộng đồng người Việt tại Úc giúp đỡ nên Quân có thể thích nghi nhanh hơn với cuộc sống du học.
Không chỉ vậy, khi tích cực làm quen bạn mới và thử những trải nghiệm mới tại Úc như lướt sóng, hiking (hoạt động đi bộ đường dài trong thời gian ngắn ngày)... anh càng cảm nhận được nhiều hơn “cảm giác thuộc về”. Trong Quân còn một thứ động lực to lớn mà Quân đang gửi lại nơi quê hương mình, rằng, một ngày nào đó, khi đã có thể đủ khả năng đem tài trí của mình cống hiến cho đất nước, Quân sẽ góp sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình giúp đất nước ngày càng phát triển.
Sinh viên có nên học bằng kép cử nhân - thạc sĩ hay không?
Theo quan điểm cá nhân, Quân cho rằng việc theo học “bằng kép cử nhân - thạc sĩ tại 1 trường trong nước và ngoài nước là một lựa chọn không hề tệ, nhưng dĩ nhiên, điều này tồn tại những mặt tốt và nhược điểm nhất định”. Về mặt tốt, Quân tin rằng việc theo học tại môi trường quốc tế đã giúp cho Quân có cơ hội được tiếp thu những kiến thức của những nước đã phát triển. Bởi thế, việc theo đuổi bằng kép cử nhân - thạc sĩ sẽ là bệ phóng giúp Quân có một nền tảng kiến thức đủ lớn và sẵn sàng cho môi trường làm việc quốc tế. Hơn nữa, khi được học tập với những bạn học năm châu, ở nhiều độ tuổi đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nam sinh được giao lưu và học hỏi thêm nhiều điều lý thú mà trước giờ Quân chưa từng được biết.
Quân cho rằng việc học chương trình bằng kép cử nhân - thạc sĩ là một lựa chọn không hề tệ. |
Tuy nhiên, theo Quân, khi tiến thẳng tới bằng thạc sĩ có thể gây ảnh hưởng tới việc áp dụng kiến thức. “Khi mà mình có quá nhiều công cụ mà thiếu mất kinh nghiệm, sẽ thật khó để hiểu sâu hơn những gì mình đã học nếu chưa có chỗ để tận dụng nó”, Quân giải thích thêm. Do đó, nếu chưa thật sự chắc chắn về ngành học và có những trải nghiệm thực tế nhất định với ngành, các bạn sinh viên nên cân nhắc việc mình có nên theo đuổi hệ học này hay không dựa trên những điều bản thân “được” và “mất”, Minh Quân nhắn gửi.
Với riêng Quân, việc lựa chọn theo đuổi học bằng kép cử nhân - quốc tế tại VinUni và UTS là một điều đúng đắn. Những kiến thức và trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập và làm việc ấy đã khiến Quân có những điểm cộng trong CV (hồ sơ ứng tuyển) và thành công trúng tuyển vào vị trí Thực tập sinh quản lý chương trình kỹ thuật bền vững bền vững tại Google Việt Nam. Đây không chỉ là kết quả của một sự may mắn mà còn là trái ngọt của cả một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu cơ hội đến, nhưng Quân thiếu đi những điều mà bản thân đã trải nghiệm vào khoảng thời gian trước đó, chắc chắn rằng Quân sẽ không thể tận dụng được khoảnh khắc ấy. Ở chặng đường phía trước, chúc cho Quân sẽ học tập thật tốt và luôn nhiệt huyết trong công việc.
Ảnh: NVCC