Rối với điểm sàn
Nhiều trường có cùng mức điểm sàn giữa các ngành. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Lạc Hồng có điểm sàn tương đối thấp, với 15 điểm dành cho tất cả các ngành ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Kế tiếp là Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, 17 điểm với tất cả các ngành; Trường ĐH Tài chính- Marketing 19 điểm; Trường ĐH Ngoại thương lấy 23,5 điểm cho tất cả các ngành.
Các trường ĐH Nông Lâm, ĐH Mở TPHCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế- Tài chính TPHCM, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Gia Định… có mức điểm sàn rải đều và có sự phân hóa giữa các ngành, dao động từ 16-21 điểm. Thậm chí, một số ngành như Công nghệ thông tin; Khoa học dữ liệu; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường ĐH Giao thông-Vận tải TPHCM còn lấy 22 điểm.
Riêng ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) cũng có mức điểm sàn chung cho điểm thi tốt nghiệp THPT là 18 điểm. Tuy nhiên, đây là trường duy nhất tại TPHCM có cách xét tuyển đặc biệt theo hình thức tổng hợp nhiều tiêu chí thành phần. Cụ thể, ngoài điểm thi tốt nghiệp, thí sinh cần phải đạt điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM từ 630/1.200 điểm và điểm học tập THPT (theo học bạ) từ 18/30 điểm (tổng điểm trung bình ba môn của ba năm học 10, 11, 12).
Thí sinh Nguyễn Mai Anh (TPHCM) có điểm thi tốt nghiệp THPT khối A đạt 24 điểm nhưng đang phân vân chưa biết nên chọn ngành nào trường nào. “Em yêu thích ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing. Hai ngành này có nhiều trường đào tạo như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Công nghiệp…
Tuy nhiên, mức điểm của em không phải quá cao để chắc suất trường tốp trên; còn trường điểm chuẩn thấp hơn thì học phí lại cao”, Mai Anh chia sẻ. Đó cũng chính là lý do khiến Mai Anh phân vân trong việc chọn trường và chọn các phương thức sau khi các trường đã có điểm sàn.
Ưu tiên nguyện vọng đã trúng tuyển sớm
Phân tích về phổ điểm, thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Công tác sinh viên và Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM cho hay, so với năm 2022, các môn Toán, Lý, Hóa có phổ điểm thấp hơn so với 2022, các môn còn lại như Tiếng Anh, Sinh, Văn, Sử, Địa, GDCD có phổ điểm cao hơn. Riêng phổ điểm môn Toán, số thí sinh đạt từ 8 điểm đã giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 so với năm 2022. Năm 2023, chỉ tiêu vào đại học lấy điểm tốt nghiệp THPT của các trường đại học đã giảm đi (do chỉ tiêu theo các tiêu chí khác tăng lên).
Do đó khả năng năm nay điểm chuẩn sẽ có xu hướng giảm nhẹ đối với tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Lý, Hóa), D07 (Toán, Hoá, Anh) và tăng nhẹ đối với các khối với tổ hợp xét tuyển A1 (Toán, Lý, Anh), Khối D1 (Toán, Văn, Anh), Khối B (Toán, Hóa, Sinh).
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng |
“Thí sinh nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành, trường mình mong muốn chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 ngành, trường đó lên hệ thống thì chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Nếu vẫn muốn tiếp tục đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường ở phương thức này (chỉ tiêu, điểm sàn…) và tham khảo điểm chuẩn các năm trước để có sự lựa chọn phù hợp. Đồng thời phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng đã trúng tuyển sớm theo ưu tiên từ cao xuống thấp để đảm bảo được trúng tuyển theo lựa chọn ngành yêu thích”, ông Tiến khuyên.
TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho hay, hiện nay đa số các trường đã công bố điểm sàn. Mức điểm sàn năm nay không có biến động quá lớn so với năm ngoái và nằm trong dự đoán của đa số thí sinh, phụ huynh. Đặc biệt các trường/ngành top trên đã có phương án xác định điểm sàn phù hợp hơn, gần với điểm chuẩn hơn nên giúp cho thí sinh tham khảo, đối chiếu với kết quả thi để đăng ký xét tuyển phù hợp năng lực, sở trường của mình hơn.
TS Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông của Trường ĐH Công thương TPHCM khuyên thí sinh không nên chờ đến những ngày cuối mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển mà nên thực hiện từ bây giờ để còn thời gian rà soát, chỉnh sửa nếu có sai sót, tránh “nước đến chân mới nhảy”, sẽ rối.
Theo ông Lý, điểm chuẩn năm nay có thể cũng không biến động lớn so với năm ngoái hoặc có thể một số ngành sẽ giảm nhưng không đáng kể.
“Thí sinh cần tham khảo nhiều nguồn thông tin, tham khảo điểm chuẩn các năm trước và chỉ tiêu năm nay của ngành mà mình thích để đưa ra quyết định chính xác.
Không nên chỉ dựa vào điểm sàn của năm nay để đăng ký tránh rơi vào cái gọi là “bẫy điểm sàn” khi điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn cao”, ông Lý nói và khuyên, thí sinh cần so sánh độ lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn các năm gần đây, giữa điểm chuẩn của cùng một ngành đó ở các trường khác nhau và với kết quả thi của mình để có quyết định đúng đắn.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM cho hay, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH công bố mức điểm sàn dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh lầm tưởng đây là mức điểm chuẩn và tin chắc mình đã đậu vào một trường nào đó.
“Thí sinh và phụ huynh cần lưu ý điểm sàn chỉ là mức điểm bắt đầu để trường nhận hồ sơ xét tuyển chứ không phải điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển của mỗi trường tăng hay giảm so với điểm sàn sẽ chịu ảnh hưởng từ số lượng hồ sơ nộp vào. Điểm sàn là điều kiện cần và điểm chuẩn là điều kiện đủ”, bà Phụng nói đồng thời dự đoán, so với mặt bằng chung, dự đoán điểm chuẩn các ngành kinh tế sẽ giảm 0,25 - 1 điểm.
TS Nguyễn Trung Nhân-Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng, đối với những thí sinh đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện, mà trong đó chưa có nguyện vọng các em mong muốn nhất, thì có thể đăng ký xét thêm bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.
“Lưu ý là các nguyện vọng xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT phải đặt trên rồi sau đó mới tới nguyện vọng đã được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển”, ông Nhân khuyến cáo.