Mùa tuyển sinh năm nay chứng kiến cuộc đua mở ngành Logistics giữa các trường đại học. Cụ thể, trường ĐH Công nghệ TP. HCM vừa được cấp phép đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nâng tổng số ngành đào tạo lên 41 ngành. Năm đầu tiên, trường tuyển 50 chỉ tiêu cho ngành học này. Bên cạnh ngành Luật vừa mở, trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM cũng vừa tham gia những trường có đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nâng tổng số ngành được đào tạo lên 20.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, ngành học này được mở ở hàng loạt trường, từ công lập đến tư thục lẫn quốc tế, như trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH RMIT… Lý giải hiện tượng này, TS Nguyễn Quốc Anh nói: “Đây được xem là ngành học theo xu hướng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa, với lợi thế đất nước có thị trường rộng lớn và vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics Việt Nam chính là cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên trong tương lai”.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một trường đại học ở TP. HCM.
TS Nguyễn Quốc Anh lấy ví dụ, khi đặt mua một sản phẩm từ các trang bán hàng như Lalora, Lazada, Amazon… người mua có biết làm thế nào sản phẩm đó đến được tay mình thật nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng? Ngành học Logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ cho câu trả lời chính xác về quy trình này. Đây là ngành học đang “hot” được nhiều trường đua nhau xin mở. Nhắc đến kinh doanh, những bạn trẻ thường chỉ nghĩ đến các công việc quen thuộc như bán hàng, marketing… mà bỏ quên một mảng rất quan trọng là quản lý chuỗi cung ứng và logistics đang ngày ngày ảnh hưởng đến cuộc sống hiện đại của chúng ta. Ngành logistics đảm bảo hàng hóa và dịch vụ đến đúng nơi và đúng thời điểm. Các nhà logistics giám sát vòng đời của sản phẩm, vị trí lưu hàng và trạng thái vận chuyển… Người làm công việc này giống như “chiến binh thầm lặng” phía trong hậu trường, có thể nắm được bức tranh toàn cảnh của cả hệ thống để đưa ra chiến lược phát triển sản xuất sao cho hiệu quả nhất và phân bổ hàng hóa tới tay khách hàng ở khắp nơi trên thế giới một cách nhanh nhất.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, hiện có ít nhất 300.000 doanh nghiệp trong cả nước tham gia lĩnh vực logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động làm nghề logistics. Trong đó, TP. HCM chiếm khoảng 40%. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động ở các vị trí như: Nhân viên chứng từ thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, thu mua, điều hành, quản lý kho… Từ nay đến năm 2020, các nhóm ngành kinh tế trong đó có logistics ở TP. HCM có nhu cầu đến 25.000 lao động. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung, song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Dù các doanh nghiệp logistics đang rất “khát” nhân lực nhưng có thực tế là hiện nay nguồn nhân lực có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực logistics và sử dụng tiếng Anh tốt đang về các doanh nghiệp ngoại.
Ông Nguyễn Việt Thái, Phó Trưởng phòng Chiêu sinh, trường ĐH Hoa Sen cho rằng, lao động có bằng logistics có quyền chọn công việc yêu thích bởi nó là mắt xích quan trọng tạo giá trị của doanh nghiệp, tổ chức. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang tăng cường tìm kiếm chuyên gia trong lĩnh vực này. Riêng tại Việt Nam, ngành logistics đang phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng trung bình 15 - 16%/năm và nhu cầu nguồn nhân lực ngành này sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Vì vậy, cơ hội việc làm cho ngành này sẽ không thiếu. Việc muốn tham gia các tập đoàn lớn, doanh nghiệp, tổ chức cho đến các cơ quan Chính phủ cũng không khó, bởi mảng công việc của ngành này vô cùng đa dạng như quản lý xuất nhập khẩu, quản lý kho vận, chuyên viên phân tích logistics hay giám đốc kinh doanh, giám đốc phân phối, quản lý vận hành...