Tuy nhiên, việc chuyển đổi đột ngột sang hình thức học trực tuyến đã gây ra nhiều trở ngại, bao gồm khó khăn trong việc hỗ trợ giáo dục, thiếu tương tác trực tiếp và hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng lắng nghe các nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ ĐH Monash (Úc) chia sẻ suy nghĩ về bối cảnh giáo dục đang thay đổi và đề xuất của họ về cách giải quyết những vấn đề trên.
Các giảng viên và sinh viên tại ĐH Monash đã trải nghiệm việc học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch COVID-19 như thế nào? Khi thiếu vắng sự tương tác trực tiếp, công nghệ kỹ thuật số có thể được sử dụng như thế nào để thúc đẩy các hoạt động thảo luận trong lớp học?
Bốn giảng viên đến từ Khoa Giáo dục của ĐH Monash - Lilly Yazdanpanah, Kristin Reimer, Melissa Barnes and Tim Fish: Chúng tôi đã trải nghiệm việc học và giảng dạy online xuyên suốt những tháng vừa qua với tư cách là giảng viên. Và chúng tôi sẽ chia sẻ các kinh nghiệm và nhận định của mình đến với tất cả các mối giao tiếp trực tuyến, với mong muốn sẽ tạo nên không gian giao tiếp chân thật nhất bằng cách khơi dậy nhận thức cá nhân và chú trọng đến cảm xúc của những người xung quanh.
Học tập từ xa/trực tuyến đã thách thức cách chúng ta vẫn thường tạo ra các mối quan hệ bền chặt và những môi trường học tập chủ động. Tuy nhiên, những môi trường học tập đó, dù là trực tiếp hay trực tuyến, cũng đều tạo ra bởi con người. Chúng không thể được thay thế bằng một cú nhấp chuột, và không thể được chuẩn hóa. Chúng được tạo ra theo một cách khác biệt, tràn ngập cảm xúc và tính nhân văn. Đồng thời, những môi trường học tập này được xây dựng thông qua và phụ thuộc hoàn toàn vào các mối quan hệ.
Dưới đây là những chia sẻ của chúng tôi về trải nghiệm giảng dạy trong môi trường trực tuyến, cách chúng tôi nỗ lực giải quyết mối quan hệ giữa thầy và trò, cũng như duy trì sự kết nối với sinh viên của mình. Chúng tôi xin đề ra bốn nguyên tắc được rút ra từ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến của chính bản thân về cách tiếp cận các mối quan hệ trực tuyến: hành động có chủ đích; nhân cách hóa trải nghiệm trực tuyến; chú ý đến cảm xúc; và tích cực thể hiện bản thân trên không gian mạng.
Một mặt giáo viên nên chia sẻ mục tiêu đằng sau những hoạt động giảng dạy cũng như lắng nghe tiếng nói của học sinh. Mặt khác, chúng tôi cần nhìn nhận rằng việc kiểm soát được mọi tình huống là điều bất khả thi. Thay vì cố gắng kiểm soát, giáo viên và học sinh có thể đồng kiến tạo tri thức, giúp những cuộc thảo luận trở nên dễ dàng hơn. Các học sinh nên được chuyển micro từ người này sang người khác để chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của chính mình về chủ đề được đề cập tới.
Đối với nguyên tắc thứ hai, trong giảng dạy, điều quan trọng là phải kết nối được những gì học sinh đang học với kinh nghiệm sống và thế giới xung quanh họ. Học sinh được trao thêm cơ hội để bày tỏ quan điểm cá nhân và kết nối với nhau thông qua các nền tảng tương tác. Sự đa dạng là chìa khóa để đáp ứng sở thích về mặt hình thức học tập của học sinh - bao gồm cả trao đổi 1:1 với giáo viên, thảo luận nhóm nhỏ với bạn cùng lớp (có hoặc không có sự góp mặt của giáo viên), thảo luận trực tuyến và trên mạng xã hội.
Cảm xúc là một yếu tố không thể và không nên bị phớt lờ trong nỗ lực sinh động hóa không gian mạng. Ở phần đầu của mỗi buổi phụ đạo, học sinh sẽ chia sẻ trạng thái cảm xúc của họ thông qua một khảo sát ẩn danh. Hoạt động này cho thấy sự quan tâm chân thành của chúng tôi dành cho họ. Trong khi thực hiện một cuộc khảo sát tương tự vào cuối buổi phụ đạo giúp học sinh nhận thức được bất cứ thay đổi tích cực nào trong cảm xúc của họ.
Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy việc tập trung vào nội dung và các hoạt động trực tuyến nhằm thu hút học sinh tham gia sinh không có được sự tự nhiên và tính riêng biệt hình thành qua nhiều năm giảng dạy trực tiếp. Dù bạn đang ở trong không gian trực tuyến nào, điều quan trọng là không để sự hiện hữu của bản thân trở nên lu mờ và biến mình trở thành một kẻ vô danh - hãy cho phép con người thật của mình hiện diện, cho dù nó có như thế nào đi chăng nữa.
Các giáo sư tại ĐH Monash có suy nghĩ như thế nào về tiềm năng của việc học trực tuyến? Liệu đây sẽ trở thành phương pháp mới của tương lai?
Ứng cử viên TS Matthew Fyfield và Giáo sư Michael Henderson từ Khoa Giáo dục: Việc chuyển đổi sang học trực tuyến trên toàn thế giới gần đây đã dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào hình thức giảng dạy thông qua video kỹ thuật số như video chứa các slides bài giảng, video hướng dẫn và video quay lại bài giảng.
Có thể nói, một số lượng lớn chưa từng có các nhà giáo dục đã được trải qua khóa học đào tạo kỹ năng giảng dạy từ xa cấp tốc. Điều này giúp họ cải thiện khả năng sáng tạo video, nâng cao hiểu biết về các nguồn video, cũng như tăng cường tích hợp video vào chương trình giảng dạy.
Khi các nhà giáo, học sinh và sinh viên quay trở lại lớp học, chúng tôi dự đoán rằng việc sử dụng video trong giảng dạy sẽ còn tiếp tục diễn ra. Do đó, chúng ta cần tập trung tối đa hóa tiềm năng của phương tiện truyền đạt này.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sự công bằng trong giáo dục như thế nào? Những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này mà các chuyên gia của ĐH Monash đề xuất là gì?
GS Umesh Sharma và TS Fiona May - Đơn vị nghiên cứu Tâm lý học giáo dục và Giáo dục hòa nhập: Nghiên cứu của Đại học Monash đã phát hiện ra rằng, đối với các trường học có sự phối hợp với gia đình để đảm bảo tất cả học sinh có thể tiếp cận công nghệ cần thiết, đã cho thấy sự gia tăng tương tác của các bạn trẻ. Đối với một số gia đình, việc này bao gồm khả năng truy cập Internet, hoặc các thiết bị như máy tính xách tay hay máy tính bảng.
Ngoài ra, những chiến lược như cung cấp cho sinh viên số điện thoại của giáo viên hoặc nhân viên hỗ trợ giáo dục trong trường hợp họ cần hỗ trợ thêm, và đảm bảo các bài giảng được ghi hình để sinh viên có thể xem lại khi cần, được cho là vô cùng quan trọng.
Một số nhân viên trợ giảng đã mô tả cách họ liên hệ với học sinh qua điện thoại trước các giờ học trực tuyến để trao đổi về mục tiêu bài học. Bên cạnh đó, họ cũng liên lạc qua điện thoại hoặc email sau các buổi học để có thể hỗ trợ học sinh ngay khi cần.
Trước thềm năm học mới giữa dịch COVID-19, các cố vấn giáo dục có thể làm gì để giúp nâng cao sức khỏe tinh thần của học sinh và sinh viên?
Emily Berger - Giảng viên đến từ Đơn vị nghiên cứu Tâm lý học Giáo dục và Giáo dục hòa nhập: Với những lo ngại về rủi ro sức khỏe tâm lý gây ra bởi dịch COVID-19, hiện nay có những biện pháp có thể được áp dụng để giúp đỡ mọi người về mặt cảm xúc như giao tiếp rõ ràng, hỗ trợ tài chính, giúp mọi người kết nối trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội, cũng như cung cấp đầy đủ nguồn lực để duy trì sự vận hành của nơi làm việc và trường học.
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các giáo viên khi trò chuyện với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên về dịch COVID-19.
• Phát hiện bất kỳ suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực nào của học sinh về dịch vi-rút Corona.
• Lắng nghe mà không phán xét, đặt câu hỏi và luôn nỗ lực thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của học sinh.
• Nhiệt tình phản hồi trong cuộc thảo luận trên lớp, đồng thời theo dõi sát sao các buổi thảo luận này và dành thời gian trò chuyện riêng với những học sinh có thể cần thêm sự trấn an tinh thần.
• Dành một khoảng không gian và thời gian để học sinh chia sẻ về những lo lắng của họ. Hãy nhớ rằng những mối lo lắng này có thể kéo dài dai dẳng hoặc thay đổi theo thời gian.
• Hãy lạc quan, cho thấy sự trấn an và thể hiện sự tự tin vào khả năng phản hồi kịp thời khi giải đáp các thắc mắc của học sinh.